Nghệ sĩ CAND: Sau ánh hào quang sân khấu

Thứ Năm, 07/02/2019, 07:25
Huy chương Bạc cho vở diễn, Huy chương Bạc cho đạo diễn, Huy chương Vàng cho diễn viên nữ chính và diễn viên nam tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2018.


Đây là một phần trong rất nhiều thành tích của các nghệ sĩ Nhà hát CAND nói chung, đoàn Kịch CAND nói riêng. Nhưng, ít ai biết, sau thành công ấy là những hành trình với rất nhiều nỗ lực và cả sự bền bỉ vượt khó của những người nghệ sĩ - chiến sĩ. 

Chuyện đời, chuyện nghề của 2 gương mặt nghệ sĩ CAND xuất sắc năm 2018: Diễn viên Hồng Lê, NSƯT Hồng Tuấn sẽ ít nhiều giúp bạn đọc và cả những công chúng yêu mến các nghệ sĩ này hình dung về họ.

1. Nhỏ nhắn, xinh xắn nên Hồng Lê - nữ diễn viên của Đoàn Kịch CAND (Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018) có vẻ ngoài trẻ hơn nhiều so với tuổi. Ít người có thể hình dung bảng thành tích đáng nể của chị từ khi chị gắn bó với Đoàn Kịch CAND sự gắn bó được chị gói gọn trong một chữ "duyên". 

Tốt nghiệp Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, học liên thông Đại học Sân khấu Điện ảnh, Hồng Lê về Đoàn Kịch CAND theo sự "rủ rê" của một vài bạn bè cùng lứa.

Từng khẳng định mình qua một số vai diễn nên ngày mới ra trường, Hồng Lê nhận được khá nhiều lời mời đóng phim. Có thời điểm, chị đã cầm cả 30 tập kịch bản phim để thử sức cho vai nữ chính, nhưng khi đoàn có quyết định dựng vở, chị lại từ chối, dù thâm tâm rất tiếc.

Vai Bảo Yến mang về huy chương vàng cho nghệ sĩ Hồng Lê.

Hồng Lê kể lại đợt dựng vở "Gặp lại người đã khuất" là một vở diễn kể về những người lính chiến đấu trong lòng địch thời kháng chiến chống Mỹ, dựa theo hồi ký của nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử CAND, đồng chí Nguyễn Văn Quyền.  

Từ lúc triển khai đến ngày sơ duyệt - thời điểm Đoàn thuê rạp để chạy thử chỉ vỏn vẹn 2 tuần. Hậu quả là buổi diễn được các đại biểu phê bình "tan nát", dù suốt 2 tuần trước, đoàn đã tập cả sáng, chiều, tối. Vai nữ chính của Hồng Lê là Bảo Yến - nữ chiến sĩ điệp báo hy sinh hạnh phúc riêng để hoàn thành nhiệm vụ. Vai diễn này rất "nặng". 

Cảnh nào Lê cũng diễn nên có khi không kịp thay phục trang. Để đáp ứng kế hoạch, sau buổi diễn, cả đoàn ngồi lại, tổng hợp ý kiến, bàn thảo chỉnh sửa tới khuya. Sáng hôm sau, NSND Lê Hùng, đạo diễn của vở quyết định cắt nguyên một cảnh, bổ sung lời mới. Để kịp tiến độ, tất cả tập xuyên suốt từ sáng tới tối. 

Sau khi tổng duyệt, ê kip tiếp tục tiếp thu ý kiến, đạo diễn quyết định cắt thêm một cảnh và thêm một cảnh mới. Điều này cũng đồng nghĩa, công sức tập luyện cho các cảnh bị cắt như "bỏ sông, bỏ biển". 

Đổi lại, khi dự thi Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn  quốc, vở diễn mang một "diện mạo" mới hẳn, gọn gàng, hợp lý hơn. "Gặp lại người đã chết" vinh dự được trao Huy chương Bạc cho vở diễn, huy chương bạc cho đạo diễn. Hồng Lê xuất sắc đoạt Huy chương Vàng.

2. Cũng xuất sắc đoạt Huy chương Vàng trong vở "Gặp lại người đã chết", nhưng vai Ba Tẩu - một mật thám gốc Hoa của NSƯT Hồng Tuấn ít đất diễn hơn Hồng Lê. Tuy nhiên, bản lĩnh, kinh nghiệm của người nghệ sĩ lão luyện trong Đoàn Kịch CAND đã giúp anh khai thác tối đa thế mạnh. 

Tung tẩy trên sân khấu, kiểu diễn mà như không của Hồng Tuấn là một bất ngờ thú vị khi vai Ba Tẩu vừa gây cười vừa bị… ghét. Nhưng, những bạn diễn lâu năm trong "làng" kịch hay khán giả yêu mến sân khấu hơn 20 năm về trước thì không lạ. 

Nam nghệ sĩ cũng cho biết, anh về Đoàn Kịch CAND đã được 26 năm. Học Đại học Sân khấu Điện ảnh xong là về Đoàn, gắn bó đến tận bây giờ. Ngày ấy trẻ, anh chỉ nghĩ, về Đoàn CAND có thể có nhiều đất diễn và là đoàn của Lực lượng Công an nên có thể nhàn hơn trong hoạt động nghệ thuật, còn thời gian thì chạy bên ngoài. Nhưng, thực tế không như thế.

Dù đã xác định, với sân khấu, phát triển hay không thì "nền móng" vẫn phải là con người song, Hồng Tuấn không thể không "chơi vơi" khi sân khấu của đơn vị chỉ có phần che cho diễn viên, toàn bộ phần dành cho khán giả ngồi xem là ngoài trời. 

Vào đoàn gần 2 năm, Hồng Tuấn đã được vào vai chính. Sân khấu những năm 1990 - 2.000 hoạt động sôi động. Nhiều chương trình dựng xong liên tục được đưa đi tham gia các liên hoan, hội diễn. Các nghệ sĩ cũng xác định, khó khăn là khó khăn chung nên đồng lòng, quyết tâm khắc phục. Thậm chí nhiều người còn tự động viên nhau, đoàn mình khó khăn mà vẫn có vở diễn tốt, vai diễn hay, đoàn bạn "tâm phục khẩu phục" thì mới thích. 

Mỗi khi có vở mới là hô hào nhau tập "mộc" vì chưa có sân khấu. Nơi tập là 3 gian nhà chứa đạo cụ, sinh hoạt tập trung của Đoàn khi có vở mới. Tập "hòm hòm" thì mượn hội trường của Bộ Công an chạy thử. Ngày diễn báo cáo, Đoàn mới đi thuê rạp để diễn.

Vai Ba Tẩu (giữa) mang về huy chương vàng cho NSƯT Hồng Tuấn.

Những cống hiến của NSƯT Hồng Tuấn không chỉ được ghi nhận bằng sự đón nhận của khán giả mà còn bằng nhiều huy chương, giải thưởng sau đó. Với "Thằng Mẫn tóc nâu", vở diễn mang về Huy chương Vàng đầu tiên cho anh với vai "Thằng Mẫn", nhiều tờ báo ngày ấy ca ngợi Hồng Tuấn đã xây dựng thành công hình tượng mới về tội phạm trên sân khấu, là nghệ sĩ xuất sắc nhất, cùng với Thanh Thanh Hiền, Lê Khanh. 

Danh vọng "ào đến" cùng nhiều cơ hội mới. Hồng Tuấn ghi dấu ấn với một loạt vai diễn khác như Đình Mai trong "Đường đua trong bóng tối", giám thị Trung trong "Không phải là vụ án", Nghị Hách trong "Giông tố", Pol Hách trong "Bản danh sách điệp viên"… 

Với điện ảnh, anh được biết đến qua nhiều bộ phim nổi tiếng: "Của để dành", "Xin hãy tin em"… Ước tính, riêng với sân khấu kịch, NSƯT Hồng Tuấn đã tham gia gần 20 vở với vai trò diễn viên chính hoặc thứ chính, được ghi nhận với hơn 11 huy chương các loại. 

Nhưng, có lẽ do đặc thù của người nghệ sĩ trong Lực lượng CAND, ít có điều kiện chạy show bên ngoài và bản thân anh, như Hồng Tuấn thừa nhận là thích sự lặng lẽ, "không thuộc về số đông" nên đến nay, so với nhiều nghệ sĩ cùng thời, anh ít được khán giả trẻ biết đến hơn.

Ngọc Nguyễn
.
.
.