Các nghệ sĩ CAND: Những người đi đến những miền xa

Thứ Sáu, 20/08/2010, 08:10
Từ chính hiện thân của các nghệ sỹ, từ mỗi vở diễn, tiết mục được đầu tư bằng rất nhiều mồ hôi và nước mắt, người dân ở nhiều vùng miền của Tổ quốc đã ngày lại ngày, thêm hiểu, thêm yêu, thêm cảm thông với công việc của người chiến sỹ Công an. Không chỉ đơn thuần là hát, múa và diễn kịch, các nghệ sỹ, bằng sở trường của mình, đã góp phần tạo dựng lòng tin của nhân dân vào lực lượng Công an, vào Đảng, Nhà nước…

TP HCM, năm 1985, Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tưng bừng khai cuộc. Nhiều tác phẩm góp mặt lúc đó, đã thành dấu ấn khó có thể lãng quên tới tận lúc này: "Tôi và chúng ta", "Mùa hè ở biển", "Nguồn sáng trong đời", "Nhân danh công lý", "Nữ ký giả"… Giữa những đơn vị đầy đặn cả tuổi nghề và bề dầy năm tháng, Đoàn kịch Công an Nhân dân, trẻ nhất, hồn nhiên nhất, nhưng đã kịp định danh mình ngay ở lần đầu tiên tham dự sân chơi lớn bằng vở diễn lừng lững "Nữ ký giả". Từ thời khắc ấy, các nghệ sỹ Công an tiếp tục tiến tới trên con đường không kém phần khó nhọc, neo tên tuổi mình vào con tim và khối óc của đông đảo công chúng trong, ngoài lực lượng…

1. Năm 1982, Đoàn Nghệ thuật Công an Nhân dân nhận quyết định thành lập. Năm 1985, "Nữ ký giả" giành Huy chương bạc trong một hội diễn mà nhiều vở diễn thực sự tạo nên cơn "địa chấn" và những "cú sốc" ngoạn mục với đương thời. Buổi ban đầu, nhân lực của Đoàn còn lẻ tẻ, chưa được vui vầy, nhộn nhịp như bây giờ. "Nữ ký giả" Hương Dung mới từ Hải Phòng chuyển lên, "tổng thống ngụy Dương Văn Minh" Trần Tỵ bổ sung từ Công an Hà Nội về, nghệ sỹ Trần Nhượng được "trưng dụng" từ Đoàn kịch nói Hải Dương…

Gặp nhau chưa bao lâu, nhưng các nghệ sỹ đã tâm đầu ý hợp, tìm ra tiếng nói chung, làm nên sự ăn ý, hấp dẫn cho một vở diễn có độ dài thời gian lẫn tầm vóc nghệ thuật, đặc biệt, đọng lại lâu dài trong tiềm thức bạn nghề, đồng nghiệp và những người có dịp thưởng ngoạn.  1/4 thế kỷ qua, nghệ sỹ Trần Nhượng nhiều năm đảm lãnh trách nhiệm phụ trách đoàn kịch, có cho riêng mình danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú và cái tên mà nhắc tới, công chúng lập tức nhớ ra. Nghệ sỹ Hương Dung tuy nghỉ chế độ, nhưng vẫn là gương mặt diễn viên ấn tượng, có vẻ mặn mà cùng giọng nói biểu cảm, xuất hiện đều đặn trong các bộ phim dài tập phát sóng trên truyền hình. "Nữ ký giả" luôn là nỗi nhớ được Hương Dung cẩn thận lưu giữ trong một góc khuất tâm hồn thẳm sâu, thầm kín nhất của chị.

Khởi đầu từ "Nữ ký giả", kịch Công an dần trở thành "thương hiệu" có sức phổ biến rộng khắp trên suốt dọc dài đất nước lẫn trong các kỳ liên hoan, tụ hội bằng những vở diễn nhiều sức ám ảnh: "Người ma, ma người", "Tôi là người Việt Nam", "Những mảnh đời ngộ nhận", "Cuộc chia tay lần cuối", "Đám cưới trong đêm mưa", "Thằng Mẫn tóc nâu", "Người là đồng chí", "Vòng xoáy", "Đối đầu", "Quyết định sinh tử"… Mỗi vở diễn ra đời, là cơ hội đáng kể cho các nghệ sỹ tung tẩy thể hiện mình, thỏa sức khoe năng lực nội tại cũng như cá tính sáng tạo khó trộn lẫn.

Nhắc đến những vai diễn phản diện đa chiều, nhiều giằng xé, công chúng không thể quên một Nguyễn Hải tinh tế, thông minh, "quái" trong từng ánh mắt nhìn, từng động tác dịch chuyển của chân, tay, cơ thể. Ấn tượng về một Nguyễn Hải ở phim truyền hình "Chuyện làng Nhô" hơn mười năm trước thì chắc chắn, cả những người chưa kịp thuộc tên anh cũng khó có thể quên được mặt. NSƯT Công Bẩy lại "đóng đinh" tên tuổi mình bằng vai diễn Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong vở kịch "Người là đồng chí". Sự khổ luyện của Công Bẩy cho chỉ một vai diễn còn tác động lâu dài với chính anh. Mãi sau này, giọng nói Công Bẩy vẫn nằng nặng chất miền Trung, theo đúng phương ngữ mà anh đã tập thoại ròng rã nhiều ngày, để biến mình thành Thủ tướng Phạm Văn Đồng trên sân khấu trong chỉ 100 phút mỗi đêm.

Đối lập với Nguyễn Hải xù xì, thô nhám, và Công Bẩy đạo mạo, chững chạc, Hoàng Lan lại được nhắc đến trong thân phận những nhân vật nữ mong manh, cảnh ngộ éo le, nhiều trắc trở. Khuôn mặt "bắt đèn", dễ gây thiện cảm, đài từ trong veo, cô may mắn tạo được sức hút với người hâm mộ ngay từ lần đầu xuất hiện bằng vai diễn Nhật Lệ trong phim truyền hình "Cô gái mang tên dòng sông". Cùng đoàn kịch Công an, Hoàng Lan dần dà tạo dựng được cho mình lối diễn dung dị, gần gụi và thân thiết như cuộc sống. Ngoài cảm tình của công chúng, sự khẳng định có tính "văn bằng" dành cho Hoàng Lan chính là Giải nhất Liên hoan tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc tổ chức tại Hà Nội năm 2008, một sự tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của nữ nghệ sỹ xinh đẹp, vượt qua nhiều trắc trở đời thực để sống và giữ trọn niềm đam mê nghề nghiệp.

Một cảnh trong vở diễn của Đoàn kịch Công an Nhân dân.

2. Là một trong những người có mặt sớm nhất tại Đoàn nghệ thuật Công an Nhân dân, trước cả thời điểm 1982, nhạc sỹ Phạm Minh Sơn gần như một "pho sử sống", người "thâm niên" nhất đoàn thời điểm hiện tại. Xuất thân từ lính quân nhạc, Phạm Minh Sơn cùng các nhạc sỹ Trần Ngọc My, Văn Đức Lương, Văn Thắng, Đặng Văn Hà, Phan Kim Thành, nghệ sỹ múa Phóng Bút… được điều về làm "hạt nhân" xây dựng nên Đoàn ca múa nhạc CAND. Ít người, ít kinh nghiệm, ít cả các trang thiết bị kỹ thuật, điều duy nhất có thừa là sự nhiệt tình, tận tụy, các nhạc sỹ, nhạc công, ca sỹ mang sắc phục Công an đã thay phiên nhau tới không thiếu một vùng miền xa xôi nào của đất nước. Lúc đầu chỉ là sự lắp ghép vun vén giữa những cá nhân chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản với những cán bộ chiến sỹ sẵn tố chất nghệ thuật. Đức Lợi từ Công an Nam Định về, mau chóng hòa nhập, được đón nhận bởi chất giọng nam cao âm vực rộng trời phú, lại thêm sự năng nổ, xông xáo của một người lính trẻ sẵn sàng dấn thân.

Dễ gây ấn tượng trong những ca khúc cách mạng hào sảng, kịch tính, Đức Lợi nhanh chóng trở thành soloist, giọng đơn ca được yêu mến của Đoàn, nhất là từ khi anh bắt gặp và gắn tên tuổi mình với bài hát "Chúng con bên giấc ngủ của Người", một sáng tác để đời của nhạc sỹ Nguyễn Đăng Nước.

Ngay năm 1985, tham gia Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc, các nghệ sỹ đã mang về Huy chương vàng đầu tiên cho sự nghiệp của mình. Tạo được bước chạy đà may mắn, tác thành nên sự tự tin, các nghệ sỹ ngày càng xâm nhập mạnh mẽ hơn vào đời sống xã hội, tham gia phục vụ nhiều hơn trong các sự kiện lớn của lực lượng và nhân dân, nhất là đồng bào miền núi, hải đảo. Những chuyến biểu diễn tại Tây Nguyên, hay các tỉnh miền núi phía Bắc luôn là hành trang không thể thiếu trong hoạt động thường ngày của văn công Công an. Cái tình với đồng bào Tây Nguyên chính là ngọn nguồn cảm xúc đẩy đưa nhạc sỹ Văn Thắng viết nên bài hát "Tháng ba Tây Nguyên" với những lời ca "còn mãi với thời gian": "Tháng ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước, mùa em đi phát rẫy làm nương, anh vào rừng đặt bẫy, cài chông"…

Không chỉ níu giữ được những nghệ sỹ đã qua thời xuân sắc, các đơn vị nghệ thuật Công an đủ sức "cám dỗ" ngay cả những người trẻ đương sức thanh xuân. Là giọng ca của "Sao Mai điểm hẹn", Phương Thủy chọn Đoàn ca múa nhạc Công an Nhân dân làm nơi khởi nghiệp. Còn nguyên vẹn tuổi 20 trước mặt, Phương Thủy đang bắt đầu theo bước những người đi trước, liên tục xách ba lô lên đường, gắn mình trong những chuyến lưu diễn dài ngày, tới với đồng đội và bà con ở các địa phương xa Hà Nội, những miền hẻo lánh, thâm sơn cùng cốc mà người thường ít dám đặt chân tới.

Trưởng thành, rèn nghề từ chính môi trường đầy chất lính, Thanh Tâm là ca sỹ gây dựng thành công tên tuổi trong bối cảnh làng nhạc nhẹ đầy sự cạnh tranh và đào thải khắc nghiệt. Chủ động chọn cho mình lối đi căn cơ, không chạy theo thị hiếu, Thanh Tâm luôn giữ được uy tín trong dòng nhạc chính thống nhưng cũng đủ sức va đập với thị trường để chứng tỏ mình. Cùng lứa Thanh Tâm, Minh Lương, Tiến Lợi vẫn là sự lựa chọn hàng đầu khi dàn dựng các chương trình ca múa nhạc hoành tráng, bề thế.

Từ chính hiện thân của các nghệ sỹ, từ mỗi vở diễn, tiết mục được đầu tư bằng rất nhiều mồ hôi và nước mắt, người dân ở nhiều vùng miền của Tổ quốc đã ngày lại ngày, thêm hiểu, thêm yêu, thêm cảm thông với công việc của người chiến sỹ Công an. Không chỉ đơn thuần là hát, múa và diễn kịch, các nghệ sỹ, bằng sở trường của mình, đã góp phần tạo dựng lòng tin của nhân dân vào lực lượng Công an, vào Đảng, Nhà nước… Hàng trăm nghìn km đường đã qua, hàng chục nghìn buổi biểu diễn đã được thực hiện, những con tính thuần số học khó có thể chứa chở đủ niềm vui, niềm hạnh phúc của hàng triệu lượt người được trở thành khán giả ở vùng đất đỏ Bazan rực cháy hay bãi đất trống hiếm hoi giữa những dãy núi đá tai mèo sắc lạnh.

Các nghệ sỹ Công an vẫn thường tự hào, mình nằm trong nhóm những người đi xa nhất, đi nhiều nhất nước, đi tới những địa danh mà chỉ thiếu một chút lòng can đảm, không phải ai cũng đủ thể chất và dũng khí để đến tận nơi. Mỗi chuyến đi lại chắt chiu thêm những trải nghiệm, những xúc cảm thực thể để đắp bồi thêm sức mạnh và nhiệt huyết cho từng nghệ sỹ.

Dẫu đã làm nên bản sắc cá nhân, được công nhận bằng hàng loạt danh hiệu, giải thưởng, hay đơn thuần vẫn là nhạc công cặm cụi bên dàn nhạc, lẫn trong tốp múa minh họa hoặc dàn đồng ca bè trầm, thì các nghệ sỹ Công an, vẫn luôn tự xác định cho mình tư chất người lính, sẵn sàng tới những nơi gian khó nhất, những nơi mà đồng đội và nhân dân đang cần mình nhất

Ngô Hương Sen (Báo CAND số 19/8)
.
.
.