U23 Việt Nam: Không chỉ là mối lo dứt điểm
Sau hai trận đầu tiên của U23 Việt Nam ở kỳ SEA Games này, dù chúng ta đã có trong tay 3 bàn thắng nhưng người hâm mộ vẫn chưa an tâm hoàn toàn, đặc biệt là ở khâu dứt điểm cuối cùng. Song, liệu có phải vấn đề chỉ nằm ở dứt điểm hay không?
Sau trận hoà U23 Phillippines 0-0, HLV Park Hang-seo đã khẳng định trong chuyện họp báo rằng không có chuyện U23 Việt Nam chủ động né U23 Thái Lan ở bán kết như suy diễn của nhiều người. Và ông cũng nói về sự khó khăn trong khâu ghi bàn của đội nhà trước một U23 Phillippines chơi phòng ngự tập trung. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cách U23 Phillippines phòng ngự, chúng ta sẽ nhận ra khó khăn không phải do hệ thống của họ tạo ra cho ta mà phần nhiều do chính chúng ta thì đúng hơn.
U23 Phillippines không chơi cởi mở như U23 Indonesia nhưng họ cũng không chọn lối chơi tiêu cực với đội hình quá thấp. Thực tế, họ phòng ngự chặt chẽ, không lạm dụng số đông theo kiểu tử thủ. Họ tạo ra một hệ thống giãn cách giữa các tuyến, giữa cá nhân với cá nhân rất hợp lý và biết duy trì một tốc độ thi đấu vừa đủ cho sự chủ động. Việc không tìm được bàn thắng là do chính U23 Việt Nam, với khâu tấn công còn nhiều tồn đọng, bế tắc thực sự.
Nghiêm túc nhìn nhận lại, phải thừa nhận U23 Việt Nam tuy làm chủ được cuộc chơi nhưng lại không tạo ra được quá nhiều cơ hội nguy hiểm trong vòng cấm đối phương. Nói thẳng, chúng ta không có nhiều lần xâm nhập được vòng cấm của đội bạn và lý do nằm ở chỗ định hướng vị trí của hàng công đang có vấn đề. Với một vài cơ hội có được và bị bỏ lỡ bởi các chân sút như Tiến Linh, Công Đến…, người xem có cảm giác chúng ta không ghi được bàn là do dứt điểm kém. Thực chất, dứt điểm chưa tốt chỉ là một yếu tố nhỏ. Yếu tố lớn hơn chính là cách chọn vị trí hoạt động và cách di chuyển của hàng công.
Nhìn thấy rõ U23 Việt Nam tiếp cận cả hai trận đầu tiên của vòng bảng đều theo cách sử dụng những đường chuyền ra phía sau lưng hàng thủ đối phương. Với những đường chuyền như vậy, chắc chắn tuyến trên cần một cầu thủ có khả năng thoát đeo bám nhanh chóng và khôn ngoan. Nhưng để dự phòng, luôn cần phải có hỗ trợ bọc lót cho cầu thủ mục tiêu ấy bởi với sự cảnh giác cao của hàng thủ đội bạn, các pha thả bóng ra sau lưng hàng thủ sẽ nhiều lần bị cản phá trước khi tiền đạo mục tiêu có cơ hội thoát áp sát. Và để đón bóng bị cản phá này, U23 Việt Nam cần phải có nhân sự hoạt động ở vùng giao giữa hai tuyến tiền vệ và hậu vệ đối thủ (between the lines). Rất tiếc, gần như khu vực này chúng ta không kiểm soát tốt vì thiếu nhân sự.
Cả Tiến Linh lẫn Mạnh Dũng đều có xu hướng chơi không thoát tuyến hậu vệ đối thủ. Bởi vậy, dưới sự kèm cặp cẩn trọng của hàng thủ đối phương, các pha chuyền ra sau lưng hàng thủ được thực hiện bởi những Hùng Dũng, Hoàng Đức đều bị vô hiệu hoá.
Lẽ ra, U23 Việt Nam chỉ cần một nhân tố làm chim mồi, rình cơ hội thoát đeo bám để xuyên phá vào vòng cấm đón các pha chuyền tốt và nhân tố còn lại thì hoạt động chủ yếu ở vùng giao giữa tuyến tiền vệ và hậu vệ đối thủ nhằm thu hút sự quan tâm của các đối thủ thuộc hai tuyến này và từ đó kéo giãn khối đội hình của họ. Có lẽ, ông Park sẽ nhìn nhận lại kỹ lưỡng nhược điểm này để cải thiện nhanh chóng trước khi U23 Việt Nam gặp những đối thủ khó khăn hơn.
Hãy chờ đợi xem, trước Myanmar và Timor Leste hàng công của U23 Việt Nam sẽ chơi như thế nào, với bài đánh có được nâng cấp hay không. Khi đó, với nhiều cơ hội rõ rệt được mở ra, chúng ta mổ xẻ chất lượng dứt điểm của các mũi nhọn U23 Việt Nam cũng chưa muộn.