Vượt qua khó khăn, vươn lên mạnh mẽ

Thứ Sáu, 28/01/2022, 15:02

Trải qua một năm bị thiệt hại, ảnh hưởng rất nặng nề do dịch bệnh gây ra, trong đó thiệt hại về tính mạng con người là không gì bù đắp nổi, TP Hồ Chí Minh đã có những bài học kinh nghiệm quý giá trong đảm bảo sức khỏe, an sinh xã hội cho người dân cũng như trong quản lý, vận hành chính quyền trước những vấn đề chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay. Vượt qua nỗi đau của sự mất mát, thiệt hại, TP Hồ Chí Minh đang vươn dậy mạnh mẽ trước thềm năm mới…

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi cho biết, để nhanh chóng vực dậy kinh tế - xã hội, Thành phố bước vào năm 2022 với chủ đề "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp".

Để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, mở cửa dần các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại, TP Hồ Chí Minh đã tập trung củng cố, khắc phục hạn chế, tồn tại của hệ thống y tế, nhất là với y tế cơ sở. Bởi trong khi số lượng nhân viên y tế trên 1 vạn dân của cả nước đạt 7 người, thì TP Hồ Chí Minh đang ở mức thấp nhất khi chỉ có bình quân hơn 2 người.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngay từ năm 2015, Thành phố đã quyết định hỗ trợ thu nhập cho đội ngũ y tế ở tuyến cơ sở với mức khoảng 1 triệu đồng/người/tháng, song mức này là khá thấp so với mặt bằng chung. “Khi chưa có dịch bệnh, tuyến y tế cơ sở đã có những hạn chế, thời điểm dịch bùng phát, điều này càng bộc lộ rõ", ông Tăng Chí Thượng chia sẻ.

Vượt qua khó khăn, vươn lên mạnh mẽ(TET trang 30) -0

Sở Y tế đã xây dựng đề án với chính sách đảm bảo cuộc sống cho đội ngũ y tế cơ sở thông qua việc hỗ trợ thêm thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Ông Tăng Chí Thượng cho hay, nhằm thu hút đội ngũ bác sỹ trẻ về công tác tại các trạm y tế, Sở Y tế đã thống nhất với Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để đưa bác sỹ mới tốt nghiệp về công tác tại trạm y tế. Theo quy định hiện nay, bác sĩ mới tốt nghiệp phải về bệnh viện thực hành trong vòng 18 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề. Nhưng tới đây, đội ngũ bác sỹ trẻ sẽ về thực hành tại trạm y tế trong 12 tháng, 6 tháng còn lại sẽ thực hành tại bệnh viện. Khi về trạm y tế công tác, bác sỹ trẻ được Thành phố hỗ trợ một phần chi phí với mức 1,5 lần lương tối thiểu.

Ông Thượng cho rằng, với chính sách này, mỗi năm Thành phố sẽ có 500 bác sĩ tăng cường xuống trạm y tế. Trước quy định cứng về định biên là mỗi trạm y tế chỉ có tối thiểu 5 người, tối đa là 10 người, trong khi đó dân số ở nhiều phường, xã của Thành phố đã ở mức trên 100 nghìn nhân khẩu, Sở Y tế đề nghị tăng biên chế cho các trạm y tế ở những phường, xã đông dân lên gấp đôi. Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết ông đã làm việc với Bộ Y tế và được Bộ Y tế thống nhất tăng thêm nhân lực y tế cho những phường, xã đông dân của Thành phố.

Về kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhận xét, ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 3-2021 giảm đến 25%. Dù vậy, kinh tế - xã hội thành phố cũng đã có những điểm sáng, như tổng thu ngân sách vẫn giữ ở mức 370.483 tỷ đồng, đạt hơn 101% dự toán. Hoạt động tín dụng - ngân hàng duy trì và tăng trưởng ổn định, đóng góp một phần cho tăng thu ngân sách. Lượng kiều hối về thành phố trong năm cũng đạt mức 6,6 tỷ USD, tăng gần 9%…

Về tổng thể, kinh tế thành phố vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Thành phố cần đặc biệt quan tâm là điều hành thành phố trong tình hình mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành thành phố; tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng của thành phố trong những năm sắp tới. Vì vậy, chặng đường phục hồi kinh tế phía trước sẽ còn gặp nhiều trở ngại nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ, với tầm nhìn dài hạn và triển khai linh hoạt, kịp thời, phù hợp trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tin rằng, với nền tảng hạ tầng kinh tế và lực lượng doanh nghiệp hiện có, cùng với truyền thống sự năng động, sáng tạo vốn có, nếu có môi trường kinh doanh thuận lợi; có sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Nhà nước  về tài chính, tín dụng… thì việc phục hồi nhanh kinh tế Thành phố là điều có thể làm được. “Đưa TP Hồ Chí Minh trở lại vị trí, vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước là nhiệm vụ hàng đầu của TP Hồ Chí Minh trong năm tới”, Chủ tịch Phan Văn Mãi bày tỏ sự quyết tâm.

Vượt qua khó khăn, vươn lên mạnh mẽ(TET trang 30) -0
Đường hoa Nguyễn Huệ chào đón năm mới.

Nói về vấn đề thích ứng an toàn với dịch bệnh trong buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố với Kiều bào và người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức vào dịp cuối năm, GS Hà Tôn Vinh, chuyên gia tài chính quốc tế tại Hoa Kỳ góp ý, cùng vói việc tiêm vaccine cho người dân, TP Hồ Chí Minh cũng nên cung cấp các loại thuốc đặc trị COVID-19 cho người có nhu cầu.

"Một đồng đầu tư cho thuốc đặc trị sẽ giúp tiết kiệm được 10 đồng chi phí điều trị bằng ngân sách. Việc cấp thuốc cho người dân còn giúp các bệnh viện, cơ sở y tế tránh khỏi tình trạng quá tải", GS Hà Tôn Vinh lưu ý.

Ở góc độ kinh tế, GS TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Singapore cho rằng, chiến lược phát triển bền vững trong thời đại số sẽ là bước đi đầu tiên, mang tính quyết định để Thành phố khai thác hiệu quả các nguồn lực sẵn có. Thành phố cũng cần xem xét phương án xúc tiến cùng 6 tỉnh, thành lân cận là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh để hình thành khu kinh tế cộng hưởng.

Một vấn đề quan trọng khác là nhanh chóng đưa TP Thủ Đức trở thành đặc khu tri thức, là nơi thu hút tinh hoa, kiến thức nhân loại và tạo nền tảng tương tác để các chuyên gia đóng góp tâm huyết và góp sức cho sự phát triển.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fulbringht Việt Nam góp ý, để kinh tế Thành phố và cả nước phục hồi mạnh trong năm 2022,  chính sách tiền tệ cần tiếp tục được đặt trong trạng thái hỗ trợ kinh tế; đảm bảo thanh khoản dồi dào. Chính sách tài khóa tiếp tục đặt trong bối cảnh kích cầu tăng trưởng và đẩy mạnh chương trình đầu tư công trung hạn. Để giữ ổn định sản xuất, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương cần thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc không tiếp xúc trực tiếp giữa các tổ, dây chuyền sản xuất.

Ca dương tính xuất hiện ở khâu nào thì chỉ khoanh vùng, xử lý ở khâu đó, không đóng cửa cả doanh nghiệp. Giữ được tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng ở mức thấp để hệ thống y tế không quá tải sẽ giúp các địa phương có thể mở cửa một cách bền vững ngay sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động vận tải, logistics.

Về chính sách kinh tế, Nhà nước cần đảm bảo đủ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng; không tăng lãi suất trong điều kiện lạm phát được kiểm soát. Ngoài ra, cần có các gói phục hồi kinh tế và kích cầu trong chính sách tài khóa cũng như tập trung cho chương trình đầu tư công trung hạn như xây dựng hệ thống cao tốc, đường sắt, hạ tầng đô thị… nhưng để đưa kinh tế TP Hồ Chí Minh trở lại với nhịp tăng trưởng nhanh trước đây, bên cạnh việc tập trung khai thác nguồn lực, lợi thế của Thành phố, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, trước hết Thành phố cần giữ vững được thành quả phòng, chống dịch thời gian qua và đẩy lùi được dịch bệnh. Khi đã coi COVID-19 là một loại bệnh đặc hữu như cúm mùa, thì cần tập trung vào mục tiêu giảm số người chuyển nặng, tử vong do dịch bệnh. Để thực hiện mục tiêu này, cần “cá nhân hóa” mạnh hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh và tổ chức tốt hơn nữa khâu điều trị bệnh nhân nặng.

Đức Thắng
.
.
.