Ứng dụng CCCD, định danh điện tử giúp ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số

Thứ Bảy, 10/09/2022, 07:46

Ngành Ngân hàng được xem là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi số. Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên nền tảng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng, vận hành đã và đang mang lại cơ hội mới cho ngành ngân hàng, góp phần phục vụ khách hàng nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm nhất.

Dùng CCCD gắn chip thay thế thẻ ATM

Tại quầy giao dịch của Ngân hàng Viettinbank ở Hà Nội, anh Hoàng Quốc Hùng, chủ một doanh nghiệp vận tải hàng hóa đang làm thủ tục liên quan đến việc thanh toán với các đầu mối khách hàng. Cầm trên tay tấm thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip, anh Hoàng Quốc Hùng được nhân viên của ngân hàng phục vụ làm các thủ tục xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch. Chỉ sau ít phút, những thủ tục liên quan đến hồ sơ, thanh toán đã được hoàn tất, tất cả không cần giấy tờ gì khác ngoài tấm thẻ CCCD gắn chip mà anh Hùng mang theo.

Khi được hỏi về tiện ích của tấm thẻ CCCD gắn chip trong giao dịch ngân hàng, thanh toán, anh Hoàng Quốc Hùng cho biết: "Từ khi tích hợp thẻ ngân hàng, giấy phép lái xe, đăng ký xe… vào CCCD gắn chip, tấm thẻ CCCD gắn chip đã thay thế rất nhiều những giấy tờ tùy thân khác trước đây phải mang theo. Với những trường dữ liệu được tích hợp, chỉ cần CCCD gắn chip là đã có thể hỗ trợ giải quyết tối đa các thủ tục hành chính, rất thuận tiện".

cccd.jpg -0
Người dân sử dụng CCCD gắn chip thực hiện các giao dịch ngân hàng, rút tiền tại ATM rất thuận tiện, an toàn, bảo mật.

Là một trong những đơn vị dẫn đầu cấp CCCD gắn chip, hiện Công an phường Trung Hòa, Cầu Giấy, TP Hà Nội đang tập trung tích hợp các dữ liệu, giấy tờ khác có liên quan vào CCCD gắn chip, cấp tài khoản định danh và xác thực điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện thuận tiện những giao dịch, phát triển kinh tế - xã hội.

Trao đổi với PV, Thiếu tá Nguyễn Huy Thành, Trưởng Công an phường Trung Hòa cho biết: Người dân đã có CCCD gắn chip nên mang các giấy tờ khác như thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ ngân hàng… đến cơ quan Công an cơ sở để tích hợp dữ liệu vào CCCD. Chỉ sau vài phút toàn bộ những nội dung, thông tin trong các thẻ trên sẽ được Công an phường tích hợp vào một tấm thẻ duy nhất là CCCD gắn chip, giúp tạo điều kiện thuận lợi, tiện ích phục vụ người dân thực hiện các giao dịch, hồ sơ, giấy tờ có liên quan…

Hiện nay, thẻ CCCD gắn chip đã được Bộ Công an cấp phát đến hơn 67 triệu người dân. Đây là phương tiện hữu hiệu để giúp ngành ngân hàng xác thực chính xác khách hàng từ nguồn dữ liệu gốc. Thẻ CCCD gắn chip với tính năng xác thực bằng vân tay, hình ảnh chân dung của khách hàng hiện đang được các ngân hàng ứng dụng để thực hiện những ứng dụng nghiệp vụ như xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM thay thế thẻ ATM do ngân hàng phát hành. Ngoài ra, với các thông tin sẵn có của khách hàng trên thẻ CCCD gắn chip có thể hỗ trợ cho việc tự động nhập liệu các thông tin cá nhân cần thiết trong quá trình giao dịch.

cccd2.jpg -0
Sử dụng thẻ CCCD gắn chip giúp thay thế thẻ ATM  tạo tiện ích, tiết kiệm chi phí cho ngân hàng, doanh nghiệp và người dân.

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an cho biết: Hiện nay, Bộ Công an đang phối hợp với ngành ngân hàng triển khai thí điểm xác thực danh tính qua thẻ CCCD gắn chip tại các quầy giao dịch của 5 ngân hàng gồm BIDV, Viettinbank, Vietcombank, Agribank và Pvcombank, đồng thời thí điểm sử dụng thẻ CCCD thay thẻ ATM tại TP Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh.

Tính đến nay, sau 2 tháng triển khai thí điểm, đã có hơn 500 lượt công dân sử dụng thẻ CCCD gắn chip để giao dịch với số tiền trên 6,1 tỷ đồng. Bằng công nghệ xác thực khách hàng thông qua dữ liệu sinh trắc học kết nối trực tiếp với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, việc sử dụng CCCD gắn chip sẽ giúp khách hàng giảm thiểu mọi nguy cơ giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn tối đa trong các giao dịch tài chính.

Khi khách hàng quét CCCD tại ATM, hệ thống ngay lập tức kiểm tra và đối chiếu thông tin trên CCCD gắn chip, đảm bảo thông tin chính xác và tiếp tục xác thực thông tin chính chủ thông qua đối chiếu dữ liệu sinh trắc học của khách hàng bằng hình thức: Quét khuôn mặt và vân tay. Thời gian xác thực thông tin khách hàng rất nhanh chóng, chỉ từ 6 - 8 giây với mỗi giao dịch. Thậm chí, các khách hàng mới chuyển đổi từ chứng minh nhân dân sang CCCD gắn chip nhưng chưa cập nhật thông tin với ngân hàng vẫn có thể thực hiện giao dịch rút tiền bình thường. Việc tích hợp thẻ ngân hàng vào CCCD gắn chip còn giúp tiết kiệm chi phí lớn cho các ngân hàng, khách hàng trong việc phát hành thẻ ATM.

Đặt người dân, doanh nghiệp vào trung tâm phục vụ

Theo ghi nhận của PV, từ đầu năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/1/2022 về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Tiếp đó, ngày 18/2, ban hành Quyết định số 171 và Quyết định số 170 thành lập tổ công tác của ngành ngân hàng triển khai Đề án 06.

Một trong những nội dung quan trọng của những Chỉ thị, quyết định trên đó chính là, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các đơn vị ngân hàng và tổ chức tín dụng phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công an trong việc triển khai, hỗ trợ giúp các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán được kết nối, khai thác dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, CCCD gắn chip để phục vụ xác minh thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử.

Tại sự kiện "Chuyển đổi số ngành ngân hàng" với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành được tổ chức vào đầu tháng 8 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: Chuyển đổi số đã và đang trở thành xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Chuyển đổi số ngành ngân hàng là một trong số các ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, có ảnh hưởng hằng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Đề án 06 giúp Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ, mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

Đánh giá của Bộ Công an cho thấy, việc đặt người dân làm trung tâm để phục vụ là rất trúng và đúng không chỉ với ngành ngân hàng mà còn là tất cả các lĩnh vực, đơn vị, ngành khác. Với nhiệm vụ được Thủ tướng giao tại Đề án 06, Bộ Công an sẵn sàng tiếp tục phối hợp với ngành ngân hàng để tạo những bước đi thiết thực, đem lại lợi ích cho người dân, cho xã hội hiệu quả hơn, trong đó có việc xác thực làm sạch kho dữ liệu của ngân hàng; xác thực sinh trắc học vân tay, mống mắt để đảm bảo độ tin cậy cao đối với khách hàng trong giao dịch; dùng tài khoản định danh điện tử để thay thế cho tài khoản tạo lập của khách hàng, giúp giảm tình trạng giả mạo.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an thông tin: Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp triển khai kết nối Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thông nối kỹ thuật trên môi trường thử nghiệm với 4 dịch vụ (Dịch vụ xác thực công dân; xác nhận thông tin hộ gia đình; tra cứu thông tin công dân; dịch vụ gợi ý số định danh cá nhân từ số CMND và đang làm thủ tục đề nghị kiểm tra, đánh giá an toàn hệ thống trước khi kết nối chính thức.

Nguồn tài nguyên dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, thẻ CCCD gắn chip và cơ sở pháp lý, phương tiện định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an xây dựng, hỗ trợ đã và đang giúp ngành ngân hàng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đưa dịch vụ, tiện ích ngân hàng hiện đại đến người dân, doanh nghiệp ngày càng thuận tiện, nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm.

Hoàng Phong
.
.
.