Từ triển khai Đề án 06, một cán bộ hưu trí đã được giải quyết quyền lợi trong chi trả lương hưu
Đã hơn một năm nghỉ hưu nhưng bà Lê Thị Khánh (SN 1967, tức tên Thục), trú tại phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), nguyên cán bộ Nhà máy thủy điện Hòa Bình, không nhận được lương hưu, do sơ xuất vì viết sai thông tin khi đóng bảo hiểm với thông tin khai sinh.
Ngày 14/6, Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, trong thời gian vừa qua, Công an tỉnh đã nhận được nhiều Thư khen và sự ủng hộ của nhân dân trong thực hiện Đề án 06, nhất là việc giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, có trường hợp của bà Lê Thị Khánh (SN 1967, tức tên Thục), trú tại phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), nguyên cán bộ Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Theo đó, bà Khánh đã nghỉ hưu hơn một năm nhưng không nhận được lương hưu, do sơ xuất vì viết sai thông tin khi đóng bảo hiểm với thông tin khai sinh. Nhìn giấy tờ như “mớ bòng bong”, bà Khánh hoang mang đi đến nhiều cơ quan, rồi lại về quê quán nơi sinh ra để hỏi thủ tục làm lại, mong nhận được lương hưu do bà đóng bảo hiểm qua hơn 30 năm công tác. Tuy nhiên, nhiều tháng qua vẫn chưa giải quyết được.
Khi nghe có người hướng dẫn, đến Công an mới có thể “hóa giải” được, bà Khánh đã viết đơn xin gặp Giám đốc công an tỉnh Hòa Bình. Mặc dù công việc bận rộn nhưng Đại tá Đỗ Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh đã bố trí thời gian tiếp bà Khánh tại Phòng tiếp công dân. Sau khi nghe bà Khánh trình bày và xem giấy tờ liên quan, thấy vướng mắc của bà không thuộc thẩm quyền của Công an nhưng đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình đã hướng dẫn tận tình để bà Khánh hiểu, động viên bà yên tâm sẽ nhận được lương hưu lúc tuổi già. Ngay sau đó, Đại tá Đỗ Thanh Bình đã trực tiếp chỉ đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) xác minh, làm rõ vướng mắc ở khâu nào để tập trung giải quyết nhanh chóng trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.
Nhận mệnh lệnh, lãnh đạo Phòng Cảnh sát QHCH về TTXH, Công an tỉnh giao nhiệm vụ cho tổ công tác rà soát lại các hồ sơ liên quan đến bà Khánh. Vụ việc tưởng chừng đơn giản nhưng để khẳng định hai thông tin là một con người rất khó khăn, phức tạp. Tổ công tác của Phòng đã liên hệ nhiều địa chỉ như ngôi trường bà Khánh từng theo học nghề, bộ phận hộ tịch, cơ quan và đồng nghiệp nơi công tác và quê quán…
Với nỗ lực không mệt mỏi, sau một thời gian, hồ sơ thông tin liên quan đến bà Khánh đã “quy” về một người, chứng minh là chính mình. Trong những ngày tháng 6, bà Khánh được Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cấp căn cước công dân (CCCD), định danh điện tử - VNeID, và đặc biệt, bà đã nhận lại tháng lương hưu đầu tiên sau hơn một năm nghỉ chế độ.
Xúc động bà Khánh cảm ơn đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, CBCS Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, bà tâm sự: “Cái sai của tôi và gia đình là thiếu hiểu biết khi kê khai giấy tờ cá nhân, thông tin cá nhân tại các giấy tờ bảo hiểm, quyết định nhận công tác, thông báo nghỉ chế độ… không giống nhau. Chúng tôi không nghĩ hậu quả khôn lường như vậy, khiến đôi lúc tôi mất bình tĩnh, đôi khi cáu gắt với cán bộ của các cơ quan chức năng”.
Đại diện các cơ quan Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Bảo hiểm xã hội tỉnh cho hay, khi được cơ quan Công an hỗ trợ giải quyết, nhận thấy giá trị của sự trùng khớp thông tin công dân với dữ liệu dân cư là vô cùng quan trọng, ứng dụng phát triển dữ liệu dân cư có ý nghĩa tích cực không chỉ riêng cá nhân mà các cơ quan thuận lợi trong trao đổi xác minh, tái sử dụng kết quả để giải quyết hành chính. Đề án 06 của Chính phủ thực sự là nền tảng, đột phá trong quản lý con người và các giá trị gắn với con người đó, xác định đúng phương châm “lấy người dân là trung tâm” vì nhân dân phục vụ.