Tìm giải pháp bền vững cho những công trình nước sạch nông thôn ở Phú Yên
Tìm giải pháp bền vững cho những công trình nước sạch nông thôn ở Phú Yên Đi qua 3 huyện miền núi ở Phú Yên những ngày nắng nóng gay gắt trong mùa khô, PV Báo CAND hiểu thêm nỗi lo của người dân ở nhiều địa phương đang thiếu nước sinh hoạt, trong khi hàng chục công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung (CNSH) do Nhà nước đầu tư xây dựng đã bị bỏ hoang từ nhiều năm qua.
Nhiều công trình bỏ hoang
Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS_VSMTNT) thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, trước năm 2010, trên địa bàn 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân có 48 công trình CNSH đã được xây dựng từ các Chương trình 134, 135 và Mục tiêu Quốc gia NS-VSMTNT với tổng kinh phí đầu tư hơn 56,8 tỷ đồng; tổng công suất mỗi ngày đêm 11.312m3 nước sinh hoạt cung cấp cho 48.332 người dân tại 9.460 hộ gia đình. Sau 13 năm xây dựng, đến nay chỉ có 14 công trình hoạt động bền vững, 4 công trình bình thường, còn lại 11 công trình kém hiệu quả và 11 công trình không hoạt động.
Ngoài 3 nguồn vốn nêu trên, từ năm 2010 đến nay 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Phú Yên còn huy động các doanh nghiệp, người dân kết hợp nguồn vốn Trung ương hỗ trợ thực hiện các dự án cấp bách phòng chống, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn để đầu tư xây dựng thêm 24 công trình CNSH với tổng kinh phí đầu tư hơn 164 tỷ đồng, tổng công suất mỗi ngày đêm 8.041m3 nước sinh hoạt cung cấp cho 52.922 người dân tại 9.942 hộ gia đình. Tuy nhiên đến nay chỉ có 10 công trình hoạt động bền vững, còn lại 6 công trình bình thường, 2 công trình kém hiệu quả và 6 công trình không hoạt động.
Đánh giá về những khó khăn, vướng mắc, ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Phú Yên cho biết, quy mô nhiều công trình CNSH đã được đầu tư xây dựng trước đây còn nhỏ, chưa đồng bộ, nguồn nước khai thác không ổn định… Thế nhưng 8 năm qua nguồn ngân sách hỗ trợ các địa phương còn hạn hẹp, không thể nâng cấp công trình CNSH, một số khu vực thiếu nước nhưng chưa được đầu tư công trình CNSH. Trong khi đó nguồn thu tiền sử dụng nước không đủ để bảo dưỡng, sửa chữa khắc phục các sự cố, nên nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng dẫn đến bỏ hoang, các địa phương cũng chưa tìm ra mô hình quản lý hiệu quả và bền vững công trình CNSH.
Trên địa bàn huyện Sơn Hòa, ngoại trừ 8 công trình CNSH được UBND tỉnh Phú Yên cho phép thanh lý còn có 15 công trình hoạt động không hiệu quả hoặc không hoạt động. Trong số đó có không ít công trình đã bị cỏ dại phủ dày, đơn cử 3 công trình giếng đào tại 3 thôn Tân Thành, Tân Hội, Tân Lương xã Sơn Hội được đầu tư xây dựng trong hai năm 2009, 2010 đã bỏ hoang. Cách đó không xa, 2 công trình xây dựng năm 2007, 2009 tại 2 thôn Ma Gú, Hòn Ông ở xã Sơn Phước cũng không hoạt động từ lâu… Tại huyện Đồng Xuân, 2 công trình CNSH xây dựng năm 2012 tại hai thôn Phú Giang, Phú Lợi ở xã Đa Lộc không hoạt động được.
Khôi phục công trình cũ, kêu gọi đầu tư mới
Tháng 2/2023, UBND tỉnh Phú Yên xác lập kế hoạch đầu tư, nâng cấp công trình CNSH ở nông thôn giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 60% và đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn ở Phú Yên tiếp cận nước sạch quy chuẩn quốc gia, ngoài việc tập trung khôi phục các công trình CNSH trước đây, Phú Yên tiếp tục đầu tư xây dựng mới, kết hợp nâng cấp và mở rộng một số công trình ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực thường xuyên thiếu nước sinh hoạt do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra. Mặt khác, tỉnh Phú Yên kêu gọi đầu tư các công trình CNSH theo hình thức xã hội hóa, đối tác công – tư…
Theo ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phải hoàn thành việc khôi phục, duy trì và đảm bảo hiệu quả hoạt động ổn định 74 công trình CNSH đã xây dựng trước đây với tổng dự toán khoảng 185,1 tỷ đồng để cung cấp nước sạch cho 34.403 hộ gia đình. Trong đó sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và tỉnh 58,3 tỷ đồng, ngân sách huyện – xã gần 6,6 tỷ đồng, người dân đóng góp gần 26 tỷ đồng và huy động các nguồn hợp pháp khác 94,2 tỷ đồng. Tiếp đó sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng mới 29 công trình CNSH với tổng dự toán gần 734 tỷ đồng, từ các nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức đối tác công - tư và các nguồn hợp pháp khác để cung cấp nước sạch cho 57.700 hộ gia đình. Đến năm 2030, Phú Yên không chỉ đảm bảo duy trì hoạt động 103 công trình đã đầu tư, nâng cấp mở rộng, mà tiếp tục kêu gọi đầu tư 11 công trình mới với tổng dự toán 217,3 tỷ đồng để cung cấp nước sạch cho 23.047 hộ gia đình.
Danh mục công trình cần phải khôi phục, nâng cấp và xây dựng mới từng giai đoạn cũng đã được đề cập chi tiết trong kế hoạch gắn liền trách nhiệm của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương có liên quan. Thế nhưng yêu cầu về nguồn vốn đầu tư khôi phục sửa chữa 74 công trình CNSH đã xây dựng trước đây vẫn còn là bài toán khó, cần sớm có lời giải.
Được biết cuối tháng 6 vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên cũng đã có cuộc khảo sát thực tế tại nhiều công trình CNSH ở 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân để có giải pháp cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những khó khăn, tồn tại có liên quan, sớm đáp ứng nhu cầu nguồn nước sinh hoạt cho người dân.