Tiến tới “phủ sóng” khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân
Theo số liệu báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 18/11/2022, toàn quốc đã có 11.726 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp (đạt tỷ lệ 92% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong toàn quốc) với 4.797.796 lượt tra cứu thông tin BHYT bằng CCCD khi tiếp đón người bệnh đến khám, chữa bệnh BHYT, trong đó có 2.942.327 lượt tra cứu thành công…
Tiện lợi cho người bệnh và bệnh viện
Tại Bệnh viện Việt Đức thời điểm này, chúng tôi ghi nhận nhiều người bệnh đến khám, chữa bệnh đã xuất trình thẻ CCCD gắn chíp thay thế BHYT. Đây là một trong những bệnh viện tuyến Trung ương triển khai thí điểm sử dụng CCCD gắn chíp để đăng ký khám, chữa bệnh BHYT sớm nhất.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến (Quảng Ninh) nhập viện cấp cứu cho biết: “Tôi không cần phải mang thẻ BHYT đi theo, chỉ cần CCCD đã tích hợp mã định danh cá nhân là xong, rất thuận tiện, nếu quên hoặc thất lạc thẻ BHYT thì nay chỉ cần có CCCD, tôi vẫn khám bệnh được”.
Còn bà Bùi Thị Hòa (Lào Cai) mổ chân ở đây thì cho rằng: “Sử dụng CCCD đi khám, chữa bệnh rất tiện lợi, nhất là với người lớn tuổi như tôi không am hiểu về công nghệ. Trước đây, đi khám phải xuất trình BHYT và chứng minh nhân dân, nay chỉ cần mang CCCD là được. Đặc biệt, nếu tôi có làm mất, hỏng hoặc rách thẻ BHYT thì không phải xin cấp lại”.
Triển khai thí điểm từ ngày 17/8/2022, Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VSSID, đồng thời sử dụng CCCD gắn chíp để đăng ký khám, chữa bệnh BHYT cho người bệnh đến khám.
Theo bà Đỗ Thu Hà, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Việt Đức, việc triển khai thí điểm CCCD trong khám, chữa bệnh BHYT đã mang đến nhiều thuận lợi cho cả người bệnh và bệnh viện. Đối với bệnh viện, khi quét mã QR trên CCCD gắn chíp, toàn bộ thông tin của người bệnh được cập nhật trên phần mềm khám, chữa bệnh của bệnh viện (họ tên, giới tính, địa chỉ, dân tộc, số điện thoại liên hệ). Nhân viên tiếp nhận không cần khai thác thêm thông tin của người bệnh, do đó rút gọn được thời gian đăng ký cũng như thời gian chờ đợi của người bệnh. Việc triển khai này cũng tránh được tình trạng người bệnh sử dụng thẻ BHYT của người khác để đăng ký khám, chữa bệnh BHYT.
Giống như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế cũng triển khai thí điểm khám, chữa bệnh CCCD gắn chíp ngay từ khi Bộ Y tế có công văn. Theo ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, mỗi ngày bệnh viện khám cho gần 5.000 bệnh nhân nội trú, mỗi năm điều trị khoảng 140.000 bệnh nhân nội trú, 900.000 bệnh nhân ngoại trú, thực hiện can thiệp 7.000 ca tim mạch…Vì vậy, việc triển khai khám, chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp thay thế BHYT sẽ rút gọn được thời gian đăng ký cũng như chờ đợi của người bệnh, mang lại nhiều tiện ích cho cả người bệnh và bệnh viện.
“Khi triển khai chúng tôi gặp vướng mắc do người bệnh đi khám ít đem theo CCCD, vẫn sử dụng thẻ BHYT, đặc biệt người lớn tuổi. Trong thời gian tới, cần truyền thông mạnh mẽ tới người dân để mọi người biết và có thói quen khi đi khám bệnh cần đem theo CCCD đã được tích hợp thẻ BHYT. Nếu truyền thông tốt và CCCD đã tích hợp đầy đủ thì tôi tin rằng, việc triển khai khám, chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp sẽ đạt kết quả cao”, BS Hương nói.
Đẩy nhanh triển khai tại tất cả các bệnh viện
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các bệnh viện đã triển khai thí điểm khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bệnh viện chưa triển khai thí điểm sử dụng thẻ CCCD gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh BHYT; một số bệnh viện lớn vẫn trong quá trình chuẩn bị như Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai…Vào cuối tháng 2/2022, Bộ Y tế có công văn gửi các đơn vị về việc hướng dẫn triển khai thí điểm khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp hoặc qua ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNeID).
Theo báo cáo của Bộ Y tế, qua gần 9 tháng triển khai thí điểm khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp, số lượng người dân đi khám, chữa bệnh BHYT được cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu thông tin BHYT qua CCCD gắn chíp còn thấp. Bộ Y tế thúc giục các bệnh viện đẩy nhanh tiến độ, đồng thời cũng nhấn mạnh, triển khai sử dụng CCCD gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Đề án 06, góp phần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp đón người bệnh, minh bạch thông tin, chống các hành vi gian lận, lợi dụng để trục lợi quỹ BHYT, vì vậy yêu cầu các đơn vị nghiêm túc tổ chức thực hiện đúng các quy định
Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Sở Y tế các địa phương, lãnh đạo các bệnh viện khẩn trương rà soát tình hình triển khai, khi có khó khăn, vướng mắc đề nghị thủ trưởng đơn vị trực tiếp trao đổi với cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh và phối hợp với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh để kịp thời tháo gỡ, giải quyết. Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ phấn đấu đến hết năm 2022 đạt tỷ lệ 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong toàn quốc triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp với 20% người dân đi khám, chữa bệnh BHYT có thực hiện tra cứu thông tin BHYT qua CCCD gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNelD.