Thực thi Luật Cảnh sát biển Việt Nam, bảo đảm trật tự an toàn trên biển
Có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, Luật Cảnh sát biển Việt Nam thực sự là công cụ sắc bén, cơ sở pháp lý cho lực lượng Cảnh sát biển thực thi pháp luật trên biển, góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam.
Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù số vụ việc an ninh hàng hải giảm so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên tình hình an ninh hàng hải tại khu vực Đông Nam Á chưa thực sự ổn định. Các doanh nghiệp vận tải biển, tàu thuyền qua lại khu vực biển Sulu Celebes - Đông Sabah và eo biển Singapore luôn phải tăng cường cảnh giác.
Theo tổng hợp của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Trung tâm Chia sẻ thông tin chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền khu vực châu Á (ReCAAP-ISC), trong 6 tháng đầu năm 2021, có 37 vụ việc (35 vụ việc xảy ra thực tế và 2 vụ việc không thành) xảy ra tại khu vực Châu Á đã được báo cáo cho Trung tâm ReCAAP-ISC. Theo đó, so với 6 tháng đầu năm 2020, số lượng vụ việc của 6 tháng đầu năm 2021 đã giảm khoảng 35%. Đa số các vụ việc xảy ra tại khu vực Indonesia, Philippines và khu vực eo biển Singapore.
Tại vùng biển Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021 không xảy ra vụ cướp có vũ trang nào. Tuy nhiên, đối với trộm cắp tại khu vực cảng biển đã xảy ra 2 vụ/2 tàu trộm cắp thông thường, không nghiêm trọng (CAT4) đối với tàu biển nước ngoài tại vùng nước cảng biển, tăng 1 vụ so với năm 2020 và không có tàu biển Việt Nam xảy ra trộm cắp.
Trong đó, để gia tăng hiệu quả kiểm soát, các cảng vụ hàng hải đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Biên Phòng, Công an và chính quyền địa phương kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi trộm cắp đối với tàu biển tại các khu vực vùng nước cảng biển Việt Nam. Trước tình hình trên, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển khuyến cáo các doanh nghiệp vận tải biển và thuyền viên cần nâng cao nhận thức chung về tình hình an ninh hàng hải, tham khảo tài liệu do Trung tâm chia sẻ thông tin ReCAAP.
Theo đại diện Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, trước khi có Luật Cảnh sát biển Việt Nam, biện pháp công tác Cảnh sát biển chưa được đầu tư nghiên cứu, xây dựng đúng mức; chưa được pháp luật ghi nhận, quy định hoặc quy định chưa đầy đủ. Để thể chế hóa các biện pháp công tác của Cảnh sát biển nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển theo quy định của pháp luật, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 đã quy định cụ thể 7 biện pháp công tác của lực lượng Cảnh sát biển tại Điều 12 Mục 1 Chương 3. Cụ thể, biện pháp vận động quần chúng; biện pháp pháp luật; biện pháp ngoại giao; biện pháp kinh tế; biện pháp khoa học kỹ thuật; biện pháp nghiệp vụ và biện pháp vũ trang. Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam là người sẽ quyết định việc sử dụng các biện pháp công tác theo quy định tại Điều 12 Luật Cảnh sát biển và chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình.
Việc quy định cụ thể, rõ ràng biện pháp công tác Cảnh sát biển trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam là một điểm mới so với Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Điểm mới này không chỉ góp phần khắc phục được bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành trước đó mà còn là cơ sở pháp lý vững chắc để Cảnh sát biển Việt Nam tiến hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thể hiện đúng vị trí, vai trò là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật trên biển.
Trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát biển thường xuyên duy trì lực lượng, phương tiện ứng trực, kiên quyết, kiên trì đấu tranh trên thực địa; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và các hoạt động kinh tế biển. Tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, tuyên truyền và kiên quyết yêu cầu tàu cá nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; tích cực đấu tranh phòng chống, xử lý vi phạm, tội phạm trên biển, bảo đảm an toàn hàng hải, phòng chống ô nhiễm môi trường biển; ngăn chặn cướp biển, cướp có vũ trang...
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, yêu cầu hàng trăm lượt chiếc tàu nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; phát hiện xử lý nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm ma túy trên biển với quy mô lớn, có tổ chức, có yếu tố nước ngoài, góp phần giữ vững mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát theo luật định, trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức điều động, sử dụng 286 lượt chiếc tàu, xuồng hoạt động trên biển. Qua tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đã kip thời phát hiện, tuyên truyền, yêu cầu 755 lượt chiếc tàu cá nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam theo đúng chủ trương, đối sách; ghi số hiệu 488 tàu. Triển khai thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình trên biển, nhất là ở các vùng biển trọng điểm, vùng biển nhạy cảm, các biên đội tàu Cảnh sát biển đã đi được hàng nghìn hải lý an toàn, kiểm soát hiệu quả vùng biển chủ quền. Trong đó khởi tố 63 vụ với 66 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 317 vụ với 397 đối tượng; phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 120 vụ với 195 đối tượng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính ước tính giá trị tang vật tịch thu khoảng 40 tỷ đồng.