Thừa Thiên-Huế tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”

Thứ Hai, 14/02/2022, 09:44

Sau Tết Nguyên đán, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, số ca mắc có chiều hướng tăng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng tiềm ẩn nguồn lây trong cộng đồng. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh hạ quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh song song với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Những ngày sau Tết Nguyên đán, số ca dương tính trong cộng đồng ở Thừa Thiên-Huế vẫn ở mức cao. Điển hình, ngày 8/2, số ca test nhanh dương tính hơn 2.500 ca, trong đó có hơn 1.800 ca cộng đồng.

Theo ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế, số ca dương tính được ghi nhận trong ngày 8/2 tăng cao là do sàng lọc học sinh khi trở lại trường học. Các cơ quan, đơn vị sau kỳ nghỉ tết cũng sàng lọc trước khi đi làm trở lại. Ngoài ra, còn ghi nhận từ kết quả test nhanh đối với du khách trước khi rời Thừa Thiên-Huế.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, mặc dù số ca nhiễm có tăng trong dịp Tết nhưng cơ bản vẫn nằm trong tầm kiểm soát và tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn giữ được mức độ ổn định, an toàn so với các địa phương trong cả nước.

Dự báo tình hình dịch bệnh thời gian đến vẫn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị, thành phố chủ động xây dựng kịch bản, phương án đáp ứng phòng chống dịch phù hợp với từng diễn biến cụ thể trên địa bàn; chủ động trong việc tầm soát, cho học sinh đến trường; chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của địa phương trên nguyên tắc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

Đồng thời, ngành Y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccin phòng COVID-19 cho người dân, khẩn trương hoàn thành việc tiêm mũi bổ sung theo kế hoạch, đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường công tác truyền thông, liên tục dưới nhiều hình thức, đa phương tiện nhằm nâng cao ý thức của người dân không chủ quan, không hoang mang cũng như hiểu đúng, đồng thuận với các biện pháp phòng, chống dịch…

muc tieu kep.jpg -0
Nhiều công ty may mặc lớn tại Huế đã ký kết đơn hàng với đối tác kéo dài đến năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Phương khẳng định, trên tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kinh doanh, buôn bán, phát triển kinh tế, ngày 11/2, Ban Chỉ đao phòng, chống dịch của tỉnh đã nới lỏng và cho mở lại một số hoạt động, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.

Cụ thể, nhà hàng, quán ăn, quán cafe, pub beer, Internet, trò chơi điện tử, karaoke, cơ sở xông hơi, massage, cơ sở thẩm mỹ, spa, bảo tàng, khu triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà (gym, yoga, fitness, areobic, khiêu vũ, bida…) được phép hoạt động không quá 50% công suất phục vụ và phải đảm bảo đầy đủ các quy định phòng, chống dịch như: Khách hàng tham gia từ 12 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi vaccine, bàn cách bàn 2m, khử khuẩn, quét mã QR code…

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi kinh doanh, tỉnh cũng ban hành kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Ngoài thực hiện kịp thời và có hiệu quả các chính sách của Trung ương, tỉnh còn thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thành lập mới; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, chuyển đổi số, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ mặt bằng trong các khu, cụm công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ đăng ký bán hàng trên các trang thương mại điện tử quốc tế, hộ kinh doanh chuyển đổi  lên doanh nghiệp…

Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đang nghiên cứu thực hiện thêm loạt chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp, như điều chỉnh tỷ lệ % giá đất thương mại dịch vụ và sản xuất kinh doanh so với giá đất ở cùng vị trí; điều chỉnh tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất; hỗ trợ phí hạ tầng cho các doanh nghiệp sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp.

Đặc biệt, nghiên cứu hỗ trợ 3 năm lãi suất vay cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; hỗ trợ phát hành chứng thư bảo lãnh (bằng 50% giá trị khoản vay) cho các doanh nghiệp đã được được tổ chức tín dụng thẩm định và quyết định cho vay theo quy định của pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng; tiếp tục bổ sung nguồn vốn qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với lao động từ các vùng dịch trở về địa phương.

Trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng với việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, thu ngân sách Nhà nước tại tỉnh Thừa Thiên-Huế tăng cao, vượt 66,7% dự toán. Có 9/13 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 4,36%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 25.545 tỷ đồng…

Trong những ngày đầu năm mới 2022, nhiều công ty, nhà máy (chủ yếu là ngành Dệt may, May mặc xuất khẩu…) đóng trên địa bàn Thừa Thiên-Huế hiện đã ký các đơn hàng “khủng” với các đối tác trong và ngoài nước kéo dài đến năm 2023. Đáng chú ý, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang kết nối với các doanh nghiệp, tiếp tục hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề, đưa đi xuất khẩu lao động cho khoảng hơn 13.600 lao động trở về từ vùng dịch.

Hải Lan

.
.
.