Săn mây Đỉnh Quế

Thứ Hai, 30/10/2023, 18:19

Đêm ấy trăng rất sáng, trời không gió, cây lá không lay, tôi không thở. À không, hình như có thở, nhưng rất khẽ. Cô gái đi bên tôi đã thôi tíu ta tíu tít. Bờ vai chạm vào nhau mà không ai nói câu nào. Khi lên đến đỉnh dốc, cô gái đột nhiên choàng tay luồn qua lưng tôi. Muốn hay không tôi cũng chẳng thể rút tay cô ra, gần như choàng tay đỡ lấy lưng cô. Xuống dốc, tất cả sẽ khuất sau lưng, khuất sau núi đồi và khuất sau những tán lá rừng. Sẽ không ai thấy gì.

Ngày xưa một mình, bằng xe máy, tôi đi khắp. Các chuyến thượng miền tây Quảng Nam thường xuất phát từ thị xã Tam Kỳ, theo đường 14E lên Phước Sơn, được chừng 80 km thì rẽ phải sang Hiên. Rẽ trễ 40km thì sẽ qua huyện Giằng, nay đổi tên là Nam Giang. Sau này, chủ yếu là đi cứu trợ sau mùa mưa lũ, ngồi xe hơi là chính. Xong việc thì về, tôi ít vào sâu các thôn bản như hồi trẻ. Và hầu như cũng chỉ đến phần Đông Giang là quay lại, ít khi có điều kiện ghé lại Tây Giang ở bên này cầu Azưk.

Năm 2003, Hiên tách thành hai huyện Đông Giang - Tây Giang, ranh giới là dòng A Vương. Đông Giang tập trung cho thủy điện, rừng bị cạo sạch. Những nơi chưa bị san ủi để làm đường, làm đập, làm hồ chứa... được tái tạo bằng rừng trồng, cây ngắn ngày và tạp, chủ yếu là keo lai. Tây Giang thì khác. 95% trong số 21.000 dân toàn huyện là đồng bào Cơ Tu. Sinh kế chính là bán oxy cho... thế giới, tức là nhận tiền khoán giữ rừng, bảo vệ sinh quyển, chống hiệu ứng nhà kính. Nghề này dễ làm, vì bảo vệ rừng tốt nhất là… đừng làm gì cả, chỉ chủ yếu phòng cháy. Huyện Tây Giang rộng hơn 904 km2, rộng hơn cả toàn bộ tỉnh Bắc Ninh (823,1 km2), mật độ dân số chỉ 22 người/km. Diện tích rừng khoán tính trên đầu người khá lớn, thu nhập từ nhận khoán giữ rừng không cao, nhưng đủ sống ở mức còn chật vật.

nha guol.jpg -1
Nhà Gươl – biểu tượng của đồng bào Cơ Tu ở xã Leng, Tây Giang.

Tuyệt đại đa số diện tích của Tây Giang rừng già bao trùm, kéo dài từ giáp Đông Giang, Nam Giang lên tận Nam Đông, A Lưới của Thừa Thiên – Huế ở phía Bắc. Phía Tây khỏi bàn, vì giáp tỉnh Se Kong của Lào, biên giới cách trung tâm huyện chừng 50 km đường bộ, toàn núi cao rừng thẳm. Dân cư chủ yếu bên nước bạn cũng là người Cơ Tu, cũng sống bằng nghề giữ rừng bán oxy cho thế giới. Ơn trời, nhờ thế mà rừng Tây Giang còn rất tốt, tốt nhất nước. Mật độ che phủ cũng lớn nhất nước. Toàn rừng nguyên sinh.

Lần này tôi thượng Tây Giang cùng đoàn nhạc sĩ và nhà văn tham gia Trại viết về Cảnh sát cơ động của Bộ Công an, bắt đầu từ ngã ba Túy Loan, Hòa Vang, Đà Nẵng theo đường 14G. Đường xóc, nhưng vẫn rất đáng được gọi là đường. Từ Trung tâm huyện (xã A Tiêng) lên Đỉnh Quế (cao độ 1.369m), đường xấu nhưng xe ôtô cũng chỉ mất 40 phút leo dốc. Hồi năm 1999, cả đi lẫn về, tôi mất 2 ngày rưỡi. Xe máy bánh quấn xích chỉ đi được một đoạn ngắn qua xã Leng, cách A Tiêng hơn 5 km là hết đường. Sau đó thì cả gã nhà báo tò mò lẫn người dẫn đường nhẫn nại đều phải đi bộ toét móng, trèo qua cơ man những vách núi dựng đứng và rừng nguyên sinh rậm rạp.

Vì vất vả và nguy hiểm nên ngày xưa tôi luôn đi một mình, nay vì dễ nên đoàn đi khá đông, những 2 ôtô, toàn nhà văn và nhạc sĩ. Văn nghệ sĩ thì giỏi giang và lãng mạn là đúng rồi. Nhưng họ là lớp người nhẹ dạ, thiếu kinh nghiệm, rất dễ lạc lối và vấp ngã – trước hết là theo nghĩa đen. Họ không thích hợp với chuyện đi thực tế hay trèo đèo lội suối. Leo núi cực lắm, rất nhanh khát nước nhưng có chai La Vie trong ba lô cũng muốn vứt bớt đi cho nhẹ, vì không thở nổi. Đời làm báo của tôi làm gì có chuyện lãng mạn bỏ cả tình yêu trong ba lô mang theo trên vai làm bạn đồng hành? Nặng lắm, chả dại!

Mùa hè năm 1999, tôi theo đường mòn lên Tây Giang để viết về đời sống của các thầy cô cắm bản nơi biên viễn. Thầy giáo Nguyễn Nhật Tiến, giáo viên tiểu học xã Leng tiếp tôi rất nhiệt tình. Tiến bằng tuổi tôi, dân Thăng Bình, sát Tam Kỳ. Thấy tôi tò mò, hỏi luôn mồm về phong tục tập quán người Cơ Tu, anh đề xuất: "Hôm nay có lễ đâm trâu dưới A Tiêng. Hay anh xuống đó đi, sẽ thu thập được nhiều điều. Nhưng anh không biết đường, không rành lối mòn, dọc đường cũng chẳng gặp ai mà hỏi đâu. Để tôi bảo thằng em ruột đi cùng dẫn đường".

Cậu em là Nguyễn Lực, 18 tuổi, học hết lớp 9 thì bỏ, lên rừng sống với anh tìm việc làm, cũng là để cái "xóm" anh mình đang ở bớt... thưa dân, tăng số người Kinh trong xóm lên... gấp đôi. Nó ít nói, suốt chuyến đi tôi bảo gì nghe nấy, luôn bắt đầu và kết thúc bằng câu "dạ chú" rất lễ phép. Chiều, bà con Cơ Tu mời ở lại uống rượu, tôi đang ngần ngừ vì lo không kịp thấy đường mà về, chưa biết cách nào từ chối thì nó bảo luôn bằng giọng Quảng Nam nặng trịch: "Về bên đó chú cũng ăn cơm rồi đi ngủ chớ có việc chi mà lồm".

Vậy là ở. Rượu bà con mời, tôi uống, nó cũng uống, rất nhiệt tình. 8h đêm, tôi say, nó bảo: "Trăng sáng, chú đừng có lo. Cứ ngồi sau ôm cho vững, con đưa về. Cùng lắm thì té chớ có chi mô. Con chạy xe vững lắm...".

Vậy mà nó cũng đưa tôi về được đến nơi, có té lần nào không thì tôi say, không nhớ. Nhưng chắc chắn là không xuống vực.

Thấy thằng em được việc, bữa sau, thầy giáo Tiến lại bảo Lực: "Mi đưa chú Lam lên điểm trường, chỗ mấy cô nghe. Đi rồi mượn xe chú về lại dưới ni, anh nhờ xí, sớm mai chạy lên đón, đưa chú lên Đỉnh Quế. Chú Lam ở dưới Sài Gòn, rừng có mô mà chụp".

Lực "dạ anh", rồi chạy mượn đâu ra một bộ rọ xích quấn vào hai bánh xe chiếc Dream lùn của tôi và đưa tôi đi. Bữa đó chiều thứ 7, các cô giáo cắm bản đều không phải lo việc dạy. Điểm trường, chỗ ở là một. Lực không ở lại ăn cơm mà lo về ngay. Cả 4 cô, tuổi từ 24 đến 29 đều tíu tít đi làm gà, bẻ đậu làm cơm đãi tôi. Tíu ta tíu tít. Nhặt rau hay tuốt lông gà, các cô cũng cố ý bưng lại gần chỗ "nhòa bố", để tiện vừa làm vừa trả lời "nhòa bố lòm phỏng vắng". Tôi chưa kịp hỏi, các cô đã tranh nhau trả lời xong rồi. Xong rồi lại trả lời tiếp bằng câu khác. Tíu ta tíu tít!

Cơm dọn ra khi trăng sắp lên. Ngọn đèn dầu thậm chí cũng thành thừa thãi. Một cô hỏi “nhòa bố” có uống được rượu không? Cô khác thì bảo ở đây tụi em cũng phải uống rượu chớ, vì bia có mô mà uống. Bữa cơm cũng tíu ta tíu tít.

doan cac nha van.jpg -0
Đoàn các nhà văn, nhạc sĩ đi thực tế sáng tác về lực lượng CAND tại Quảng Nam.

Cơm no, rượu say, nhìn quanh thấy chỉ có mấy bộ bàn ghế sơ sài trong 3 phòng học nhỏ bằng gỗ, cũng sơ sài, tôi không biết tối nay mình sẽ ngủ đâu. Phòng ở của 3 cô cũng chút xíu, có được mời tôi cũng không thể chui vào đó.

Nghĩ một lúc, đột nhiên cô trẻ nhất trong nhóm bảo: "Trăng sáng ghê anh hí. Sài Gòn lòm chi cúa trăng ni". Cô rủ tôi đi dạo. Tôi giữ ý tứ: "Hay mấy anh em mình cùng đi". Các cô đấm lưng nhau cười: "Thôi, nó nhỏ nhứt, đi khỏe, để nó đưa anh đi. Tụi em giòa rồi, đi buổi túi mỏi cái chưn về răng mà lấy được chồng!”. Tự nói, tự đấm lưng nhau cười. Tíu ta tíu tít!

Ừ, thì đi. Bây giờ, sau 1/4 thế kỷ, tôi sẽ "không nhắc tên ai hếch".

Đường nhỏ, lọt giữa những tán cây. Trăng sáng, trời khô ráo. Cỏ dưới chân rất ấm và mềm. Chỉ sau mươi bước chân, điểm lán đã khuất sau khúc quanh. Chúng tôi đi rất chậm. Chỉ có hai người với ánh trăng vằng vặc. Trăng loang loáng tràn qua kẽ lá, tràn xuống bờ tóc và đôi vai rung rung của cô gái. Có lẽ tràn cả qua vai, đầu và ngực tôi nữa, nhưng tôi không kịp nhìn thấy.

Đêm ấy trăng rất sáng, trời không gió, cây lá không lay, tôi không thở. À không, hình như có thở, nhưng rất khẽ. Cô gái đi bên tôi đã thôi tíu ta tíu tít. Bờ vai chạm vào nhau mà không ai nói câu nào. Khi lên đến đỉnh dốc, cô gái đột nhiên choàng tay luồn qua lưng tôi. Muốn hay không tôi cũng chẳng thể rút tay cô ra, gần như choàng tay đỡ lấy lưng cô. Xuống dốc, tất cả sẽ khuất sau lưng, khuất sau núi đồi và khuất sau những tán lá rừng. Sẽ không ai thấy gì. Tây Giang là huyện có mật độ dân cư thưa nhất nước. Trời ấm, cỏ dưới chân tôi rất mềm…

Bữa nay, trăng cũng sáng. Chắc là trăng của đêm xưa. Tôi sẽ không kể nốt những gì diễn ra sau đó, vì không có gì để kể. Nhà văn Nguyễn Hiệp, lão bạn viết cùng đoàn, chiều qua đã vỗ đùi đánh đét, khoái trá: “Tao có cả cái tứ lẫn chi tiết cho một cái truyện ngắn cực hay về Tây Giang rồi. Đù, độc!”

Tôi chẳng thấy có gì gọi là đù và độc. Nhưng tôn trọng, thôi thì cứ để cho lão tha hồ mà viết truyện ngắn. Thể loại văn học này, cũng như thơ, vốn vô hại. Mà ông ấy là nhà văn, ông ấy có quyền viết. Trúng trật gì, ưng là viết. Chỉ nhớ là, ngày xưa, tôi đã không đưa cô gái ấy đi hết triền dốc. Bảo “uống hơi nhiều”, tôi cương quyết dìu cô quay trở lại. Cô ngần ngừ rồi cũng nghe theo… Khi về đến gần dãy phòng, cô rút tay ra khỏi lưng tôi, không chạy về phòng mà chạy theo một con đường nhỏ rẽ đi nơi khác. Không đuổi theo nhưng tôi biết, cô vừa bật khóc! Chi “lọa” rứa, có ai “lồm cái chi” đâu mà phải khóc!

Bối rối, tôi ngồi xuống bậc thềm, châm thuốc hút. Điếu thuốc cháy chưa tàn, cô thứ hai lại ngồi xuống cạnh tôi: “Nó đi mô rồi mà để anh một chắc ri. Trăng sáng quá, hay để em đưa anh đi dạo nghe!”

Lý do uống nhiều rượu, hơi mệt nên run chân vì đi dốc không quen vẫn còn tác dụng, hoặc ít ra là tôi nghĩ thế. Tôi tránh một đợt từ tíu ta tíu tít đông người chuyển sang im lặng chỉ hai người. Tôi có nhiều lý do khác để phải thở gấp. Cả 4 cô gái và tôi không thắp đèn mà đốt một đống lửa nhỏ ngay bên hông nhà, nói chuyện đến trăng tàn. Nói những chuyện gì giờ cũng không nhớ nữa…

Chiều qua, khi khách đã vãn, vợ chồng cậu chủ nhà trọ kiêm chủ bán nông lâm thổ sản xoay sang trò chuyện với hai ông nhà văn. Đột nhiên, cậu chủ tầm hơn 40 tuổi nói với Nguyễn Hiệp: "Tự nhiên con thấy chú nớ - chỉ tôi - nhìn quen quen. Chú nớ lồm nhòa văng chứ có lồm nhoà bố không chú?”.

Khi được xác nhận là có, ông chủ trẻ quay sang nhìn tôi nói luôn: “Chú giờ già hơn nhiều, nhưng là chú chứ không ai hếch. Con không nhớ tên, nhưng nhận ra chú ngay…”

Và cậu ta kể ra vanh vách một nửa, phần ban ngày mà tôi nói ở trên, chỉ không chắc lắm nó xảy ra vào mùa hè 1998 hay 1999. Đến lượt tôi tròn mắt. Nếu không có lời kể, tôi đã quên mất là rời điểm trường, tôi đã mất thêm một ngày rưỡi lên và về Đỉnh Quế (cao điểm 1.369m) để tôi làm duy nhất là một việc là lia máy ảnh về phía rừng giáp Lào chụp hoa Đỗ Quyên và nghe khướu hót. Cậu ta là Nguyễn Lực của ngày nào. Nơi đoàn chúng tôi đang ở là nhà trọ A Lực!

Những bất ngờ thú vị chắc vẫn còn nhiều phía trước, nhưng hầu như đều bắt nguồn từ vài ba mươi năm trước. Khi tôi rời đi, Nguyễn Lực, giờ đã bị tôi bắt đổi xưng hô sang anh, vì thua có 9 tuổi, xách đồ giúp ra tận cửa. Tôi vừa quay lưng, nó lại gọi với theo, cố giúi vào tay tôi một tấm danh thiếp 2 mặt, ghi tên, địa chỉ Nguyễn Lực và người anh Nguyễn Nhật Tiến. Tôi bật cười, nhìn tấm danh thiếp vừa xé ra từ vỏ thùng mì, phát hành vội vã. Đó cũng là một bất bất ngờ,  mộc mạc và thú vị.

Với Tây Giang, bất ngờ chắc vẫn chưa hết. Và hẳn sẽ còn lớn hơn nhiều, nếu đêm trăng xưa tôi dám ôm hết ánh trăng vương trên cỏ ấm. Cũng không quá khó khăn hay đòi hỏi nhiều can đảm lắm đâu. Hạnh phúc hay khổ đau, niềm vui hay nỗi buồn, thành công hay thất bại đều chỉ hiện ra khi ta đi hết con đường. Chỉ cần đêm trăng đó, tôi đừng lỏng vòng tay, đừng quay lại giữa chừng… Chỉ cần tôi cứ dìu em, cứ đi cho đến cuối con dốc… Mà có khi chỉ cần tôi đứng yên lại tại đó thôi cũng được!

Bữa nay đường rộng hơn nhiều. Sao biết tôi lên mà mây Đỉnh Quế bỗng dưng kéo nhau ùa về nhiều đến thế?

Tây Giang, 26/8/202

Ký của Nguyễn Hồng Lam
.
.
.