Phòng ngừa người tâm thần gây án

Thứ Tư, 24/05/2023, 07:01

Hơn 8.000 người bị tâm thần đang điều trị, sinh sống với gia đình và trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội. Thực tế cho thấy, đã có nhiều vụ án mạng đau lòng do người tâm thần gây ra, làm hoang mang dư luận, bất an cho người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình ANTT.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, số vụ việc, vụ án do người mắc bệnh tâm thần gây ra với các hành vi như cố ý gây thương tích, gây rối an ninh trật tự, đặc biệt là hành vi giết người có những diễn biến phức tạp, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương. Từ cuối năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra 10 vụ giết người với tính chất dã man, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như vào ngày 25/10/2021, Hà Trọng Quyết (SN 1993, trú tại xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn) dùng dao mẹo chém nhiều phát vào vùng đầu, vai, tay cháu H.T.Đ (SN 2013) tại nhà cháu Đ làm cháu bé tử vong tại chỗ.

2.jpg -0
Bác sỹ, tình nguyện viên chăm sóc người bị bệnh tâm thần đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh.

Ngày 4/2/2022, tại địa bàn xã Hương Giang, huyện Hương Khê xảy ra vụ trọng án, thủ phạm là Lê Thị H (SN 1983), trú tại địa chỉ nói trên. Do trầm cảm sau sinh, người mẹ này đã dùng dao cứa vào cổ con trai mới 2 tháng tuổi. Trước đó, chị H. cũng đã nhiều lần bóp cổ con và định vứt con xuống giếng nhưng bị người nhà phát hiện và ngăn cản. Nghiêm trọng hơn cả là vào ngày 25/3/2022, Phạm Thị H (SN 1979, trú tại xã Sơn Long, huyện Hương Sơn) đã dùng búa đinh trong nhà đập nhiều nhát vào vùng trán, vùng mặt mẹ ruột là bà Lê Thị H. (SN 1957), khiến bà này tử vong. Đối tượng sau đó còn dùng dao cắt lìa chân tay, đầu nạn nhân bỏ vào chậu nhựa màu đen ở khu vực nhà bếp. Cả ba vụ án này đều do người tâm thần gây ra.

Theo số liệu thống kê do Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hà Tĩnh cung cấp, từ năm 2016 đến nay, có khoảng gần 8.000 người bị tâm thần (bao gồm người có bệnh án và không có bệnh án) đến điều trị tại bệnh viện, sau đó họ trở về sống với gia đình và trong cộng đồng xã hội. Đây là nhóm những người tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội nếu không được kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Ngoài ra, thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh cho thấy, trên địa bàn hiện có 4.991 người khuyết tật dạng “khuyết tật thần kinh, tâm thần”.

Trong số 313 người khuyết tật là người mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm, có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác, chỉ có 100 người được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí đi lại và chi phí điều trị trong thời gian điều trị bắt buộc tại bệnh viện tâm thần tỉnh, còn lại 76 người khác là đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp tại Trung tâm cai nghiện tỉnh Hà Tĩnh. Hầu hết, đối tượng tâm thần kinh, rối nhiễu tâm trí chủ yếu đang được gia đình, địa phương và cơ quan y tế cơ sở cấp phát thuốc, chăm sóc, quản lý, nuôi dưỡng tại cộng đồng.

Tại Hà Tĩnh, từ năm 2016 đến nay mới có cơ sở để tiếp nhận đối tượng tâm thần, rối nhiễu tâm trí để bảo vệ khẩn cấp, phòng ngừa gây huy hiểm cho xã hội. Từ đó đến nay, toàn tỉnh đã có 686 đối tượng được tiếp nhận nuôi dưỡng luân phiên, trong đó 203 lượt đối tượng lâu dài, 221 lượt đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp và 262 lượt đối tượng tâm thần tự nguyện. Tuy nhiên, việc tiếp nhận đối tượng còn một số khó khăn nhất định như đối tượng bắt buộc thời gian ngắn, tối đa không quá 3 tháng. Đối tượng tự nguyện thời gian dài nhưng gia đình lại có hoàn cảnh khó khăn, tâm lý không muốn đưa người thân của mình vào các trung tâm, bệnh viện hoặc thậm chí che giấu bệnh tật.

Mặc dù các chế độ, chính sách cho đối tượng tâm thần kinh được đảm bảo, nhưng chính quyền địa phương cơ sở và gia đình chăm sóc chưa đầy đủ, toàn diện, quản lý chưa chặt chẽ người bệnh. Bên cạnh đó, chưa có quy định yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần, nhiều gia đình không muốn đưa người thân của mình vào chăm sóc, điều trị tập trung dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn gia tăng tội phạm trong cộng đồng. Số liệu của Công an tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ việc có tính chất phạm tội do đối tượng là người mắc bệnh tâm thần gây ra, trong đó có 5 vụ giết người. Nguyên nhân là do một số gia đình không có điều kiện tài chính để mua thuốc và đưa đối tượng đi chăm sóc, điều trị ở các bệnh viện theo đúng phác đồ của bác sỹ, vì vậy, dẫn đến số đối tượng tâm thần diễn biến nặng có xu hướng gia tăng.

Cùng với đó, số đối tượng tâm thần kinh cần được điều trị, phục hồi tại các cơ sở y tế và chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội là khá lớn, nhưng hiện nay, toàn tỉnh chỉ mới tiếp nhận điều trị nội trú cho khoảng gần 180 bệnh nhân. Cùng với việc không có thuốc điều trị để cấp kịp thời cho đối tượng tâm thần tại cộng đồng thì việc quản lý người bệnh rối loạn tâm thần hiện nay còn lỏng lẻo cũng là nguyên nhân dẫn đến người tâm thần gây án gia tăng. Theo đó, hiện nay ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ chính sách xã hội; ngành Y tế quản lý điều trị những bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh, còn ngành Công an quản lý những đối tượng sử dụng ma túy.

Trong khi đó, trong cộng đồng có rất nhiều người bị rối loạn tâm thần do sử dụng rượu, người bị trầm cảm và bị các rối loạn tâm thần khác nhưng chỉ được điều trị khi người nhà đưa đến bệnh viện. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận khẩn cấp nhóm đối tượng tâm thần có hành vi nguy hiểm cho bản thân, gia đình và cộng đồng vào chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện.

Để ngăn ngừa hậu quả do người bị tâm thần gây ra, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành chức năng như Công an, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội cùng chính quyền cấp cơ sở, trong thời gian tới tiến hành phối hợp rà soát tất cả các trường hợp rối loạn tâm thần trên địa bàn để xác định các trường hợp cần đưa đi điều trị. Ngành Y tế chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh về phương án quản lý điều trị ngoại trú tại cộng đồng cho những bệnh nhân rối loạn tâm thần khác ngoài bệnh tâm thần phân liệt và động kinh. Đối với những người khuyết tật dạng thần kinh, tâm thần có hành vi nguy hiểm cần được tiếp nhận khẩn cấp vào chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung để quản lý, chăm sóc, tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.

Liên quan đến vấn đề này, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh cũng đã phát đi cảnh báo, phòng ngừa người tâm thần gây án. Theo đó, gia đình có người bị tâm thần không để họ đi lang thang, không để sử dụng các chất kích thích hoặc tiếp xúc các vật dụng có khả năng sát thương. Đồng thời, không để người già và trẻ nhỏ ở nhà một mình với người bị tâm thần, cần cho người bệnh uống đủ thuốc và đúng giờ. Trong gia đình cần tạo ra lối thoát khi có nguy hiểm và có dụng cụ để tự bảo vệ khi bị tấn công. Đối với hàng xóm và cộng đồng xã hội, không nên có thái độ kì thị, trêu chọc người bị tâm thần; giữ khoảng cách an toàn và khi phát hiện có biểu hiện hoặc chuẩn bị có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, cần kịp thời báo cho cơ quan Công an để ngăn chặn, phòng ngừa.

Thiên Thảo
.
.
.