Phòng cháy chợ không thể trông chờ vào sự… may rủi

Thứ Bảy, 18/02/2023, 07:32

Sau vụ cháy lớn gần như thiêu rụi chợ đầu mối Tam Bạc lớn nhất ở Hải Phòng ngày 12/2 vừa qua, cũng giống như những vụ hỏa hoạn trước, cơ quan chức năng lại đưa ra lời cảnh báo, đồng thời rút kinh nghiệm. Vấn đề đặt ra là sau những vụ hỏa hoạn trên, việc phòng cháy sẽ như thế nào hay bẵng đi một thời gian lại đâu vào đấy, ẩn họa hỏa hoạn vẫn tồn tại.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng TP Hải Phòng, trên địa bàn hiện có trên 120 chợ lớn nhỏ, trong đó khoảng trên 20 chợ có quy mô lớn như: Chợ Ga, chợ Tam Bạc, chợ An Dương, chợ Hòa Bình, chợ Quán Toan, chợ Đoàn Kết… Cách thời điểm này không lâu, đêm 12/10/2021, chợ Núi Đèo (huyện Thủy Nguyên) cũng đã bị cháy rụi, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng cũng khiến nhiều tiểu thương trắng tay.

02-nhieu-tie-thuong-trang-tay-sau-hoa-hoan-cho-tam-bac.jpg -0
Nhiều tiểu thương trắng tay sau một đêm thức dậy.

Đến ngay trước thời điểm xảy ra hỏa hoạn tại chợ Tam Bạc không lâu, vào cuối năm 2022, UBND TP Hải Phòng đã thành lập đoàn liên ngành, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại 22 cơ sở trọng điểm về cháy nổ, trong đó có chợ Tam Bạc và chợ Ga. Lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính Ban Quản lý chợ Tam Bạc 69 triệu đồng do không trang bị hệ thống lắp đặt hệ thống báo cháy và chống cháy và Ban Quản lý chợ Ga 183 triệu đồng do hệ thống PCCC không bảo đảm.

Đại tá Hoàng Văn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TP Hải Phòng) cho biết, không chỉ chợ Tam Bạc, chợ Núi Đèo mà còn rất nhiều chợ, trong đó có các chợ lớn, như chợ Ga và chợ An Dương, chợ Cát Bi…, cũng có nguy cơ cháy nổ rất cao. Bởi hầu hết các chợ đều nằm liền, xen lẫn trong khu dân cư tập trung, quanh chợ là các hộ gia đình có kinh doanh buôn bán làm khoảng cách an toàn chống cháy lan, thoát nạn khi xảy ra sự cố đều không bảo đảm yêu cầu về PCCC, đặc biệt hầu hết các chợ không bảo đảm nguồn nước để phục vụ chữa cháy.

Cùng với đó, hệ thống điện tại các quầy trong chợ nhiều nơi chưa bảo đảm an toàn. Tình trạng bảng điện, dây dẫn điện buộc hoặc để trực tiếp trên các chất, vật liệu dễ cháy. Nhiều hộ kinh doanh còn tự ý đấu mắc thêm thiết bị điện không theo thiết kế ban đầu, làm tăng thêm phụ tải dẫn đến nguy cơ cháy do sự cố điện… Đặc biệt, một số chợ lớn trên 500 hộ kinh doanh còn không lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động. Hay có chợ không lắp đặt hệ thống cấp nước chữa cháy, trang bị chữa cháy xách tay thiếu so với yêu cầu…

Trong khi cơ quan chức năng luôn lo lắng trước nguy cơ cháy nổ thì Ban quản lý, các hộ kinh doanh trong chợ là chủ nhân của tài sản, hàng hóa trị giá hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng lại lơ là, chủ quan. Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng hàng hóa, lấn chiếm đường, lối đi, chiếm dụng lối thoát nạn làm nơi chứa hàng diễn ra khá phổ biến. Hay như hiện tượng thắp hương, đốt vàng mã ngay trong chợ vẫn còn tồn tại…

Và đã đến lúc không thể đổ lỗi cho sự… không may, rồi sau đó lại cảnh báo, rút kinh nghiệm. Hơn lúc nào hết, bài học "phòng cháy" cần được tất cả mọi người thuộc lòng. Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đã trực tiếp chỉ đạo ngay sau vụ cháy chợ Tam Bạc, yêu cầu về các cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ chợ hiện đang hoạt động trên địa bàn thành phố, xem xét có phù hợp với quy hoạch, đồng thời đưa ra phương án bổ sung quy hoạch đối với những chợ đủ điều kiện và có lộ trình kết thúc hoạt động đối với những chợ không đủ điều kiện. Đồng thời, triển khai Đề án xây dựng, sắp xếp lại hệ thống chợ của toàn thành phố. Tuyên truyền vận động và xử phạt đối với những trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Đặc biệt lưu ý là phải rà soát, đánh giá lại năng lực PCCC của các chợ trên địa bàn.

Cũng theo Đại tá Hoàng Văn Bình, các Ban quản lý chợ cũng cần tăng cường kiểm tra nhắc nhở các tiểu thương, hộ, đơn vị kinh doanh, khách mua hàng hóa trong việc bảo đảm an toàn PCCC như không thắp hương, đốt vàng mã trong khu vực kinh doanh. Bố trí hàng hóa vật tư bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC, không bố trí hàng hóa, vật dụng dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, không bố trí lấn chiếm lối đi phục vụ thoát nạn. Ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng.

Cùng với đó là phải thường xuyên thực tập phương án chữa cháy tại chỗ, bảo đảm có thể xử lý các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra. Tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng và từng quầy, sạp hàng. Khi bố trí ngành hàng, chất hàng, phải tính toán đến tính chất nguy hiểm cháy nổ của từng loại hình kinh doanh…

V. Huy
.
.
.