Phát triển chợ truyền thống hướng đến mục tiêu thích ứng với dịch COVID-19 và chuyển đổi số

Thứ Tư, 16/02/2022, 09:03

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, tháng 1/2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Thành phố ước đạt 73.514 tỷ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước đó và giảm 28% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, bán lẻ là một trong những lĩnh vực trước đây bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, nhưng nay cũng đã tăng trở lại, với mức tăng 7,1%.

Hiện, kênh phân phối hiện đại gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cơ bản đã hoạt động trở lại bình thường. Riêng kênh phân phối truyền thống, còn 20 chợ đang tạm ngưng hoạt động, hầu hết là những chợ giáp ranh với các tỉnh, thành khác. Trong đó, đa số các chợ đã ngừng hoạt động do xây dựng lâu đã xuống cấp, cần nâng cấp sửa chữa để đáp ứng quy định mới hiện nay, một số chợ nằm trong quy hoạch phải di dời...

cho1.jpg -0
Chợ truyền thống cần phát triển trong thời gian tới để nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, trong  thời gian xảy ra dịch bệnh, kênh chợ truyền thống cũng đã bộc lộ những hạn chế, do đó thời gian tới cần phát triển hơn nữa hệ thống chợ để nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh. Được sự chấp thuận của UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Công Thương đã xây dựng đề án phát triển hệ thống chợ truyền thống của Thành phố, với hai mục tiêu: Thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và chuyển đổi số của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện giai đoạn 1 nhóm nghiên cứu đã cơ bản hoàn tất nội dung nghiên cứu thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 để giúp các chợ truyền thống hoạt động. Tới đây, nhóm tiếp tục nghiên cứu nội dung chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiến tới xóa bỏ dần các chợ tự phát.

T.Hà
.
.
.