Phạt tối đa 1 tỷ đồng đối với tổ chức vi phạm lĩnh vực đất đai

Chủ Nhật, 12/12/2021, 10:39

Tại Kỳ họp thứ 3 HĐND TP khóa XVI vừa diễn ra, 100% đại biểu có mặt tán thành thông qua Nghị quyết về quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, sẽ nâng mức tối đa 500 triệu đồng với cá nhân, 1 tỷ đồng với tổ chức vi phạm trong lĩnh vực đất đai.

Mức tiền phạt quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính trong Nghị quyết bằng 2 lần mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong Nghị định số 91/2019/NĐ-CP; mức tiền phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

Hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với các hành vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này được thực hiện theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP. Đối tượng áp dụng của Nghị quyết này là tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 1, xảy ra trên địa bàn nội thành TP Hà Nội, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị quyết này.

Theo Tờ trình của UBND TP, công tác quản lý đất đai trên địa bàn TP trong những năm gần đây được TP quan tâm và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và xuyên suốt của các cấp, các ngành từ TP đến cơ sở. UBND TP đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Đất đai, các Nghị định của Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương cho phù hợp với thực tế công tác quản lý đất đai ở địa phương quy định về: Thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất; xác định giá thu tiền sử dụng đất...

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa, tình trạng vi phạm pháp luật đất đai cũng có xu hướng tăng lên với những diễn biến phức tạp, nhất là một số quận nội thành mới được thành lập, một số huyện ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều hạn chế. Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, tại các quận trên địa bàn TP, kết quả xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai từ năm 2014 đến năm 2020 mới có 443 trường hợp được lập hồ sơ xử lý, phạt vi phạm hành chính được 1,15 tỷ đồng. Những hành vi vi phạm trong đất đai phần lớn đều gây bức xúc trong dư luận, làm phương hại đến lợi ích của Nhà nước, tác động xấu đến hiệu quả quản lý nhà nước và làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Hậu quả của những hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai thường để lại lâu dài, rất phức tạp khi xử lý. Vì thế, việc nâng mức chế tài xử phạt sẽ là biện pháp hữu hiệu để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý trong công tác quản lý đất đai.

C.Linh
.
.
.