Hà Nội chống dịch thành công nhưng vẫn còn “khoảng trống”

Thứ Năm, 09/12/2021, 08:49

Sáng 8/12, Kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân thành phố (HĐND TP) khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Một trong những vấn đề được đại biểu HĐND TP thảo luận sôi nổi là công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 trong bối cảnh số ca bệnh ngày càng tăng với nhiều ổ dịch phức tạp.

Đảm bảo mục tiêu lớn nhất là tỷ lệ tử vong thấp 

Thảo luận về kinh tế - xã hội (KTXH) và công tác phòng, chống dịch tại phiên họp HĐND TP Hà Nội, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Hoàng Mai) nêu: “Trong thời gian qua, rất nhiều ý kiến đặt ra vấn đề Hà Nội có chống dịch thành công không? Tôi cho rằng mục tiêu lớn nhất của chống dịch là tỷ lệ nhiễm, tử vong thấp, đồng thời không làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống người dân thì những mục tiêu này của TP Hà Nội trong thời gian qua đều đạt được”.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức bày tỏ, lãnh đạo TP hàng ngày, hàng giờ, nửa đêm vẫn phải làm các công việc chống dịch. “Những quyết sách có thể đi trước một bước, có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân, nhưng rõ ràng so sánh mặt bằng trên thế giới thì Hà Nội chống dịch thành công”, ông Đức bày tỏ. Về việc khôi phục kinh tế, đại biểu Đức đề xuất rà soát lại để tháo gỡ điểm nghẽn vận hành KTXH trong giai đoạn qua, vấn đề gì còn khúc mắc về cơ chế chính sách cần tháo gỡ ngay.

“Phải chuyển đổi nhanh sau hậu COVID-19, một ngày đẹp trời nó sẽ qua đi và trở thành bệnh bình thường. Trong 2 năm qua, đời sống vận hành của xã hội, thói quen của người dân, kinh doanh đã thay đổi, vận hành xã hội thay đổi. TP cần phải quan tâm đặc biệt đến thực hiện kinh tế số, chuyển đổi số, trong đó quan tâm đến nguồn lực và nhân lực”, ông Đức nói.

Đại biểu Nguyễn Lan Hương (Quốc Oai) nhận định, công dân Thủ đô rất may mắn khi trong 4 đợt dịch TP đã kiểm soát “vững vàng, thành công”, mặc dù tỷ lệ nhiễm COVID-19 hiện nay vẫn tăng. Bà Hương đánh giá cao việc TP đưa ra công văn mới hướng dẫn điều trị F0 và cách ly F1 tại nhà và mong hướng dẫn này nhanh chóng triển khai toàn TP. Tuy nhiên, theo bà Hương, bên cạnh những việc làm tốt, đâu đó người dân và từ ý chí lãnh đạo cấp cao nhất trên TP, ngành y tế xuống cấp cơ sở, quận, huyện, phường dường như vẫn còn khoảng trống. Bà cho rằng, công tác truyền thông cần quan tâm hơn, làm sao chính sách trên đưa xuống thì CDC và quận, phường triển khai nhanh nhất, hạn chế những khâu hiểu nhầm không đáng có.

Cùng quan điểm, đại biểu Lê Thị Thu Hằng (Tây Hồ) nhận định, câu chuyện chống dịch năm 2021 khác với năm 2020, không còn tư tưởng “Zero COVID” mà ở trạng thái bình thường mới. TP đã thực hiện phương châm phân cấp cho cơ sở, chủ động 4 tại chỗ, tuy nhiên việc thực hiện điều trị F0 tại nhà sẽ khiến các quận, huyện gặp nhiều khó khăn. Theo hướng dẫn của TP, mỗi xã, phường phải chuẩn bị 150 giường thu dung F0 thể nhẹ, điều quan trọng là phải có sự quan tâm đầu tư kinh phí… UBND TP phải vào cuộc, ngành y tế cần có văn bản chỉ đạo, những gì tốt nhất thì triển khai thực hiện.

Hà Nội chống dịch thành công nhưng vẫn còn “khoảng trống” -0
Các đại biểu HĐND mong muốn việc hướng dẫn điều trị F0 và cách ly F1 tại nhà sớm triển khai trên toàn thành phố. Ảnh: Ngô Nhung.

Đầu tư 1.000 tỷ đồng tăng cường y tế cơ sở

Thay mặt lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, với mục tiêu tăng trưởng năm 2022 đặt ra 7-7,5%, bám sát chỉ tiêu của trung ương và tình hình cụ thể của TP, Hà Nội tiếp tục kiên trì các mục tiêu, đặt ra 5 nhóm giải pháp, trong đó lĩnh vực y tế sẽ tập trung vào 5 nhóm chính sách và định hướng của trung ương. UBND TP đã báo cáo HĐND TP gói đầu tư 1.000 tỷ đồng để tăng cường cho y tế cơ sở.

Về đảm bảo an sinh xã hội, Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm túc đầy đủ chính sách của trung ương và bổ sung thêm các nhóm đối tượng đặc thù, nhất là công nhân lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó thực hiện các giải pháp về tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế phí, cho vay ưu đãi để doanh nghiệp có thêm nguồn lực. Song song đó là các nhóm chính sách về đầu tư công; quản lý điều hành, kiểm soát lạm phát; đẩy nhanh chuyển đổi số...

Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, TP sẽ rà soát những đơn vị triển khai dự án chậm hoặc không hiệu quả để điều chỉnh sang những đơn vị khác đạt hiệu quả hơn. Khi rà soát, các đơn vị đều quyết tâm rất cao, cam kết góp phần đạt tỷ lệ giải ngân của Chính phủ giao là 93%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngoài các yếu tố khách quan như dịch bệnh bùng phát, giá nguyên vật liệu xây dựng đầu năm tăng cao, các chuyên gia không sang được và máy móc không nhập được do dịch bệnh…, giải ngân vốn ODA năm nay khó khăn còn bởi những nguyên nhân chủ quan, điểm nghẽn như: Cơ chế chính sách chuẩn bị đầu tư, phối hợp còn hạn chế, năng lực chuyên môn của một số cán bộ trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư, sự quyết liệt trong triển khai giải phóng mặt bằng và tháo gỡ khó khăn, trong đó đề xuất để gỡ vướng là chưa rõ nét.

"UBND TP đã nhận diện những vấn đề này, trong năm 2022 sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng, làm việc với từng đơn vị, dự án để tháo gỡ khó khăn; công khai từng dự án, chủ đầu tư và có giải pháp về thi đua khen thưởng trong thực hiện các dự án", Phó Chủ tịch UBND TP cho biết.

Ngọc Yến
.
.
.