Những kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy
Mỗi một vụ hỏa hoạn xảy ra, không chỉ là hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy, mà qua đó cho thấy, sự cần thiết trong việc trang bị các kiến thức, kỹ năng thoát nạn tự cứu mình. Những người sống sót trong các vụ hỏa hoạn đã chia sẻ những kinh nghiệm để thoát khỏi “biển lửa”. Đây chính là kiến thức “bỏ túi” quan trọng, cẩm nang “Cháy - kỹ năng phòng và thoát nạn”.
Theo lời kể của bệnh nhân H (35 tuổi), gần 1h sáng, anh nghe tiếng nổ lớn phát ra tại ngôi nhà anh đang ở (số 1 ngõ 43/98/31 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Sau đó, là tiếng hô hoán, lửa tràn ra khắp các khu phòng, cháy cả vào cửa sổ phòng anh.
Anh H cho biết, mình từng học những kinh nghiệm thoát nạn sau nhiều vụ hỏa hoạn, trong tình huống nghẹt thở đó, nếu chạy ra ngoài thì sẽ chết, vì vậy, hai vợ chồng anh kiếm nhiều lớp vải thấm nước, quấn thành nhiều lớp để che lên miệng và mũi rồi ở nguyên trong nhà. Tuy ngọn lửa cháy to, nhiều tiếng ồn ào xung quanh, vợ anh H đã hoảng loạn, nhưng anh luôn động viên, cố gắng thuyết phục vợ giữ bình tĩnh. Sau khoảng 1h, lực lượng cứu nạn tiếp cận hiện trường, họ được đưa ra ngoài và được cấp cứu.
Ông Q (chủ căn nhà trọ xảy ra vụ cháy khiến 14 người tử vong) đau buồn cho biết, gia đình ông có 7 người gồm 4 thế hệ ở trong ngôi nhà này gồm: mẹ ông Q, 2 vợ chồng ông Q, 2 vợ chồng con trai và 2 cháu nhỏ.
Thời điểm xảy ra vụ cháy, gia đình ông đang ngủ thì nghe hô hoán có cháy. Ngay lập tức, ông Q liền vùng dậy, dùng búa đập tường, cửa sổ để thoát thân. Sau đó, một số hàng xóm cầm búa chạy sang hỗ trợ đục tường, treo dây thang để leo xuống. Sau vụ hoả hoạn, 5 người trong gia đình ông được cứu thoát song con trai và vợ ông đã tử vong.
Liên quan đến vụ cháy, sáng 24/5, trên mạng xã hội xuất hiện video một nam thanh niên leo thang dây, cầm búa đập tường để cứu các nạn nhân mắc kẹt. Được biết, người trong clip là nam thanh niên tên Tuấn (21 tuổi), quê Nam Định, một trong những người đầu tiên phát hiện vụ cháy đã tham gia giải cứu các nạn nhân. Anh Tuấn cho biết, khi đang chuẩn bị đi ngủ, anh nghe thấy tiếng nổ từ nhà bên cạnh.
Ngay lập tức, nam thanh niên chạy ra khỏi nhà và thấy lửa, khói bốc lên từ nhà hàng xóm. Anh Tuấn và 2 người dân khác nhận thấy chỉ còn duy nhất vị trí giáp ranh với nhà bên cạnh có thể leo lên để cứu người bên trong. Cả 3 người cùng lấy thang, búa, thang dây leo lên giải cứu người mắc kẹt. Sau khi nhóm anh Tuấn phá được tường nhà, lần lượt 3 người đã thoát ra an toàn; trong đó có 2 người lớn và 1 trẻ em.
Còn nhớ vụ cháy chung cư mini xảy ra vào đêm ngày 12 và rạng sáng 13/9/2023 làm 56 người chết tại số nhà 37 ngõ 29/70, phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội), nhiều người thoát nạn cũng do nhờ vận dụng kỹ năng PCCC.
Chia sẻ kỹ năng thoát nạn trong đám cháy kinh hoàng tại chung cư mini, chị H sống tại tầng 7 của căn chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân) cho hay, cả nhà khi đó dù rất hoảng hốt nhưng kịp lấy lại bình tĩnh, đóng kín tất cả các cửa của căn hộ, sau đó chèn khăn ướt vào các khe cửa để ngăn khói tràn vào nhà. Sau khi bịt kín các khe cửa, cả nhà chị H trong đó có 2 bé che khăn ướt lên mũi và miệng để tránh hít phải khói độc. Cả nhà chị H bám trụ trong căn hộ vài tiếng đồng hồ, vừa kêu cứu, hô hoán, soi đèn ra bên ngoài; vừa cố gắng động viên nhau chờ lực lượng PCCC tới cứu hộ. Tới khoảng 4h cùng ngày, có người tới ứng cứu và cả nhà may mắn thoát nạn.
Cũng thoát chết nhờ những chiếc khăn mặt ướt sũng nước, chị Lan, quê ở Bắc Ninh cho biết, gia đình chị sinh sống tại tầng 4 của tòa chung cư mini bị cháy. Khi biết thông tin cháy, chồng chị chạy ra ban công mở cửa thoát hiểm, còn 4 mẹ con chị tìm tất cả khăn mặt trong nhà, nhúng ướt sũng nước để che mũi miệng rồi chạy lên sân thượng. Sau đó, lực lượng cứu hỏa đã đến cứu kịp thời cả gia đình.
Anh Đinh Công Huy (SN 1982), sống ở tầng 3 chung cư mini Khương Hạ, quê gốc Thái Bình chia sẻ chuyện gia đình anh may mắn hơn các gia đình khác, thoát nạn nhờ biết về các kỹ năng PCCC. Theo anh Huy, năm 2015, anh mua căn hộ này và gần như trở thành công dân đầu tiên sống trong chung cư. 2 năm đầu tiên, anh được bà con bầu vào Ban quản trị của chung cư mini, nhưng sau đó do công việc bận nên xin thôi. Trong quá trình họp dân cư, anh và mọi người trong ban quản trị luôn đề cao công tác PCCC và tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC để thoát thân.
“Thời điểm đó, tôi đã mua thang dây thoát hiểm có chiều dài 25m, với giá tiền 800 nghìn đồng và mở cửa lối thoát hiểm thứ 2 qua ban công mặt phía sau của chung cư mini”, anh Huy nhớ lại. Khoảng 23h10 đêm 12/9, anh Huy cùng vợ Nguyễn Thị Hương và hai con Đinh Duy Anh, học lớp 10 và Đinh Nguyễn Mạnh Hùng, 5 tuổi đã lên giường đi ngủ. Đến khoảng 23h25, anh nghe thấy kêu cháy và phát hiện ra khói bắt đầu vào nhà. “Tôi bảo gia đình, đầu tiên là phải bình tĩnh, lấy khăn ướt để bịt mũi tránh hít phải khí độc; đồng thời trao đổi với vợ không thể thoát bằng cầu thang bộ mà phải thoát hiểm qua ban công. Tôi vội lấy thang dây và lấy chìa khóa mở khung cửa sắt lối thoát nạn thứ 2".
Cũng theo lời kể của anh Huy, thời điểm đó, khi thấy anh Huy quăng thang dây thoát hiểm xuống đất, thì có 3 mẹ con ở tầng dưới (tầng 2) cùng trục với nhà anh chui ra và bám vào thang dây đi xuống đất an toàn.
Nhà chị Trang - anh Trung gồm có 5 người, ở tầng 6, cũng đã thoát khỏi vụ cháy khi sử dụng kỹ năng PCCC. Trước đó, gia đình đã chuẩn bị sẵn búa thoát hiểm gần khu vực lối thoát nạn thứ 2. Lúc xảy ra cháy, gia đình anh chị Trang - Trung không tìm thấy chìa khóa, đã sử dụng búa thoát hiểm đập ổ khóa, mở tung chuồng cọp chui sang mái nhà bên cạnh thoát nạn.
Những năm qua xảy ra nhiều vụ cháy liên quan đến nhà trọ, chung cư mini do không đảm bảo an toàn PCCC, gây hậu quả nặng nề về người và tài sản. Thông thường, các nạn nhân sẽ chết vì ngạt khói độc trước khi chết cháy. Thế nên, ngoài các bình cứu hoả dự trữ, phải chuẩn bị sẵn mặt nạ chống độc, các trang bị hỗ trợ thoát hiểm như: dây thừng, thang dây, dây thoát hiểm, búa để phòng ngừa những trường hợp không may xảy ra…
Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, nguy cơ xảy ra cháy tại nhà trọ, nhà cho thuê thường bắt nguồn từ nguyên nhân cháy do điện. Cụ thể: quá tải khi cắm nhiều thiết bị sử dụng điện trên cùng ổ cắm; sạc thiết bị điện (xe máy, xe đạp điện qua đêm); do câu móc, đấu nối đường dây điện; do chập điện...; do đun nấu (sử dụng bếp điện hoặc bếp gas); do thắp hương, đốt vàng mã; do tồn chứa nhiều hàng hóa, chất lỏng dễ cháy để trong nhà; do cố ý đốt hoặc vô ý đốt…
Những lưu ý khi có cháy xảy ra
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã đưa ra khuyến cáo về 4 bước thực hiện khi xảy ra cháy:
Bước 1: Khi phát hiện ra đám cháy phải lập tức ngắt cầu dao của khu vực đang xảy ra cháy hoặc ngắt điện của toàn bộ ngôi nhà.
Bước 2: Nhanh chóng sử dụng bình chữa cháy (bình chữa cháy khí, bột … ) để dập lửa, hoặc sử dụng chăn, quần áo, rèm cửa… nhúng nước che phủ bao trùm toàn bộ diện tích thiết bị điện đang cháy (tuyệt đối không được sử dụng nước để dập cháy khi chưa cắt điện).
Bước 3: Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC và CNCH theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, Công an xã, phường gần nhất.
Bước 4: Trường hợp cháy bị mắc kẹt tại các tầng trên cao thì phải nhanh chóng dùng khăn ướt bịt mũi, miệng di chuyển ra ngoài ban công hoặc trổ mái sang nhà hàng xóm để tiến hành thoát nạn và chờ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH kịp thời giải cứu.