Ngư dân miền Trung vững vàng vươn khơi

Thứ Hai, 01/05/2023, 10:38

Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương và phi lý trên Biển Đông nhưng ngư dân các tỉnh miền Trung nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng vẫn vươn khơi khai thác xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chúng tôi đến cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) vào một ngày cuối tháng 4 và dễ dàng bắt gặp không khí làm việc khẩn trương, hối hả nơi đây. Nhiều tàu cá đang chuẩn bị để xuất bến vươn khơi với hy vọng về một chuyến biển tôm cá đầy khoang, trong khi nhiều tàu cá sau chuyến biển khơi trở về cập cảng để tiêu thụ số hải sản đánh bắt được.

vuon_khoi_Ai_Trinh-1682912810527.jpg
Tàu cá của ngư dân Bình Định vươn khơi tại khu vực cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn.

Đang tất bật chuẩn bị nhu yếu phẩm và các vật dụng cần thiết cho chuyến biển khơi sắp tới, ông Nguyễn Sang (SN 1971, trú phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn) tranh thủ chia sẻ với chúng tôi, tàu cá số hiệu BĐ-96068TS của ông có chiều dài 15,8m, công suất 420CV, chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương ở ngư trường truyền thống Trường Sa và Hoàng Sa. "Chỉ trừ khi sản lượng thu được ít, cá bán rẻ quá, không bù được phí tổn thì chúng tôi mới không đi khai thác thôi, chứ lệnh "cấm biển" của Trung Quốc chúng tôi không quan tâm do đây là điều hết sức phi lý. Chúng tôi cứ thực hiện đúng pháp luật của Việt Nam là được", ông Sang thể hiện quan điểm.

Cũng tại cảng cá Tam Quan, anh Bùi Văn Xếp (SN 1981, trú phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn), chủ tàu cá số hiệu BĐ-97738TS, có chiều dài 18,5m, công suất 800CV cùng các thuyền viên tàu cá đang hối hả bốc dỡ cá ngừ đại dương khai thác được lên cảng và bán cho bên thu mua.

Anh Xếp bảo, tàu của anh làm nghề câu cá ngừ đại dương gồm 1 thuyền trưởng và 4 thuyền viên; chuyến biển này kéo dài 20 ngày, khai thác được 1.050 tấn. Với giá cá hiện nay là 95.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, mỗi thuyền viên nhận được 11 triệu đồng. "Họ (Trung Quốc - N.V) cấm cứ cấm, mình cứ đánh bắt ở ngư trường vùng biển của mình. Ngư dân xem biển là nhà, là nguồn kế sinh nhai nên không ai cấm được chúng tôi vươn khơi, bám biển ở vùng biển của Việt Nam mình cả", anh Xếp bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Hữu Hào, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định, trước lệnh "cấm biển" đơn phương và phi lý của phía Trung Quốc, Hiệp hội đã chủ động, tích cực thông tin, tuyên truyền để ngư dân chấp hành đúng pháp luật khi đánh bắt trên biển; hỗ trợ, vận động ngư dân yên tâm ra khơi bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định chia sẻ, Bình Định là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng tàu khai thác xa bờ ở Biển Đông phục vụ xuất khẩu với 3.243 tàu khai thác hải sản vùng khơi. "Chi cục Thủy sản Bình Định sẽ phối hợp chính quyền các địa phương ven biển tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân hiểu rõ về chủ quyền biển, đảo Việt Nam có quyền khai thác, đồng thời không vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép. Bên cạnh đó, hướng dẫn cho ngư dân đánh bắt cá theo mô hình tổ, đội sản xuất nhằm hỗ trợ nhau trong lúc gặp nạn trên biển, giúp tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ hậu cần, đánh bắt hiệu quả", ông Bình thông tin thêm.

Theo ngành chức năng tỉnh Bình Định, đến nay, toàn tỉnh Bình Định đã thành lập được 723 tổ đội đoàn kết với 2.878 tàu cá; 1 nghiệp đoàn nghề cá tại phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn với 141 tàu câu cá ngừ đại dương tham gia.

Ái Trinh
.
.
.