Một học sinh tử vong trong vụ 600 học sinh trường iSchool Nha Trang ngộ độc thực phẩm
Liên quan vụ việc 600 học sinh Trường tiểu học, THCS & THPT Ischool Nha Trang ngộ độc thực phẩm, trong thông cáo báo chí của Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa phát đi cuối buổi chiều 20/11 xác nhận một trường hợp đã tử vong trong hành trình chuyển viện từ Khánh Hòa vào TP Hồ Chí Minh.
Tử vong trong hành trình chuyển viện
Nạn nhân có tên nước ngoài, bố là người ngoại quốc, mẹ người Việt Nam, hiện là nam sinh lớp 1 (SN 2016, trú ở xã Vĩnh Hiệp, TP Nha Trang). 1h32’ ngày 18/11, bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện 22-12 trong tình trạng nôn ói nhiều, mệt, đau bụng, chẩn đoán viêm dạ dày, ruột cấp và hạ K máu.
Đến chiều 19/11, bệnh trạng nặng hơn với dấu hiệu mệt, lơ mơ, co giật, tím, ngưng tim; chẩn đoán sốc nhiễm trùng do ngộ độc thực phẩm.
17h46’ bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trong tình trạng lơ mơ, da trắng bệch, huyết áp tụt 80/60mmHg, tim nhanh 180 lần/phút, tăng trương lực cơ toàn thân, co giật, khó thở, phải xử trí an thần, thở máy, truyền dịch, sử dụng thuốc kháng sinh, vận mạch.
Đến 6h40’ sáng 20/11, bệnh nhân sốt 39 độ, huyết áp và nhịp tim phụ thuộc vận mạch, thở máy ống nội khí quản, dấu hiệu suy đa phủ tạng, phải sử dụng 3 loại kháng sinh. Theo chỉ định của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hóa, 8h30’ sáng cùng ngày, bệnh nhân phải chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh khi đang sốt 39 độ, huyết áp tụt 80/60mmHg, nhịp tim 180 lần/phút, phụ thuộc vận mạch, thở máy ống nội khí quản, sử dụng thuốc Tiemam, Ciprobay. Dobutamin, Noradrenalin, Adrenlin, truyền dịch, an thần. Tuy nhiên khi đang trong hành trình qua địa phận Ninh Thuận, bệnh nhân đã tử vong.
UBND TP Nha Trang đã thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bệnh nhân 21 triệu đồng, Ban giám hiệu Trường Ischool Nha Trang cũng đã đến gia đình nạn nhân động viên, hỗ trợ, Sở Ngoại vụ phối hợp Công an tỉnh Khánh Hòa thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật đối với người nước ngoài tử vong.
Viện Pasteur Nha Trang đang xét nghiệm vi sinh
Theo Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, trước đó vào ngày 17/11, Trường Ischool Nha Trang tổ chức bữa ăn trưa cho 880 học sinh được chia làm hai suất 10h30 và 11h30. Thực đơn gồm các món cơm gà, sốt trứng, gỏi gà trộn cà rốt, bắp súp, rau răm; cánh gà chiên; dưa leo và canh chế biến từ xương heo, cà rốt, cải thảo. Bữa ăn xế lúc 13h30’ là bánh ngọt Paparoti, còn nước uống là hệ thống nước lọc tại trường.
Khoảng 16h30 đến 17h chiều cùng ngày, tức là 5h sau khi ăn, một số học sinh khởi phát triệu chứng đau bụng, tiêu chảy nhiều lần. Đến 22h đêm hôm đó và ngày hôm sau (18/11) xuất hiện thêm triệu chứng sốt, nôn ói, nên nửa giờ sau gia đình đã đưa các nạn nhân đến các cơ sở y tế ở TP Nha Trang.
Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến 11h trưa nay (20/11) có 600 ca ngộ độc đến các cơ sở y tế, trong đó có 360 học sinh phải nhập viện điều trị nội trú, 93 trường hợp đã xuất viện, 1 trường hợp tử vong, hiện cón 266 học sinh vẫn còn lưu lại tại các Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang, Bệnh viện 22-12, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Nha Trang, Bệnh viện Quân y 87 và Bệnh viện Sài Gòn – Nha Trang. Điều đáng nói là trong số bệnh nhân còn đang điều trị nội trú có 21 trường hợp nặng.
Ngày 18/11, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế Khánh Hòa chủ trì phối hợp các cơ quan chức năng và địa phương điều tra vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể Trường Ischool Nha Trang do hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam đảm trách theo hợp đồng ký kết với nhà trường, đồng thời lập biên bản thu thập, niêm phong toàn bộ mẫu thức ăn trưa và xế 17/11 còn lưu lại để trưng cầu Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm vi sinh, xác định nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm. Sau khi tiếp nhận mẫu, Viện Pasteur Nha Trang thực hiện quy trình kỹ thuật nuôi cấy, phân lập định danh vi khuẩn để có căn cứ xác định độc tố. Dự kiến ngày 23/11 sẽ có kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang.
Trung tâm Y tế TP Nha Trang đã tổng vệ sinh, khử khuẩn Trường Ischool Nha Trang bằng dung dịch Chloramin B. UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo khẩn các Sở Y tế, Giáo dục & Đào tạo tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm; không để các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm cung cấp suất ăn cho học sinh; tăng cường hoạt động giám sát phát hiện sớm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm để cảnh báo và dự phòng. Mặt khác, tập trung hướng dẫn, tổ chức, xây dựng mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học trên đia bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch, kịch bản, tổ chức ứng phó, xử lý, khắc phục hậu quả đối với ngộ độc thực phẩm lớn ở bếp ăn tập thể.