Miền Bắc chuẩn bị đón nhiều đợt mưa lớn diện rộng
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, sau đợt mưa lớn từ 8-10/6, miền Bắc sẽ còn đón thêm nhiều đợt mưa lớn diện rộng trong một tháng tới. Gần nhất khoảng từ chiều tối 14/6, miền Bắc lại đón mưa dông.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, từ nay cho đến đầu tháng 7, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có nhiều ngày mưa rào và dông, trong đó có khả năng xuất hiện một số đợt mưa vừa, mưa to diện rộng kéo dài khoảng 2-4 ngày.
Trước đó, từ đêm ngày 8/6 đến đêm 10/6, miền Bắc đã xuất hiện mưa lớn với 2 tâm mưa. Tâm mưa ở Quảng Ninh, Hải Phòng có lượng mưa phổ biến từ 200 – 300mm, có nơi như Quảng Hà và Móng Cái (xấp xỉ 400mm).
Tâm mưa ở Hà Giang có lượng mưa phổ biến từ 100 – 200 mm, có nơi trên 400mm. Trong đó từ 19h00 ngày 8/6 đến 13h00 ngày 10/6/2024, lượng mưa tại xã Quảng Ngần, Vị Xuyên là 447 mm, tại Tân Lập, huyện Bắc Quang 381,2mm, tại xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên 354mm.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định, đây là lượng mưa lớn trong tháng 6, gây ngập lụt nhiều nơi ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Giang và một số nơi ở vùng núi phía Bắc. Lũ quét, sạt lở đất và lũ đã xuất hiện trên một số sông suối khu vực miền núi phía Bắc.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, khoảng ngày 14 – 16/6, khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng trở lại. Trong đó, khu vực trung du và vùng núi có khả năng lại xảy ra các đợt mưa vừa, mưa to. Các địa phương cần chủ động thực hiện các phương án ứng phó, theo dõi sát các bản tin dự báo, cảnh báo trong thời gian tới.
Cũng trong tháng tới, tại Tây Nguyên và Nam Bộ, gió mùa Tây Nam tiếp tục hoạt động mạnh với cường độ từ trung bình đến mạnh, mưa có khả năng gia tăng hơn cả về diện và lượng mưa, tập trung trong những ngày đầu tháng 7.
Dự báo một tháng tới, tổng lượng mưa trên cả nước cao hơn từ 20-60% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ thấp hơn từ 20-60%.