Hạnh phúc khi cùng nhau hiến máu
Hơn 1.000 đơn vị máu an toàn là những gì mà gia đình ông Lê Đình Duật và bà Lê Thị Kim Dinh (Thanh Xuân, Hà Nội) cùng các con cháu đã hiến và vận động cho người bệnh suốt 23 năm qua, cứu bao con người bên bờ sinh tử.
Cùng với gia đình ông Duật, còn rất nhiều gia đình, dòng họ hiến máu tiêu biểu hàng trăm lần được tôn vinh trong chương trình "Gặp mặt gia đình hiến máu tiêu biểu năm 2022" do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức sáng 25/6 nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6).
Cả gia đình cùng làm thiện nguyện
Ngoài 70 tuổi, song ông Ngô Đình Duật còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Ông và vợ là bà Lê Thị Kim Dinh là trụ cột trong phong trào vận động hiến máu tình nguyện của gia đình nói riêng và quận Thanh Xuân nói chung. "Gia đình tôi có 7 người tham gia hiến máu thường xuyên gồm: Tôi, vợ, 2 con gái, con trai út, con dâu và cháu ngoại, đã hiến được 212 đơn vị máu. Đến nay, gia đình tôi đã vận động được 1.076 người tham gia hiến máu tình nguyện, đạt 989 đơn vị máu an toàn, còn thiếu 11 đơn vị là đủ 1.000. Chúng tôi phấn đấu hết năm nay vận động được trên 1.000 đơn vị máu", ông Duật tự hào chia sẻ.
Bắt đầu hiến máu tình nguyện từ năm 2000, ông Duật cùng vợ không nhớ hết những kỷ niệm vui buồn trên hành trình hiến máu cứu người của mình. Song, điều đọng lại và tự hào nhất của họ là đã vận động các con cháu trong gia đình và người thân, bạn bè, hàng xóm, thanh niên, sinh viên… hiến máu. Đến nay, trong gia tài hiến máu đồ sộ của gia đình ông có rất nhiều bằng khen, giấy khen cho những nỗ lực của hai ông bà. Đặc biệt, trong những năm vừa qua, 3 người trong gia đình gồm: Ông, bà và cô con gái thứ 2 được vinh danh "Người tốt, việc tốt Thủ đô". "Năm ngoái cả gia đình hiến được 447 đơn vị máu. Lúc đông nhất vận động được 66 người đi hiến máu. Năm nay, cháu ngoại tôi vừa đủ 18 tuổi cũng đã tham gia hiến máu lần đầu tiên", ông vui vẻ nói.
Ông Duật rất tự hào về cô con gái thứ 2 - chị Lê Thanh Nam, đã 96 lần hiến máu và người con trai út là Lê Quyết Thắng, 84 lần. Chị Nam trước là tình nguyện viên của Hội chữ thập đỏ TP Hà Nội. Nối tiếp truyền thống hiến máu của gia đình, năm 2005, chị Nam đã gia nhập Khoa Vận động và tổ chức hiến máu của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương; hiện chị đang công tác tại bộ phận tổ chức hiến máu của Khoa Tiếp nhận máu. Con gái đầu của chị Nam - cháu Đào Ngọc Linh vừa tròn 18 tuổi đã trở thành thành viên thứ 7 của gia đình tham gia hiến máu. "Trước đó tôi có hỏi cháu "sinh nhật 18 tuổi con thích làm gì?". Cháu trả lời "con thích hiến máu". Đúng ngày sinh nhật, con "trốn" mẹ đi hiến máu. Hôm đó, con thi thử đánh giá năng lực ở Đại học Quốc gia, thi xong con sang Viện Huyết học hiến máu luôn, sau đó mới nhắn tin cho mẹ. Con nói rằng, vui nhất là đã làm được việc có ý nghĩa vào ngày sinh nhật 18 tuổi", chị Nam chia sẻ.
Bế con gái hơn 2 tuổi từ phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) đến hiến máu, chị Vũ Thị Kim Ngân, giảng viên Trường Đại học Phương Đông xúc động cho biết: "Đây là lần đầu tiên cả gia đình cùng đi hiến máu. Bản thân tôi là người yêu thiện nguyện và muốn dành việc tốt đẹp cho mọi người xung quanh. Vì thế sau mỗi 6 tháng, tùy địa điểm nơi nào gần nhà nhất tổ chức tiếp nhận máu là tôi lại đi hiến".
Lần đầu tiên chị Ngân hiến máu là tại trường học nơi chị công tác, đến nay chị đã hiến máu tình nguyện 9 lần, còn chồng chị - anh Trần Văn Hùng đây là lần thứ 2. "Máu rất quan trọng với mỗi người và trong trường hợp đặc biệt thì máu càng quan trọng hơn. Vì thế, tôi muốn chia sẻ điều quan trọng này cho người bệnh, đơn thuần chỉ muốn máu của mình cứu được người bệnh nào đó. Hôm nay đưa con gái đi theo, cũng là muốn em bé biết yêu thương, chia sẻ ngay từ khi còn nhỏ", chị Ngân nói.
Mô hình cần nhân rộng
TS.BS Nguyễn Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia cho biết, gần 30 năm ra đời phong trào vận động hiến máu, quan niệm hiến máu đã thay đổi, nhận thức của người dân về hiến máu đã có sự chuyển biến rõ rệt, rất nhiều cá nhân, cơ quan, đoàn thể, tổ chức trong xã hội tích cực tham gia hiến máu tình nguyện. Bằng chứng là người đã tham gia hiến máu thì hiến máu nhắc lại và hiến máu thường xuyên. Xuất hiện nhiều gia đình hiến máu, dòng họ hiến máu và ngày càng lan tỏa thông điệp nhân văn trong mỗi gia đình, lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng xã hội. Ở Bắc Giang đã tổ chức tôn vinh gia đình, dòng họ hiến máu, có dòng họ có đến gần 100 người tham gia hiến máu tình nguyện…
Tại lễ tôn vinh, tôi gặp rất nhiều gia đình hiến máu, trên gương mặt của họ là niềm hạnh phúc, niềm tự hào khi làm việc có ích cho đời. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Quán (SN 1957, ở tổ 24 phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), do nhận thức được hiến máu có lợi cho mọi người, ông thấy mình cần có trách nhiệm với cộng đồng. Khi người bệnh nặng được cứu sống bằng chính giọt máu của mình, nhìn mọi người vui cười, khỏe mạnh thì ông mới thấy hạnh phúc.
Gia đình ông Quán có 5 người thường xuyên hiến máu trong 9 năm qua. Vợ chồng ông đã quá tuổi hiến máu nhưng lại rất tích cực, hăng hái đi vận động người hiến máu tình nguyện. "Tôi và bà ấy đã có "thâm niên" hiến máu liên tục 10 năm nên rất hiểu, vì thế khi đi vận động, nhất là vận động các cháu sinh viên thuê trọ gần nhà, ban đầu khó khăn lắm. Sau nghe tôi giải thích hiến máu không có hại cho sức khỏe mà còn tái tạo nguồn máu mới, các cháu cứ hiến thử một lần xem. Sau đó các cháu nghe theo, hiến thử lần 1, rồi lần 2, lần 3", ông Quán nói.
TS.BS Trần Ngọc Quế cho biết, trong 2 năm đại dịch, ở một số thời điểm bị thiếu trầm trọng. Nếu không có những tấm lòng nhân ái, sẻ chia những giọt máu yêu thương của mọi người thì rất khó khăn cho công tác cấp cứu và điều trị. "Nhiều năm trước thường thiếu máu vào dịp hè và Tết do 80% máu tiếp nhận từ lực lượng sinh viên, nay chúng tôi đã có phương án vận động các cơ quan, bộ, ngành, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức… nên không thiếu máu trong dịp hè. Người dân giờ đã hiến máu định kỳ, thường xuyên chứ không hiến trong thời điểm nhất định", TS Quế nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, hạnh phúc gia đình là tình cảm vô cùng thiêng liêng, không chỉ là tình yêu, tình thương, đó còn là sự thấu hiểu, sẻ chia, đồng hành cùng nhau dù vinh quang hay gian khó. Hạnh phúc ấy có thể nảy nở từ những điều bình dị nhất, đơn giản như cùng nhau hiến máu cứu người. Số lượng những gia đình hiến máu và hiến máu thường xuyên ngày càng tăng lên cho thấy sự quan tâm hưởng ứng của các gia đình ngày càng lớn. Chính có những gia đình hiến máu thường xuyên đã đem đến nguồn máu rất quý giá, trong thời điểm thiếu máu ngắn có thể huy động được. Đây là mô hình cần nhân rộng.