Hai người đàn bà bán rau thậm khổ vẫn làm từ thiện
Trong cuộc đời này, cho dù nghèo nàn, cho dù khó khăn cùng cực nhưng sự cho đi, sự chia sẻ không cần mốc nào, chẳng phải đợi giàu hay đợi có thời gian. Mốc duy nhất, đó là tấm lòng của mình mà thôi.
Tình cờ có việc qua chung cư VOV ở Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội tôi khá bất ngờ khi thấy một phụ nữ gầy gò, khắc khổ, đang đứng trước chiếc xe đạp chở đầy rau, treo tấm biển: Rau tặng, mời bà con cô bác đến lấy để ăn. Tôi hỏi, sao chị không bán mà lại tặng? Chị bảo: “Dịch này nhiều người khó khăn lắm, mọi hôm tôi tặng các bếp từ thiện, các chú lái xe vào tận nơi để lấy. Hôm nay chủ nhật, bếp nghỉ nên tôi hái tặng bà con”.
Cảm động trước tấm lòng của chị, tôi đợi chị tặng hết chỗ rau rồi xin phép theo về nhà để chuyện trò với chị. Men theo bờ mương một quãng dài đầy cây cỏ dại, dưới cái nắng chói chang, cuối cùng tôi cũng vào được “nhà” của chị. Nói là nhà, nhưng thực chất là túp lều khoảng 5m2 được ghép bằng những mảnh tôn, cọc gỗ, ở ven bờ mương cạnh chung cư VOV.
Dù cách chung cư 1 bức tường nhưng đây dường như là một thế giới khác, không ồn ào, không bê tông cốt thép, thậm chí đến những vật dụng tối thiểu của cuộc sống bình thường như ti vi, tủ lạnh cũng không. Trong “nhà”, có 1 tấm vạc giường kê sát mặt đất, 1 cái quạt điện, bên cạnh là lỉnh kỉnh nồi niêu, xoong chảo, xô chậu. Đối diện “nhà” của chị, chếch về hướng Tây độ 3-4m là “ngôi nhà” của chị gái của chị. “Nhà” của người chị gái còn bé hơn, chiều ngang chắc chỉ 1,5m, chiều dài 2m, đủ kê tấm vạc giường đơn và vài thứ đồ linh tinh. Hai chị em sống cạnh nhau nhưng ở riêng, ăn riêng bởi người ăn chay, người ăn mặn.
Chị cho biết, mình tên là Phạm Thị Sơ, SN 1966, chị gái là Phạm Thị Sứ, SN 1962, đều quê ở Thường Tín, Hà Nội. “Nhà tôi nghèo lắm, có 10 anh chị em nhưng một anh đi bộ đội hy sinh ở Lào Cai nên còn 9. Bố mẹ mất lâu rồi, anh chị em cũng đã già nhưng đều nghèo, chỉ có 1 anh công tác trên Bắc Giang là khá hơn".
Tôi hơi ngại vì chỉ mang 1 suất quà, nhưng chị Sơ gạt đi: "Không lo cô ạ, chị em tôi ăn chẳng bao nhiêu. Chia ra ăn qua ngày thôi mà. Các chú lái xe vào xin rau cũng hay cho chúng tôi gạo, mắm”.
Rồi chị kể con đường chị đến với bờ mương này. "Tôi khổ lắm, không biết diễn tả thế nào. Năm 1999, tôi hơn 30 tuổi. Ở quê như thế là ế chồng nên chấp nhận làm vợ hai một người đàn ông trong xã, hơn tôi gần 20 tuổi. Ông ấy từng lấy 1 đời vợ, nhưng do ông ấy nát rượu, thường xuyên đánh đập vợ con nên vợ cả mang con bỏ đi. Không ngờ, lấy ông ấy là quãng đời cùng cực của tôi bởi chồng không chịu làm ăn mà thường xuyên rượu chè, đánh đập tôi.
Năm 2000, tôi sinh cháu trai nhưng chồng vẫn chứng nào tật đấy, đánh tôi đến chết đi sống lại. Không chịu nổi, khi con gần 1 tuổi tôi ôm con về nhà ngoại nhưng lúc đó, bố mẹ đã mất, anh trai cả không cho ở vì quan niệm lấy chồng phải theo nhà chồng. Không còn con đường nào, tôi bế con về Hà Nội lang thang gầm cầu, góc phố, hai mẹ con ai cho gì thì ăn. Nhiều hôm con ốm sốt cũng không biết phải làm thế nào. Thấy mẹ con tôi vất vưởng, anh trai thứ công tác ở Bắc Giang gọi về, chăm sóc.
Vợ chồng bác ấy nuôi cả mẹ, cả con đến khi con được hơn 2 tuổi, tôi gửi con cho anh chị, về Hà Nội 1 mình đi nhặt rác. Hai bác ấy nuôi thằng bé đến tận bây giờ, cho đi học. Khi cháu học hết lớp 12, hai bác cho học nghề nấu ăn, đầu năm nay cháu xuống Hà Nội xin được làm trong 1 nhà hàng. Tuy nhiên, mới làm được hơn 1 tháng thì bị dịch nên phải nghỉ, hiện thuê trọ cùng mấy người bạn nên cũng rất khó khăn, tôi cũng chả giúp gì được. Hai mẹ con ở cùng thành phố mà không thăm nhau được vì không có giấy đi đường, cũng không có phương tiện”.
Theo lời chị Sơ thì sau khi gửi con ở nhà anh trai, chị xuống Hà Nội nhặt rác, thấy có nhiều khu đô thị, nhà đầu tư đã đền bù cho dân nhưng chưa xây dựng, cỏ mọc nhiều nên đã khai hoang, trồng rau để bán. Hàng ngày, chị ngủ vỉa hè, gầm cầu, sau đó dựng lều ngủ ngoài đồng. Mỗi khu ở được 1 thời gian thì người ta lại xây dựng nên lại chuyển đi nơi khác. Đến nay, ở khu này đã được gần 10 năm.
“Bà chị gái ở quê khó khăn cũng xuống ở cùng. Hai chị em khai hoang, trồng rau, hàng ngày bán cho các hàng cơm. Do dịch nên hàng cơm nghỉ, tôi hái tặng cho bếp từ thiện và bà con trong vùng". Rồi chị chỉ ra “cánh đồng” trước mặt cho biết, trước đây cỏ mọc lút đầu cô ạ. Hai chị em tôi ngày đêm cuốc xới, vỡ vạc. Không biết ngày tháng mưa nắng là gì, cứ vỡ được ít đất nào thì trồng rau lên đó, rau tốt lại hái đi bán. Hàng ngày, chỉ dám ngủ 3-4 tiếng, còn lại là bì bõm ngoài ruộng. “Thế mà giờ tôi cũng có “của ăn của để” rồi. Hàng tháng tôi dành tiền gửi cho anh trai để nuôi con nhưng anh không lấy, dồn tất cả lại rồi mua cho tôi mảnh đất ở Bắc Giang. Tôi dành dụm khi nào đủ tiền xây nhà là về Bắc Giang, mẹ con ở với nhau” – chị Sơ cho biết.
Chị cũng cho biết, dù ở bờ mương này gần 10 năm nhưng mới có điện được hơn 3 tháng nay nhờ tốp thợ xây dựng cho đấu điện với giá điện kinh doanh. “Nhưng chúng tôi cũng chả dùng hết mấy. Ban ngày lúc nào đi làm về thì buộc võng nằm cho mát, tối nóng lắm mới dùng quạt, chủ yếu là thắp sáng thôi”.
Nhìn “ngôi nhà” tuềnh toành, thiếu trước, hụt sau, tôi lo lắng trời mưa nước dột, chị Sơ cho biết, mưa thì che bạt, không thì đắp luôn bạt lên người. Mình là người lao động mà, khổ mấy chả chịu được. Cũng may ông trời thương cho sức khoẻ nên ít ốm. Tuy nhiên, chị Sứ thì khác, cuộc sống lam lũ khiến chị không chỉ già, yếu hơn bình thường mà còn nhiều bệnh tật.
“Tôi bị huyết áp cao, nhiều bệnh nữa. Năm ngoái nằm viện Y học cổ truyền của Bộ Công an hơn 1 tháng. Các y bác sỹ thương lắm, cho tôi ăn không mất tiền. Các bác ấy bảo nếu bà bị bệnh cứ vào đây có gì chúng cháu giúp. Tôi cũng có 2 con gái đấy cô ạ. Nhưng giờ còn làm được thì chưa nhờ con. Với ở đây gần bệnh viện của Bộ Công an nên tôi không muốn về. Xa bệnh viện, lỡ có việc gì thì chết…” – chị Sứ kể.
Tôi hỏi hai chị em có đăng ký tạm trú hay không, hai chị cho biết, do không hiểu biết gì, cũng không xin giấy ở đâu nên không đăng ký tạm trú. “Nhưng chú Cảnh sát khu vực, chú ấy thường xuyên qua đây ghi tên và danh sách quản lý. Chú ấy tốt lắm, thi thoảng có gì lại mang qua, bảo hai bà cần gì thì cháu giúp. Chú ấy còn vừa bảo chúng tôi đăng ký tiêm vaccine nữa đấy” – chị Sứ cho biết. Tôi hỏi về việc, sao các chị nghèo thế mà lại tặng rau cho bếp từ thiện và cho bà con bên chung cư, hai người phụ nữ khắc khổ trả lời: "Chúng tôi nghèo khổ, không giúp được gì cho xã hội. Đây là dịp để chúng tôi góp chút phần nhỏ bé để giúp người khác..."
Tạm biệt hai chị em, rời xa "ngôi nhà" chỉ có 1 cái sạp để ngủ, mấy cái xô chậu - không một mảy may nào của cuộc sống hiện đại. Chỉ bên kia bức tường, đó là khu đô thị cao tầng, khu biệt thự sang trọng, tôi hiểu rằng, trong cuộc đời này, cho dù nghèo nàn, cho dù khó khăn cùng cực nhưng sự cho đi, sự chia sẻ không cần mốc nào, chẳng phải đợi giàu hay đợi có thời gian. Mốc duy nhất, đó là tấm lòng của mình mà thôi…