Hà Nội giải quyết việc làm cho hơn 20 nghìn lao động trong tháng 7

Thứ Tư, 24/07/2024, 17:50

Thông tin của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, tính riêng trong tháng 7 này, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 20.839 lao động. Tính chung 7 tháng đầu năm, số lao động được giải quyết việc làm là 145.813 người (đạt 88,3 % so với kế hoạch năm)

Số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm là 1.663 lao động; số lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là 14.798 lao động.

Đẩy mạnh kết nối cung – cầu lao động, trong tháng 7, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm với 615 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 11.350 người. Tổng số lao động được phỏng vấn là 4.294 lao động. Số lao động được tuyển dụng tại phiên là 1.663 lao động.

Hà Nội giải quyết việc làm cho hơn 20 nghìn người trong tháng 7 -0
Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm để hỗ trợ người lao động tìm việc.

Liên quan đến công tác lao động việc làm, trong tháng 7, thành phố cũng đã ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 7.369 người, số tiền được hỗ trợ là 210,6 tỷ đồng; tư vấn giới thiệu việc làm 7.247 người; hỗ trợ học nghề 74 người, số tiền hỗ trợ học nghề là 297,7 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm luôn được thành phố coi trọng, quan tâm chỉ đạo. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

“Cùng với đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững. Đề xuất ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động...”, ông Nguyễn Tây Nam cho biết.

P.H
.
.
.