Phải phát triển thị trường lao động linh hoạt, bền vững và hội nhập

Thứ Bảy, 14/01/2023, 12:47

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra với ngành lao động, thương binh và xã hội tại Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức sáng 14/1/2023. 

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, năm 2023, thị trường lao động sẽ còn chịu nhiều tác động, biểu hiện ở việc đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, những xu hướng chuyển dịch lớn đang diễn ra. Do đó, nhiệm vụ của ngành là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, tận tâm, tấm lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc và bám sát thực tế.

Phải phát triển thị trường lao động linh hoạt, bền vững và hội nhập -0
Toàn cảnh hội nghị sáng ngày 14-1.

Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2022 vừa qua, riêng đối với lĩnh vực lao động việc làm, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vẫn còn tác động rất lớn. Do đó, công tác cứu trợ khẩn cấp triển khai có hiệu quả với nhiều chính sách đi trước, đi sớm, đời sống nhân dân cơ bản ổn định và từng bước được cải thiện. Cùng với đó, ngành cũng đã tích cực tham mưu các chính sách hỗ trợ hơn 104 nghìn tỷ đồng cho 68,67 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động.

Năm 2022, thị trường lao động cả nước đã có sự phục hồi tương đối khả quan. So với cùng kỳ 2021, lực lượng lao động 9 tháng đầu năm 2022 đạt 51,6 triệu người, tăng 1,2 triệu người. Số lao động có việc làm 9 tháng đầu năm 2022 đạt 50,5 triệu người, tăng 1,5 triệu người. Thu nhập của người lao động bình quân 9 tháng đầu năm 2022 là 6,6 triệu đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ 2021 (trong đó thu nhập của người làm công hưởng lương đạt 7,6 triệu đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2021).

Các giải pháp điều tiết thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã giúp thị trường lao động phục hồi nhanh chóng, đã giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần cùng cả nước phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước sau đại dịch COVID -19.

Tuy vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thừa nhận, vẫn còn một số tồn tại như: thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động và phát triển không đồng đều; tỷ lệ thất nghiệp chung thấp nhưng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp vẫn còn cao; cung lao động còn nhiều bấp cập, hạn chế; còn xảy ra tình trạng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ ở một số địa phương, ngành nghề; chất lượng việc làm thấp, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức lớn; trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động.

Phải phát triển thị trường lao động linh hoạt, bền vững và hội nhập -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, những kết quả đạt được của ngành lao động, thương binh và xã hội năm 2022 là rất tích cực, dù bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức.

“Ngành đã hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được giao. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh triển khai thực hiện. Trong lĩnh vực lao động việc làm, toàn ngành đã việc tăng cường kết nối cung - cầu lao động. Bộ đã tập trung thực hiện các biện pháp đảm bảo việc làm, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; hỗ trợ, thu hút người lao động quay trở lại làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa phương”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá.

Tuy vậy, những hạn chế cũng được người đứng đầu Chính phủ chỉ ra như: hiện nay thị trường lao động phát triển không đồng đều, chưa đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn còn khá cao. Cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm và nâng cao năng suất lao động. Công tác xây dựng nghiên cứu chiến lược có tính chất dài hơi cũng chưa được tập trung nghiên cứu. Một số vấn đề bất cập đã nhìn thấy rất rõ, như vấn đề mất cân bằng giới tính, già hóa dân số, thị trường lao động phát triển chưa đồng đều, chưa bền vững, chưa an toàn, các chính sách xã hội còn thiếu tính liên kết, chưa bao trùm đủ hết các đối tượng, chênh lệch mức sống giữa các vùng miền còn lớn…

“Do đó, để khắc phục những khó khăn, thách thức trong năm 2023, tôi đề nghị ngành lao động, thương binh và xã hội tới đây cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chiếm lĩnh để khắc phục những khó khăn, thách thức trong năm 2023. Yêu cầu tinh thần tỉnh táo, bình tĩnh, bản lĩnh trong công tác điều hành để vượt qua thời điểm khó khăn như trong tháng 10, 11/2022 vừa qua. Phương châm hành động năm 2023 là “Đoàn kết kỷ cương, Bản lĩnh linh hoạt, Đổi mới sáng tạo, Kịp thời hiệu quả” như đã được đề ra tại Nghị quyết 01 mới ban hành của Chính phủ. Cùng với đó trong điều hành phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có liên quan đến lĩnh vực; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu, điều hành chuyên sâu”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Phan Hoạt
.
.
.