Giấc mơ lính của người cựu binh - đại tá an ninh

Thứ Bảy, 14/01/2023, 14:15

Gọi anh là “người lính già” hoàn toàn đúng, anh từng là bộ đội xuất ngũ, học Đại học Tổng hợp rồi vào Công an; nghỉ hưu với quân hàm đại tá An ninh nhân dân. Từ khi là công dân “phố Lê Văn Hưu”, anh đã cùng bạn bè rong ruổi khắp mọi miền đất nước: thăm những danh lam thắng cảnh, đặc biệt là “về lại chiến trường xưa”, thắp hương tưởng nhớ các đồng đội đã ngã xuống vì hòa bình, thống nhất đất nước…

Những chuyến đi ấy đã giúp anh có thêm tư liệu, chất liệu để “bật lên” nhiều vần thơ ám ảnh về đời lính vào sinh ra tử; và không ít khuôn hình đẹp, đặc sắc về đất và người ở mỗi nơi đặt chân, được anh ghi lại trong những bức ảnh sinh động, dạt dào hơi thở của cuộc sống hòa bình, đổi mới.

141312424_1189175391501257_3143834057926927147_n.jpg -0
Đại tá, nhà báo Đinh Việt Dũng.

Ngày tôi từ Công an tỉnh Long An về nhận công tác tại Tạp chí Xây dựng lực lượng (thuộc Văn phòng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND) 25 năm trước, anh là một nhà báo đầy kinh nghiệm và đã mang quân hàm cấp tá. Lính mới tò tè, thấy ông anh hơi lạnh lùng nên tôi cũng giữ kẽ, không thân cũng chẳng sơ… Làm tạp chí đòi hỏi phải chịu khó đọc, nghiên cứu các nguồn tư liệu; trong lĩnh vực này, anh là người đầy kinh nghiệm vì bản thân học chuyên ngành Lịch sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Công việc khiến mấy anh em tạp chí ngày càng gắn bó với nhau, đặc biệt với tôi, khi biết anh từng là lính Quảng Trị từ 1972, thì thêm nể và quý mến người cựu binh, nhà báo Đinh Việt Dũng.

Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt. Để bổ sung lực lượng cho chiến trường, khắp miền Bắc diễn ra nhiều đợt tuyển quân diện rộng, hàng ngàn sinh viên các trường đại học và cả học sinh cuối cấp III Hà Nội hăng hái lên đường nhập ngũ. Đinh Việt Dũng đang học năm cuối trường cấp III Hà Nội A, nay là Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) và là con trai duy nhất trong gia đình có 2 anh em, nhưng đã đăng kí tòng quân. Không nhiều người biết khi đó, mẹ anh đang là Chủ tịch Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam; bố anh cũng là lãnh đạo trong một cơ quan của Quốc hội và từng là Trưởng ty đầu tiên của Công an Bắc Ninh trong kháng chiến chống Pháp.

Nhớ lại những ngày sục sôi khí thế ra trận, Đinh Việt Dũng kể: “Trong các đợt tuyển quân tháng Một và tháng Tư năm 1972, rất nhiều học sinh các trường cấp III Hà Nội lên đường ra trận. Ngay trước kỳ thi tốt nghiệp năm đó, nhiều lớp học cuối cấp vắng hoe, thầy cô vào lớp nhìn các dãy bàn trống mà chảy nước mắt. Tôi cũng là một trong những học sinh cuối cấp chưa thi tốt nghiệp đã lên đường nhập ngũ vào tháng Tư năm 1972”...

Giấc mơ lính của người cựu binh - đại tá an ninh -0
Người lính Đinh Việt Dũng tại Quảng Trị năm 1975.

Sau 3 tháng huấn luyện ở Hòa Bình, anh cùng đồng đội bắt đầu hành trình “đi B”, xuất phát bằng xe lửa từ ga Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội). Đường hành quân gian khổ, càng đi vào phía Nam càng thấy rõ sự khốc liệt của chiến tranh. Đến ga Thanh Hóa, đoàn quân xuống tàu và bắt đầu cuốc bộ, rồi “gặp gì đi nấy”. Đã có những trận bom đánh trúng đoàn hành quân, anh không khỏi bàng hoàng chứng kiến sự hi sinh của nhiều đồng đội. Vào đến Quảng Trị khi vừa qua “mùa hè đỏ lửa”, Đinh Việt Dũng được biên chế ngay về Tỉnh đội Quảng Trị và chính thức bước vào cuộc chiến ác liệt…

Ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, trong niềm vui vỡ òa, những người lính trẻ như Đinh Việt Dũng háo hức muốn được lập tức trở về nhà, song mảnh đất Quảng Trị từng bị chà đi xát lại bởi vô vàn loại vũ khí có tính sát thương cao, vẫn còn vô số bom mìn nằm trong lòng đất… Đơn vị anh được phân công ở lại làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, làm sạch đất đai để người dân trở về làm ăn, sinh sống. Đến đầu tháng 11/1975, anh cùng nhiều đồng đội mới được ra quân. Ngồi trong thùng xe lắc lư, nghiêng ngả trên quốc lộ 1, các cựu binh lặng lẽ nhìn lại những vùng đất Quảng Trị, nơi họ đã gắn bó suốt mấy năm trường đạn bom. Ven quốc lộ có những phần mộ liệt sĩ mới quy tập, trên nấm mồ đất còn rất mới là những tấm bia bằng mảnh tôn thùng lương khô, các dòng chữ tên, đơn vị, quê quán… được đục lỗ chỗ bằng đinh. 

Xuống tàu hỏa từ ga Hàng Cỏ sau gần bốn năm xa Hà Nội, Đinh Việt Dũng đi như chạy về ngôi nhà thân quen ở đầu phố Trần Hưng Đạo. Lướt chân trên phố phường thân thương mà lòng anh bâng khuâng: “Vậy là mình còn sống để trở về!”; rồi anh chạnh lòng nhớ tới những bạn bè đã nằm lại nơi chiến trường.

Đinh Việt Dũng cảm nhận rõ Tết Bính Thìn 1976 thật hạnh phúc khi được đón mùa xuân mới với gia đình sau 3 cái Tết chiến trường. Hà Nội năm 1976 bộn bề khó khăn, vất vả. Dư âm cuộc chiến vẫn còn hiện diện khắp nơi nhưng một nét xuân không thể lẫn của Hà Nội là chợ hoa Hàng Lược đầy màu sắc và nụ cười mộng mị của những cô gái Hà Nội bên Hồ Gươm lộng gió.

Giấc mơ lính của người cựu binh - đại tá an ninh -0
Nhà báo Đinh Việt Dũng (thứ 2 từ phải sang) thời kì công tác tại Tạp chí Xây dựng lực lượng CAND.  

Giữa năm 1976, Đinh Việt Dũng vào học Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp. Sau khi tốt nghiệp, anh công tác tại Phòng Tham mưu Công an TP Hà Nội và đến 1994 thì chuyển sang Tổng cục Xây dựng lực lượng. Tuy lớn tuổi nhất nhì trong số gần chục cán bộ, phóng viên tạp chí nhưng Đinh Việt Dũng rất chịu khó đi cơ sở, tới những vùng sâu, vùng xa và có nhiều bài viết “Thực tiễn – Kinh nghiệm” công tác bảo vệ ANTT ở cơ sở; bài phản ánh về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, người tốt việc tốt. Quá trình làm nghiên cứu tổng hợp và công tác tạp chí, Đinh Việt Dũng đã xuất bản được một số sách biên khảo về lịch sử, tiểu thuyết “Bùa hình hai đầu thú” và nhiều bút kí, thơ đăng trên các ấn phẩm báo chí CAND…

Đến năm 2011, dù sức khỏe còn tốt, gia đình và cơ quan đều ổn và vui vẻ nhưng Đinh Việt Dũng bất ngờ xin nghỉ hưu sớm hơn 1 năm. Ngày đó, anh tâm sự với tôi: “Anh còn khỏe nên muốn hưu sớm để có thời gian thăm lại chiến trường xưa, thăm bạn bè; rồi đi “phượt” biết thêm những vẻ đẹp của đất nước”… Và anh đã làm được những dự định đó. Từ những chuyến đi tự túc ôtô hoặc xe máy đến chiến trường xưa và nhiều vùng miền của Tổ quốc thân yêu, người cựu binh Đinh Việt Dũng đã có những bài thơ chứa đựng nhiều xúc cảm về cuộc chiến hào hùng, về những người đồng đội vào sinh ra tử một thời ở vùng đất lửa Quảng Trị.

Trong “Rưng rưng mắt lá” như một khúc ca tâm tình với những đồng đội nằm lại nơi chiến trường, anh viết:

Nghĩa trang… rưng rưng mắt lá
Mênh mang tiếng gió ru dài
Tóc buông hoàng hôn sương khói
- “Eng về Quảng Trị tìm ai?”
Tôi về tìm lại thời trai
Gio Linh, Cồn Tiên, Ái Tử
Quân đi trùng trùng, súng nổ
Đạn bom tuổi trẻ một thời…
Đâu đây còn vọng tiếng cười
Một sớm mùa khô trên chốt
Đâu đây ánh mắt một người
Con gái Đông Hà hay hát.
Mùa mưa chập chùng miền Tây
Ai qua Khe Sanh, Lao Bảo…
Mũ tai bèo nghiêng trong bão
Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa.
Bây giờ trở lại… ngày xưa
Ngày chúng mình hai mươi tuổi
Quảng Trị
Chợt nắng
Chợt mưa
Cổ Thành rưng rưng hương khói…
Bến vượt vọng lời bạn gọi
Thì thầm vạn tiếng: “Mẹ ơi. . .”
Thạch Hãn một dòng trôi xuôi
Sông xanh ru hồn lính trẻ. . .

Rồi anh nhớ đến những cơn mưa của lính –những giấc mơ vẫn ám ảnh anh cho đến tận hôm nay, trong “Đêm mưa tháng Tư” (trích thơ Đinh Việt Dũng):

Trong đêm sâu, mưa tháng Tư gõ cửa
Chẳng ngủ được đâu, ký ức ùa về
Đêm rừng già, nhà là tăng, võng
Đại bác cầm canh đã đốt cháy cơn mê. . .
Tháng Tư xưa sao mà vô tư thế
Vành mũ quân nhân ghi: Nhớ Hà Thành
Bởi những tân binh mới rời cây bút mực
Còn đỏ má bầu khi thôn nữ gọi: “Anh”.
Hành quân xa khắp nẻo đường trận mạc
Ba lô nặng vai, níu bước chân gầy
Dốc lưng trời, tươm ống quần rớm máu
Sốt rét run người húp cháo cầm hơi…

Quá khứ vẫn day dứt người cựu binh Đinh Việt Dũng dù đất nước đã yên ổn, hòa bình nhiều năm, như bài thơ “Buổi họp lớp sau chiến tranh” (trích thơ Đinh Việt Dũng):

Lớp tôi chia tay mùa hè bảy hai
Có nhiều bạn bè chưa tốt nghiệp
Tổ quốc gọi lên đường, hòa bình về học tiếp
Giấy tốt nghiệp đặc cách trước ngày thi.
Những cái nắm chặt tay, những tiếng nấc thầm thì
Ai đã từng thầm yêu trong những chàng trai ấy
Ánh mắt chia ly giữa mùa hè phượng cháy
Giai điệu ve đưa tiễn tuổi học trò. . .
Những thằng trai ngỗ nghịch chưa biết lo
Quai ba-lô còn vương màu mực tím
Đường hành quân xuống phía Đông đường Chín
Vẫn nghêu ngao bài hát “Hai mùa mưa. . .”
Vào mặt trận, bom pháo xé trang thơ
Những tân binh măng tơ - tôi lửa thép
Bàn tay học trò giữ tiểu liên điểm nhịp
Tiếng “Xung phong…” khắp Cam Lộ, Đông Hà...
Ngày trở về chiến địa với hương, hoa
Thạch Hãn xưa, bến vượt: nơi bạn tôi nằm lại
Cổ Thành hoa trắng, mầu mây xanh còn mãi…
- “Chúng mày ơi! Sao nhớ ngày xưa quá. . .”
Điểm danh lớp mình vắng mặt bốn bạn trai...

Ngoài những bài thơ giàu cảm xúc về người lính, Đinh Việt Dũng đã ghi lại nhiều bức ảnh đẹp về quê hương, đất nước suốt dặm dài từ Hà Giang tới Mũi Cà Mau. Đã có đêm anh dậy từ 3h sáng, cùng bạn bè leo núi để lúc bình minh ló rạng chụp được ảnh một thiếu nữ người Mông đi nương. Rồi những bức ảnh đẹp về làng cổ Đường Lâm, nét quyến rũ của sông Hương và tà áo dài tím Huế, những trầm tích và bản sắc văn hóa Tây Nguyên, Nam Bộ… đều được anh ghi lại bằng nhiều bức ảnh đặc sắc.

Hôm anh em gặp nhau tại quán cafe gần Hồ Gươm ngay trước Tết Dương lịch 2023, Đinh Việt Dũng bảo: “Năm nay, anh bước vào tuổi 70. Ra giêng ấm áp, anh và nhóm bạn lính sẽ làm một tua xe máy xuyên Việt!” – anh nói hồ hởi và tự tin, đúng như chất lính của một người cựu binh từng được “thử lửa” ở Quảng Trị năm xưa.

(Hà Nội, cuối Đông năm Nhâm Dần 2022)

Một số tác phẩm nhiếp ảnh của Đại tá, nhà báo Đinh Việt Dũng.

hang-kia---pa-co.jpg -0
Thiếu nữ Mông.
89833000_234917970974836_9201200324751130624_n.jpg -0
Gia đình.
duong lam.jpg -1
Làng cổ Đường Lâm.
Giấc mơ lính của người cựu binh - đại tá an ninh -0
Già làng.
Giấc mơ lính của người cựu binh - đại tá an ninh -1
Ngôi nhà trên triền núi.
Giấc mơ lính của người cựu binh - đại tá an ninh -2
Dấu ấn thiên tạo.
Giấc mơ lính của người cựu binh - đại tá an ninh -3
Mẹ già.
Giấc mơ lính của người cựu binh - đại tá an ninh -4
Chuyến đò trên dòng Hương Giang.
Giấc mơ lính của người cựu binh - đại tá an ninh -6
Ngư phủ.
Giấc mơ lính của người cựu binh - đại tá an ninh -7
Mặt tiền Metropole Hanoi, khách sạn cổ nhất Hà Nội.

Trần Duy Hiển
.
.
.