“Trái tim người lính miền Trung – Tây Nguyên" tiếp lửa nhiều thế hệ

Thứ Sáu, 16/12/2022, 15:00

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022), ngày 16/12, tại Đà Nẵng đã diễn ra Lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) “Trái tim Người lính miền Trung – Tây Nguyên”. Đồng thời, giới thiệu một số cuốn sách cùng chủ đề, do “Trái tim người lính” phối hợp với “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức bản thảo và ấn hành, có nội dung liên quan đến vùng đất miền Trung – Tây Nguyên anh hùng.

Tham dự lễ có Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Vũ Minh Nguyệt; Trung tướng Lê Ngọc Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục III (Bộ Công an); Trung tướng Đặng Vũ Sơn, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ; Tiến sĩ, Luật sư Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; ông Trần Đình Song – Đại diện tổ chức “Sáng kiến Trái tim Người lính” của Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng hàng trăm cựu chiến binh (CCB) tham dự.

“Trái tim người lính miền Trung – Tây Nguyên
Đại tá, CCB, nhà văn Đặng Vương Hưng, người sáng lập CLB “Trái tim người lính Việt Nam”trao quyết định thành lập Câu lạc bộ Trái tim người lính miền Trung - Tây Nguyên.
“Trái tim người lính miền Trung – Tây Nguyên
Các đại biểu tại Lễ ra mắt câu lạc bộ Trái tim người lính miền Trung - Tây Nguyên.

Tại Lễ công bố Quyết định thành lập CLB “Trái tim người lính miền Trung – Tây Nguyên”, Đại tá, CCB, nhà văn Đặng Vương Hưng (Người khởi xướng sự kiện “Mãi mãi tuổi 20” năm 2005; Sáng lập và Chủ tịch CLB “Trái tim người lính Việt Nam”) cho biết: Với tôn chỉ, mục đích  “Kết nối và Chia sẻ - Tôn vinh và Tri ân”, góp phần tiếp lửa truyền thống chống ngoại xâm của các CCB nhiều thế hệ với tuổi trẻ đang xây dựng và bảo vệ tổ quốc, CLB “Trái tim người lính”  hiện đã quy tụ được hàng trăm nghìn thành viên, ở khắp các vùng miền trên cả nước.

Không chỉ kết nối các CCB, để góp phần hàn gắn vết thương hậu chiến tranh và hoà hợp dân tộc, CLB “Trái tim người lính” còn hướng tới đối tượng là những người trẻ, nhưng đã, đang, hoặc sẽ mặc áo lính; những người thân của lính, cùng những người yêu hòa bình trên khắp thế giới; góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết cộng đồng và ngoại giao nhân dân; lan toả những điều tốt đẹp trong xã hội...

Tại Lễ công bố Quyết định thành lập CLB “Trái tim người lính miền Trung – Tây Nguyên”, Ban tổ chức cũng đã giới thiệu chùm tác phẩm của tủ sách “Trái tim người lính” với 2 tác phẩm nhật ký chiến trường đặc sắc do nhà văn Đặng Vương Hưng làm chủ biên, có nội dung liên quan đến vùng đất miền Trung – Tây Nguyên là “Tây tiến viễn chinh” và “Lính chiến”.

“Tây tiến viễn chinh” là cuốn nhật ký chiến trường của liệt sĩ Trần Duy Chiến (1957 – 1980). Anh sinh ra tại Quảng Nam, lớn lên ở Đà Nẵng và đã hi sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia.  

“Trái tim người lính miền Trung – Tây Nguyên
“Trái tim người lính miền Trung – Tây Nguyên
Trung tướng Lê Ngọc Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục III (Bộ Công an) tại Lễ ra mắt 2 tác phẩm nhật ký chiến trường đặc sắc “Tây tiến viễn chinh” và “Lính chiến”.

Trần Duy Chiến viết những trang nhật ký này khi anh mới nhập ngũ (ngày 7/10/1978) và khép lại trước ngày anh ngã xuống gần một tháng (25/6/1980) tại một vùng biên giới cực Tây của Campuchia. Đọc những trang nhật ký của anh, ta hiểu được tinh thần chịu đựng gian khổ, những hy sinh, vất vả mà anh và đồng đội phải vượt qua bằng một ý chí kiên cường và niềm tin lớn lao vào ý nghĩa của nhiệm vụ mình đang làm. Nhật ký “Tây tiến viễn chinh” được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép ấn hành. Cuốn sách được dư luận bạn đọc và xã hội đánh giá cao.

 “Lính chiến” là cuốn nhật ký chiến trường của Trung uý, CCB Phạm Hữu Thậm, mới được phát hiện trong năm 2022. Tác giả “Lính chiến” sinh năm 1945, tại Hải Dương, nhập ngũ năm 1968, có gần 10 năm liên tục chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ. 

Nhật ký “Lính chiến” không phải là chuyện văn chương mà là chuyện đời. Những câu chữ đã vượt qua khuôn khổ của một tác phẩm văn học thông thường. Cuốn sách đã chuyển tải tới người đọc rất nhiều thông tin trung thực về những người lính đã sống và chiến đấu tại chiến trường Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.  

Theo công văn của Sư đoàn 2 (Quân khu 5) do Sư đoàn trưởng Nguyễn Trung Thu ký năm 1996, đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung uý Phạm Hữu Thậm, trong 14 năm cầm súng tại chiến trường, CCB Phạm Hữu Thậm đã tham gia nhiều chiến dịch tiêu biểu, trong đó có Chiến dịch K700 Thượng Đức – Quảng Đà, tháng 3/1970; Chiến dịch giữ chốt Hòn Chiêng, tháng 5/1972...

Tổng cộng, ông đã trực tiếp chiến đấu 127 trận đánh vô cùng dũng cảm. Phạm Hữu Thậm còn bắn rơi 19 máy bay (trong đó có 4 chiếc phản lực và 15 trực thăng). Trong chiến đấu và công tác, ông đã được tặng thưởng 7 Huân chương Chiến công các loại, 4 lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, 4 lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt máy bay” cùng nhiều danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua” và “Chiến sĩ Quyết thắng”...

Hoài Thu
.
.
.