Đặc sản vùng cao hút khách

Thứ Hai, 25/01/2016, 10:27
Trước nhiều thông tin lực lượng chức năng phát hiện những kho thực phẩm, kho hàng không an toàn, gây bất an cho các bà nội trợ trong những ngày cận tết. Lo ngại như vậy nên tết năm nay, người tiêu dùng có sự dịch chuyển đặt hàng từ quê, các vùng cao về ăn tết. 

Theo đó, trong dịp này các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đặc sản của các vùng miền như thịt trâu gác bếp, thịt lợn mán, lạp xưởng, măng, miến sạch, nấm hương rừng… được nhiều người lựa chọn.

Chị Trần Thanh Vân (Hà Đông- Hà Nội) bán đặc sản vùng cao trên faebook cho rằng, ở Hà Nội giờ kiếm đặc sản các vùng miền còn dễ hơn ở chính tỉnh đó đi mua đặc sản.

Lý giải vấn đề này, chị Vân cho rằng, do nhu cầu và sức mua ở thành phố cao, của ngon nào cũng dành trở về Thủ đô, người tiêu dùng biết lựa chọn vừa được của ngon và giá thành hợp lý. Tuy nhiên, giá cả năm nay có nhiều biến động, một số mặt hàng tăng giá mạnh mà vẫn thiếu hàng. Đơn cử, như mặt hàng miến dong, măng khô… 

Trong đợt Tết này, nhiều người đặt hàng thịt trâu khô Sơn La, Yên Bái; lạp sườn, miến dong Cao Bằng; miến dong Yên Bái; nấm hương rừng, mộc nhĩ; tương ớt, măng ớt… nên lượng hàng tiêu thụ cũng khá mạnh. Về giá cả các mặt hàng, chị Vân cho biết, năm nay chỉ có một số hàng tăng giá, còn lại tăng không đáng kể.

Lý giải về giá mặt hàng miến dong tăng giá mạnh mà vẫn không có hàng, bà Hoàng Thị Hải (Cao Bằng) cho rằng, dong riềng năm nay mất mùa, thời tiết không thuận lợi đã đẩy giá lên cao. Tại vùng miến Phia Đéng (Nguyên Bình) trời mưa suốt, dân không sản xuất được dẫn tới giá bị đẩy lên cao. Hiện, giá bán buôn tại đây đã lên gần 100 nghìn/kg miến mà vẫn không có, chỉ nhà nào có “om” hàng thì có bán. 

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Vinh ở làng miến Giới Phiên (Yên Bái) cũng cho biết, tết là vụ làm ăn, tuy nhiên, thời tiết năm nay không ủng hộ người làm miến. Dong riềng mất mùa, cộng với trời mưa nên miến càng khan hiếm.

Bạn Nguyễn Thanh Phúc bán đặc sản Yên Bái online cho biết, mới đầu mua giúp cho người thân sau nhiều người ăn thấy ngon và hợp khẩu vị thì mình thiết kế bán một số đặc sản vùng như thịt trâu gác bếp, thịt lợn đen, lạp sườn hun khói… khách đặt hàng tới đâu lấy hàng về tới đó đảm bảo thơm ngon. 

Phúc cho biết, giá của thịt trâu gác bếp loại ngon nhất có giá bán 950 nghìn đồng/kg; trung bình tuỳ từng loại nhưng dao động từ 850-1 triệu đồng/kg. Măng khô loại ngon có giá 350 nghìn đồng/kg; miến dong sạch 100 nghìn đồng/kg… Cận tết nên một số mặt hàng này tiêu thụ khá tốt.

Theo khảo sát của PV Báo CAND, Tết năm nay bên cạnh những đặc sản có từ trước tết như măng lưỡi lợn, măng mầm, măng nứa, thịt lợn bản, thịt trâu gác bếp, lạp sườn tươi, lạp sườn khô, còn có những mặt hàng mới như trứng gà đồi và gà đồi, mận khô, chè sạch, khoai sọ, rượu ngô, rượu Sán Lùng; rượu Séng Cù… theo chân nhau về xuôi được người tiêu dùng đón nhận. 

Ngoài ra, đặc sản của các vùng miền, các món ẩm thực nổi tiếng như cá kho làng Vũ Đại, chả mực Quảng Ninh, nước mắm cao đạm Phú Quốc, nem chua Thanh Hóa, hạt dẻ rừng Sa Pa… cũng được nhiều người quan tâm khi lựa chọn cho gia đình và làm quà biếu Tết. 

Theo đó, nhiều cửa hàng chuyên bán đặc sản các vùng miền, bán hàng online cũng chú tâm vào khâu quảng bá và đóng gói sản phẩm để thu hút người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để có được một giỏ quà chất lượng, những món đặc sản ngon ngày Tết được trọn vẹn, người tiêu dùng cũng nên cẩn thận khi mua hàng, đặt hàng ở những nơi uy tín, để tránh bị mua nhầm.

Phan Đức
.
.
.