Đà Nẵng cho mở lại một số hoạt động dịch vụ

Thứ Hai, 13/09/2021, 08:18

Với biện pháp giãn cách triệt để trên phạm vi toàn thành phố, phong tỏa chặt chẽ các khu dân cư có mầm bệnh, đồng thời xét nghiệm toàn bộ đại diện hộ gia đình, TP Đà Nẵng đã cắt đứt được các chuỗi lây nhiễm, căn bản khống chế được dịch COVID-19.

Từ số F0 có thời điểm lên đến trên 200 ca mỗi ngày, đến nay, số ca nhiễm được phát hiện giảm mạnh. Ngày 11/9, toàn TP Đà Nẵng chỉ có 19 ca F0, trong đó có 2 ca cộng đồng; ngày 12/9, chỉ còn 11 ca F0 và 0 ca cộng đồng. Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định cho mở lại một số dịch vụ ở các "vùng xanh" để phục vụ đời sống nhân dân.

Từ ngày 12/9, UBND TP Đà Nẵng cho phép hoạt động trở lại đối với các dịch vụ chăm sóc, bảo dưỡng, sửa chữa ôtô, xe máy; các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm, cơ sở phát hành xuất bản phẩm ở "vùng xanh". Chủ tịch UBND TP cũng giao Sở Công thương đề xuất phương án mở lại các chợ truyền thống do Sở quản lý, đặc biệt là hoạt động chợ đầu mối Hòa Cường bảo đảm phòng, chống dịch; giao Sở NN&PTNT đề xuất phương án mở lại hoạt động của cảng cá Thọ Quang bảo đảm công tác phòng, chống dịch; giao Sở GTVT xem xét tăng số lượng người và phương tiện được cấp phép để phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu đến các điểm bán hàng, siêu thị, tạp hóa… bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân. Đồng thời, giao Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát các đối tượng cần được hỗ trợ, chú ý các đối tượng là hộ kinh doanh cá thể ngừng kinh doanh trên 15 ngày và người lao động ngừng việc.

Trước đó, từ ngày 3/9, TP Đà Nẵng đã thiết lập 3 vùng: Đỏ, vàng, xanh theo nguy cơ dịch bệnh ở cấp xã, phường để thực hiện các biện pháp chống dịch phù hợp với từng vùng. Trong đó, vùng xanh là địa bàn liên tục 14 ngày trở lên không xuất hiện người mắc COVID-19 trong cộng đồng. Ngoài các hoạt động được phép thực hiện kèm các điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch như "vùng vàng", người dân "vùng xanh" còn được đi chợ truyền thống với tần suất 5 ngày/lần (mỗi hộ gia đình chỉ được một người đi chợ và phải có giấy đi chợ QRCode hợp lệ theo quy định); được tập thể dục đi bộ ngoài trời và tham gia các hình thức thể dục khác tại nơi công cộng trong phạm vi "vùng xanh" trong khoảng thời gian từ 5-7h sáng; các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được nhận đặt hàng và bán hàng qua mạng…

Tính đến chiều 12/9, đã có 20/56 xã, phường thuộc các quận, huyện trên địa bàn Đà Nẵng không xuất hiện ca mắc COVID-19 trong cộng đồng từ 14 ngày trở lên và được xem là "vùng xanh". Trong đó, các phường ở quận Ngũ Hành Sơn nhiều ngày qua không có ca mắc trong cộng đồng. UBND TP Đà Nẵng cho biết đang cân nhắc cho người dân quận Ngũ Hành Sơn được đi lại trong quận nếu trong vài ngày tới trên địa bàn quận không phát sinh thêm trường hợp mắc COVID-19, đồng thời tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện để tiếp tục nới lỏng một số hoạt động và điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trong thời gian tới.

Đà Nẵng cho mở lại một số hoạt động dịch vụ -0
Bệnh viện 199-Bộ Công an tiêm vaccine phòng COVID-19 cho CBCS các đơn vị Công an đóng tại Đà Nẵng.

Kể từ đợt dịch bùng phát ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng đã ghi nhận 4.561 ca mắc COVID-19, hơn 3.300 người đã điều trị khỏi bệnh. Trong vòng hơn 3 tuần vừa qua, ngành Y tế Đà Nẵng đã thực hiện 7 đợt xét nghiệm đại diện hộ gia đình toàn thành phố và các khu phong tỏa và đã phát hiện nhiều ca bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng, tiến hành cách ly, điều trị kịp thời. Đến nay, số ca bệnh phát hiện qua xét nghiệm đại diện hộ gia đình và khu phong tỏa đang giảm dần. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn ghi nhận một số trường hợp nhiễm COVID-19 sau khi hoàn thành cách ly tập trung; có nhiều trường hợp bệnh nhân không rõ nguồn lây tại cộng đồng.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ việc cung ứng hàng hoá, thực phẩm; lái xe và người về từ vùng dịch; đặc biệt là xe được cấp luồng xanh của quốc gia. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người ra vào thành phố qua các chốt kiểm soát ở các đầu mối giao thông cả đường bộ, đường biển và đường sông.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng nhìn nhận, tình hình dịch bệnh phức tạp buộc các biện pháp giãn cách xã hội phải kéo dài, khiến các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa bị trì trệ, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động, công nhân lao động mất việc làm… Việc triển khai phương thức "3 tại chỗ", "một cung đường 2 điểm đến" gặp khó khăn do chi phí vận hành gia tăng và phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức ăn ở, sinh hoạt cho người lao động.

Tính đến ngày 11/9, Đà Nẵng đã tiếp nhận gần 550.000 liều vaccine do Bộ Y tế phân bổ; trong đó đã tiêm 337.976 liều, gồm 280.695 người đã tiêm mũi 1 và 57.275 người đã tiêm mũi 2. Sau khi tạm dừng tiêm do bão số 5, việc tiêm chủng phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố đã được tiếp tục triển khai. TP Đà Nẵng đề xuất Chính phủ tiếp tục quan tâm phân bổ vaccine cho địa phương để phục vụ công tác tiêm chủng, phấn đấu sớm bao phủ vaccine khoảng 70% dân số để thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng và thực hiện trạng thái bình thường mới từ cuối tháng 9/2021.

Thân Lai
.
.
.