Cổ tích giữa đời thường từ chuyện làm căn cước công dân

Chủ Nhật, 22/05/2022, 11:30

Sáng 21/5, chúng tôi tìm đến nhà bà Đỗ Thị C. (SN 1960), ở thôn Hà Yến, xã An Thạch, huyện Tuy An, Phú Yên – người vừa được xác định là chị em song sinh với bà Mai Thị Bền (SN 1963), ở thôn Chương Hòa, xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, sau hơn 47 năm lưu lạc.

Câu chuyện ly kỳ này được phát hiện khi Đội Cảnh sát Quản lý hành chính (QLHC) về TTXH Công an thị xã Hoài Nhơn làm căn cước công dân (CCCD) gắn chip cho bà Bền.

Khi chúng tôi đến nơi cũng là lúc bà Đỗ Thị C. cùng người chị cả là Đỗ Thị Xâu đang thắp nén hương trước bàn thờ tổ tiên và người mẹ ruột. Trong lời khấn của họ, chúng tôi nghe tiếng bà Xâu báo tin cho người đã khuất rằng: “Mẹ ơi, nhờ có Công an làm CCCD mà tụi con đã tìm được em B. rồi”. Rót nước mời khách, bà Xâu chia sẻ trong tâm trạng xúc động, rưng rưng nước mắt: “Chị em tui mới biết tin vui này cách đây ba hôm, mấy chú Công an xã An Thạch đến tận nhà chụp lại căn cước, sổ hộ khẩu và xin số điện thoại. Sau đó, cán bộ Công an thị xã Hoài Nhơn điện thoại nói rằng rất có thể chị em tôi là ruột thịt với một phụ nữ có tên là Mai Thị Bền đang sinh sống ngoài đó”.

Cổ tích giữa đời thường từ chuyện làm căn cước công dân -0
Cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an thị xã Hoài Nhơn trao đổi thông tin trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư khi làm CCCD.

Được xem ảnh chân dung bà Mai Thị Bền, đôi mắt bà Xâu ngấn lệ hồi lâu rồi thốt lên rằng: “Nhìn khuôn mặt nó sao mà giống y chang như em C không lệch lạc một nét. Mấy chục năm trời mẹ tui sống trong thấp thỏm lo âu, không biết em tui lưu lạc phương trời nào, sống chết ra sao. Phải chi mẹ tui còn sống sẽ vui biết mấy khi biết được tin này”.

Theo lời bà Xâu kể lại, cha mẹ bà sinh năm chị em, quê gốc ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Sau bà là người em trai rồi đến ba em gái, trong đó có hai em gái giữa sinh đôi, cha mẹ đặt tên là Đỗ Thị C và Đỗ Thị B. Cha mất sớm, một mình mẹ bà nuôi dưỡng 5 chị em nhưng do chiến tranh ác liệt nên gia đình lần lượt di tản sang xã An Hải – nay là An Hòa Hải rồi lên xã An Cư, huyện Tuy An sinh sống. Cũng vì khổ cực nên bốn chị em lớn phải đi ở đợ, bồng bế trẻ con cho gia đình người khác để kiếm cơm ăn, áo mặc.

Cổ tích giữa đời thường từ chuyện làm căn cước công dân -0
Bà Đỗ Thị C. cùng người chị cả Đỗ Thị Xâu xúc động khi nhìn tấm ảnh người em lưu lạc hơn 47 năm. Ảnh: Hữu Toàn.

“Tui nhớ lúc đó con B gần 10 tuổi, đi ở đợ cho gia đình ông Y. ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An. Họ xin nhận em B làm con nuôi nhưng mẹ tui không chịu. Được vài năm thì ông Y. chuyển ra Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn (Bình Định). Ông Y. xin mẹ tui cho em B đi theo bồng em. Vài năm sau, miền Nam giải phóng nên em B biệt tăm từ đó. Mấy chục năm trời mẹ tui dò hỏi, tìm kiếm nhiều nơi nhưng dấu tích em B “biệt vô âm tín”. Giờ nghe được tin khi làm CCCD, Công an thị xã Hoài Nhơn tìm ra mối quan hệ song sinh của hai em C và B, gia đình tui mừng vô cùng”, bà Xâu nhớ lại.

Xen giữa câu chuyện, bà Đỗ Thị C chia sẻ: “Hồi đó tui cũng đang ở đợ cho một gia đình khác tại thị trấn Chí Thạnh được vài năm thì gia đình này dẫn tui lên Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Sau ngày miền Nam giải phóng, tui may mắn được người quen cùng quê đưa về quê nhà. Từ bữa cán bộ Công an thị xã Hoài Nhơn điện thoại báo tin vui, tui nôn nao mong được gặp lại người em sinh đôi, nhưng nghe nói em B đang đi vô phía Nam nên đành phải chờ”.

Liên lạc với bà B, tức Mai Thị Bền qua điện thoại, chúng tôi được biết do có việc gia đình nên bà phải vào Bà Rịa – Vũng Tàu một thời gian. Bà B chỉ nhớ có người chị song sinh, nhưng không biết rõ gốc gác. Khi phía Bắc Bình Định được giải phóng, gia đình ông Y. đi đâu mất biệt, còn bà đi lang thang và được vợ chồng ông bà Mai Kiến – Nguyễn Thị Mực đưa về nhà ở thôn Chương Hòa, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn) nuôi dưỡng, đăng ký khai sinh là Mai Thị Bền.

Học xong lớp ba, bà B ở nhà cùng cha mẹ nuôi làm ruộng. Cuộc sống khó khăn vất vả nhưng bà B luôn được cha mẹ nuôi yêu thương như con ruột. Đôi lúc ký ức đánh thức bà B hồi tưởng thời niên thiếu chợt nhớ có người chị song sinh nhưng không biết rõ quê quán ở đâu nên muốn tìm kiếm cũng đành chịu.

Cứ tưởng chỉ là ký ức, nào ngờ niềm vui ập đến, vào ngày 16/5, khi bà Mai Thị Bền đến Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an thị xã Hoài Nhơn làm CCCD. Nghe bà Bền cho biết mình là con nuôi của ông bà Kiến – Mực, trước khi lưu lạc hơn 47 năm, bà có người chị song sinh nhưng không rõ ở đâu. Với tinh thần nỗ lực giúp người dân tìm lại người thân, cán bộ tiếp nhận thủ tục đăng ký làm CCCD đã tra cứu thông tin, hình ảnh trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư và đã phát hiện bản ảnh bà Mai Thị Bền giống với bản ảnh của bà Đỗ Thị C.

Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an thị xã Hoài Nhơn đã liên hệ Công an xã An Thạch, huyện Tuy An (Phú Yên) để xác minh. Kết quả đã xác định bà Mai Thị Bền chính là Đỗ Thị B, người em song sinh của bà Đỗ Thị C, nhưng do lưu lạc từ thời niên thiếu, không rõ tên tuổi, quê quán nên cha mẹ nuôi lập thủ tục đăng ký hộ tịch bà Bền sinh năm 1963.

Từ câu chuyện cổ tích giữa đời thường đậm chất nhân văn nêu trên, không riêng những người trong cuộc mà mỗi người dân thêm hiểu rằng, dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD không chỉ là cuộc cải cách thủ tục hành chính về công nghệ, tạo thuận lợi, tiện ích cho người dân trong các hoạt động, phục vụ hiệu quả công tác QLHC về TTXH mà còn là cơ hội để nhiều người thân đoàn tụ sau hàng chục năm lưu lạc, mà trường hợp chị em song sinh C – B tìm được nhau sau hơn 47 năm lưu lạc là một minh chứng cụ thể.

Hữu Toàn
.
.
.