Cô gái 2 lần ghép tế bào gốc viết tiếp ước mơ đến trường

Thứ Hai, 17/07/2023, 08:01

Sau 2 lần ghép tế bào gốc, cô gái 20 tuổi đã khoẻ mạnh và viết tiếp ước mơ thi đại học. Ghép tế bào gốc là một trong những biện pháp điều trị ung thư máu, mang lại nhiều hy vọng cho người bệnh.

Nữ sinh Cấn Thị Hằng Từng tuyệt vọng khi phát hiện mắc bệnh rối loạn sinh tuỷ (một bệnh lý tiền ung thư máu) từ năm lớp 12, phải điều trị dài ngày tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, nhưng giờ đây, gặp Hằng, ai cũng ngạc nhiên vì Hằng đầy sức sống, nước da trắng, gương mặt xinh xắn, Hằng đã trở lại với cuộc sống một cách đầy rực rỡ.

2.jpg -0
Cấn Thị Hằng đã khỏe mạnh trở lại và dự định thi đại học.

Hai năm trước, khi phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo, Hằng đã phải gác lại chuyện học để bước vào hành trình “chiến đấu” với những đợt truyền hóa chất kéo dài cả tháng. Gần 1 năm điều trị tích cực, Hằng bước vào giai đoạn ghép tế bào gốc. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, các bác sĩ tư vấn, chỉ có em trai ruột của nữ sinh là người đủ điều kiện hiến tế bào gốc. Tháng 1/2022, cô gái được ghép tế bào gốc nửa hoà hợp từ người hiến là em trai ruột.

Sau những nỗ lực của nữ sinh và gia đình, tưởng rằng kết quả được đền đáp, ai ngờ chuyện không may đã xảy ra: Tế bào máu không có dấu hiệu phục hồi. Hằng được chẩn đoán thải ghép sau ghép tế bào gốc đồng loại.

Không thể kể hết những khó khăn và đau đớn mà cô gái nhỏ phải trải qua khi chịu đựng những cơn đau do thải ghép gây ra. Hằng sốt liên miên vì nhiễm trùng, áp xe vùng hậu môn, miệng đau vì mọc mụn không ăn uống được. Mệt mỏi, buồn bã đã khiến cô gái chỉ còn da bọc xương. Nằm trong phòng cách ly, có những lúc cô gái nhỏ đã tuyệt vọng. Người thân nhìn thấy em chỉ biết khóc.

Trước tình hình trên, ê kíp bác sĩ Khoa Ghép tế bào gốc nhiều lần tiến hành hội chẩn với TS. Richard W.Childs – Giám đốc Lâm sàng Viện Tim mạch, Phổi và Huyết học Hoa Kỳ (thuộc Viện Sức khoẻ Hoa Kỳ) và đã thống nhất phương án ghép tế bào gốc lần thứ 2 cho em.

Gia đình Hằng có 5 chị em, trên cô là chị gái đang học tập tại Nhật Bản. Người chị nơi phương xa là tia hy vọng cuối cùng để cứu lấy tính mạng của Hằng. Nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ tại Nhật Bản, chị gái Hằng nhanh chóng được hỗ trợ làm xét nghiệm HLA miễn phí. Thật may mắn, HLA của chị gái hòa hợp hoàn toàn và có thể hiến tế bào gốc cho em. Ngay sau đó, cô đã đáp chuyến bay sớm nhất về Việt Nam, mang theo tâm niệm bằng mọi giá phải cứu sống em gái.

Sau nhiều nỗ lực của các bác sĩ, cuối tháng 4/2022, Hằng được ghép tế bào gốc lần hai. Lần này, các tế bào máu đã có dấu hiệu phục hồi. Hơn 5 tháng trong phòng cách ly, cô gái nhỏ đã xuất viện.

Giờ đây, cô gái trẻ đã trở về cuộc sống bình thường và ước mơ sang năm khi sức khoẻ và kinh tế ổn định, em sẽ đăng ký thi đại học.

TS Bạch Quốc Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam cho biết, tỷ lệ mắc các bệnh về máu ngày càng được phát hiện nhiều, trong đó có bệnh máu ác tính. Khoa Bệnh máu ác tính của Viện Huyết học lúc nào cũng đông bệnh nhân nhất, luôn có khoảng 230 ca điều trị. Đây là một trong những bệnh ung thư tiên lượng điều trị còn khó khăn. Đối với những bệnh nhân ung thư máu, nếu điều trị hóa chất đơn thuần, thời gian sống đến 5 năm khoảng 20-30%, nhưng với phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu, tỉ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm lên tới 50-60%. Vì vậy, ghép tế bào gốc tạo máu có thể coi là phương pháp điều trị tối ưu giúp nhiều bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính, di truyền, có cơ hội khỏi bệnh, quay lại cuộc sống bình thường.

Trần Hằng
.
.
.