Chung tay phòng ngừa đuối nước cho trẻ em vùng cao

Chủ Nhật, 02/07/2023, 07:44

Sinh sống gần các sông, suối ven bìa rừng, khả năng bơi, lội của hầu hết trẻ em vùng cao ở Quảng Trị được hình thành trải qua cuộc sống tự nhiên, mà không được tập, dạy trước khi tiếp xúc với môi trường nước. Do đó, trong những năm qua, có nhiều trường hợp trẻ em ở đây bị đuối nước, tử vong do nguyên nhân kể trên và không được phát hiện kịp thời.

Trước tình hình đó, ngành Giáo dục, đặc biệt các nhà trường đã rất tích cực, chủ động phối hợp cá nhân, đơn vị trên địa bàn tổ chức lớp dạy bơi miễn phí cho các em.

Tranh thủ thời gian nghỉ hè, Ban giám hiệu các trường học ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị) chủ động đề nghị, phối hợp chính quyền cơ sở, các đơn vị chức năng trên địa bàn, cũng như thầy, cô giáo dạy bộ môn Thể dục, tổ chức khảo sát, kiểm tra, lựa chọn các điểm sông, suối phù hợp và an toàn để dạy bơi miễn phí cho học sinh.

Tại xã Xy, huyện Hướng Hóa, nhà trường phối hợp Công an xã, Đồn Biên phòng, sử dụng dây, phao ngăn “mềm” một khúc suối 50m, làm sạch vệ sinh xung quanh và dựng các lán che nắng nhằm cho học sinh học thực hành các bài tập trên cạn trước khi trực tiếp trong môi trường nước. Các lán cũng được chuẩn bị, tập kết đầy đủ áo phao, dụng cụ khác hỗ trợ trong quá trình học bơi.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa cho biết, hầu hết xã rẻo cao, biên giới ở Hướng Hóa đều có sông, suối ven các bìa rừng. Cùng với đó là thiên tai, bão, lụt xảy ra bất thường hàng năm, mùa nghỉ hè trẻ em thường ra các sông, suối này để tắm, nên rủi ro, tai nạn đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

“Do đó, cùng với sự tích cực, chủ động của ngành Giáo dục, việc các trường học, đơn vị chức năng trên địa bàn hưởng ứng, phối hợp hỗ trợ mở các lớp dạy bơi miễn phí cho các cháu học là điều hết sức đáng mừng và có ý nghĩa rất thiết thực. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này để không chỉ trẻ em, phụ huynh hưởng lợi, mà còn tạo ra những giá trị khác từ cuộc sống an toàn của người dân”, bà Nga cho biết thêm.

6-3.jpg -0
Một khúc kênh thủy lợi ở vùng cao Quảng Trị được ngăn lại để dạy bơi cho trẻ.

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho hay, trước tình trạng nhiều học sinh bị đuối nước, tử vong trong thời gian qua, đơn vị đã ban hành kế hoạch xây dựng nghị quyết quy định về xã hội hóa bể bơi và phổ cập chương trình dạy bơi cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030. Hiện trong toàn tỉnh đã có 14 bể bơi được đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hoá này, 100% các cơ sở giáo dục phổ thông có giáo viên bộ môn Thể dục.

Đặc biệt, đối với đa số giáo viên này đã được gửi đi đào tạo, tập huấn rất bài bản kỹ năng dạy bơi và phòng chống tai nạn thương tích đuối nước. Ngoài ra, hàng năm Sở GD&ĐT Quảng Trị cũng đã tổ chức ít nhất 1 - 2 lớp tập huấn giáo viên dạy bơi, 1 lớp hướng dẫn viên, nhân viên trực cứu đuối nước. Đồng thời, đơn vị rất tích cực trong việc huy động nguồn lực từ các chương trình dự án của các tổ chức phi chính phủ như Swim Việt Nam, Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI), Tổ chức Plan Việt Nam, Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam… để tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng dạy bơi cho đội ngũ giáo viên Giáo dục Thể chất, phấn đấu đến năm 2025 có 308 giáo viên dạy bộ môn này được tập huấn.

Nhờ vào sự quan tâm kể trên, có thể nói đến nay mô hình dạy bơi miễn phí cho trẻ ở Quảng Trị, đặc biệt các vùng cao đã được nhân rộng, lan tỏa rất mạnh mẽ. Nhiều giáo viên bộ môn Thể dục đã dành phần lớn thời gian nghỉ hè của mình để dạy bơi miễn phí cho học sinh đến lúc bơi thành thạo. Đơn cử, tại xã rẻo cao A Túc, huyện Hướng Hóa, nhiều người biết và ngưỡng mộ cô giáo người Vân Kiều Hồ Thị Dung, dạy bộ môn Thể dục, Trường Tiểu học và THCS A Túc.

Trong điều kiện vùng bản còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm và cả tình yêu thương dành cho học sinh, mùa hè năm nay là kỳ nghỉ thứ 3 cô dành toàn thời gian dạy bơi cho các em học sinh của trường. Tận dụng lợi thế có hồ Lìa nằm trên địa bàn, cô Dung cho kiểm tra, dò độ nông, sâu, chọn địa điểm khoanh vùng an toàn, rồi huy động lực lượng chặt tre, giăng dây tạo điểm dạy bơi. Cô Dung còn tích cực, chủ động phối hợp chính quyền, Công an và Đoàn thanh niên xã Lìa, các già làng, trưởng bản ở đây, vận động học sinh tham gia học bơi với số lượng đông nhất.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tình hình đuối nước ở trẻ em đã giảm trong những năm qua, tuy nhiên số trẻ tử vong vì nguyên nhân này vẫn còn cao. Do đó, phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ. Mục tiêu của chương trình là giảm 10% số trẻ em tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030; 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và 70% vào năm 2030; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và 60% vào năm 2030. 

Thanh Bình
.
.
.