Cần hình thành thói quen của người dân trong phân loại rác thải sinh hoạt
Tổ chức phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Theo số liệu của các cơ quan chuyên môn, mỗi ngày nước ta phát sinh khoảng 60.000 tấn rác thải, nhưng chỉ khoảng 15% thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Số còn lại bị chôn trong các bãi chôn lấp rác, thải ra nguồn nước hoặc đốt ngoài trời.
Tại buổi tọa đàm về chủ đề "Giải bài toán phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn" do Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho hay, một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Lào Cai đã thí điểm phân loại rác tại nguồn, nhưng việc triển khai thực tế rất khó khăn.
Cách đây không lâu, TP Hồ Chí Minh từng ban hành quy định và chế tài xử phạt 20 triệu đồng đối với hộ gia đình không phân loại rác tại nguồn nhưng sau một thời gian vướng pháp lý và trang thiết bị nên cũng không thành công.
Thế nhưng, một số địa phương nông thôn như xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội lại có thành công nhất định. Như vậy, có thể thấy một bức tranh không đồng đều, phụ thuộc vào từng nơi, phương pháp, quy định, thiết bị. Có những điểm sáng cần học tập rút kinh nghiệm, có những nơi cần phải theo dõi để áp dụng cho phù hợp với địa phương.
Bà Chu Thị Tuyết, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Hà Nội, đánh giá, nguyên nhân của các hoạt động thí điểm phân loại rác tại nguồn chưa thành công là bởi thói quen của người dân chưa được hình thành, bên cạnh rào cản về hạ tầng, tài chính hay công nghệ.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam nêu ví dụ, tại các tòa nhà chung cư, nhất là chung cư cũ, việc phân loại rác rất khó khăn, bởi các hộ dân lâu nay thải rác thẳng xuống tầng hầm thông qua đường ống. "Thêm nữa, rác sau khi phân loại rồi thì thu gom làm sao cũng rất quan trọng", ông Đồng nói thêm.
Bàn về giải pháp, lộ trình để người dân có thể thực hành phân loại rác, ông Nguyễn Thượng Hiền cho rằng, các địa phương nên được giao trách nhiệm toàn diện. "Chỉ địa phương mới biết nên quy định thế nào, có phù hợp với hạ tầng kỹ thuật, định hướng trong thời gian tới hay không. Sau đó, chúng ta tập huấn, truyền thông, vận động để người dân hình thành thói quen", ông nhận định.
Chuyên gia Hoàng Dương Tùng từ Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng cho rằng các địa phương phải thể hóa việc phân loại rác tại nguồn, làm sao để người dân hình thành thói quen đổ rác và thấy lợi ích khi phân loại như giảm được tiền xử lý.
"Ngoài ra, kết hợp với tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân. Tổ chức tập huấn để người dân nhận thấy vấn đề đó không phức tạp. Một số nước dùng app điện thoại để người dân thấy việc phân loại rác rất dễ dàng. Và không nhất thiết phải 3 thùng rác. Đổ rác hằng ngày thì có 3 túi rất nhỏ gọn, không nhất thiết hàng ngày đi đổ rác mà có những loại rác đổ hàng tuần", ông nói.
Ông Tùng thông tin thêm, để phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn hiệu quả, ngoài trách nhiệm của người dân, cũng cần quan tâm trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý rác. Đơn vị thu gom rác phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, đồng bộ về con người, năng lực quản lý, xử lý.