Thực hiện hiệu quả phân loại rác tại nguồn

Thứ Hai, 25/07/2022, 08:16

Nghị định 45//2022/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường" sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2022. Theo đó, phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác thải), không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Nghị định 45 cũng quy định cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh doanh không phân loại tại nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường sẽ bị phạt từ 20 - 25 triệu đồng; phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng đối với chủ dự án, ban quản lý khu đô thị không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn và không tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân theo quy định; phạt tiền từ 200 - 250 triệu đồng đối với chủ đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung có hành vi vi phạm như: không có mạng lưới thoát nước mưa, nước thải riêng biệt và không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Đối với quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải sẽ bị phạt, nhiều người cho rằng quyết định chưa xử phạt là hợp lý. Bởi vì người dân chưa được hướng dẫn cụ thể phải phân loại rác như thế nào cho đúng, phải sử dụng bao bì gì cho đúng; phân loại xong thì để ở đâu để thu gom, trước nhà hay đem ra nơi tập trung... Do đó, rất cần thiết phải có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết để người dân làm cho đúng. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng người dân bị phạt oan và rác lại phải phân loại lại, rất mất thời gian, gây bức xúc trong nhân dân.

Thực hiện hiệu quả phân loại rác tại nguồn -0
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải nên ý thức của từng người dân là rất quan trọng. Nhưng vấn đề là làm sao phân loại đồng bộ và hiệu quả thì mới đạt kết quả như mong muốn, nghĩa là phải thống nhất từ khâu phân loại, thu gom đến khâu xử lý cuối cùng phải đồng bộ, thống nhất. Chính quyền các cấp phải chủ động tuyên truyền, hướng dẫn việc phân loại rác đến người dân một cách cụ thể. Khi mọi việc đi vào quỹ đạo, tạo thành thói quen đối với từng người dân, lúc này các quy định xử phạt mới phát huy được tác dụng.

Hiện nay, có tình trạng người thì phân loại rác tại nguồn, người lại không thực hiện, nơi có thùng rác công cộng, nơi không và thùng rác một màu, người dân không biết bỏ rác đã phân loại vào thùng nào…

Anh Trung ở quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Hẻm tôi được khu phố trích quỹ trang bị cho 2 thùng rác cỡ to, khác màu sắc để phân loại. Cuối tuần có đại diện phường chụp ảnh ghi nhận. Nhưng người thu góp rác cho rằng thùng to, 1 nhân viên không vác nổi ra đầu hẻm, do xe gom rác không vào hẻm được nên cứ 3 ngày mới thu gom rác một lần, trời mưa nước đọng bên trong rất hôi thối. Được 1 tuần thì họ đẩy thùng rác đi đâu luôn. Hô hào cho lắm mà không có đồng bộ thì vô dụng, vẫn chỉ là phong trào”. Phân loại rác thải sinh hoạt đã trở thành vấn đề bức thiết, nếu triển khai tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường. Song để việc phân loại rác đạt hiệu quả như mong muốn cần có lộ trình cụ thể chứ không nên chỉ dừng lại ở việc xử phạt, tránh phát sinh những bức xúc không đáng có trong nhân dân.

Ông Đặng Văn Khoa, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc phân loại rác tại nguồn là việc làm thiết thực, rất tốt nhưng từ trước đến nay chúng ta thực hiện đều thất bại. Vì chưa được chuẩn bị đầy đủ cơ sở, phương tiện và tuyên truyền hướng dẫn cụ thể cho người dân nắm cách phân loại; rồi việc bố trí dân cư như hiện nay ở các thành phố thì việc thu gom rác không hề đơn giản. Như vậy sẽ rất lãng phí tiền của và thời gian.

Nguyễn Cảnh
.
.
.