Cần có sự tham gia của doanh nghiệp xây nhà ở cho người lao động

Thứ Sáu, 06/05/2022, 06:17

Những ngày vừa qua, TP Hồ Chí Minh liên tục khởi công các khu nhà ở xã hội. Theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến phát triển 35.000 căn hộ.

Các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, nhà tái định cư… liên tục được khởi công, hoàn thành trong thời gian gần đây đang cho thấy cố gắng lớn của TP Hồ Chí Minh trong việc mang đến cơ hội cho những người có thu nhập thấp có thể tiếp cận nhà ở.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, định hướng 2021-2025, thành phố đặt ra chỉ tiêu thực hiện 47 dự án với khoảng 35.000 căn hộ, tập trung tại quận 12, quận Bình Tân, TP Thủ Đức.

Cần có sự tham gia của doanh nghiệp xây nhà ở cho người lao động -0
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, số dự án hiện tại đã hoàn tất các thủ tục pháp lý đủ điều kiện mở bán hiện nay chỉ khoảng 14 dự án với 15.000 căn hộ. Thực hiện kế hoạch năm 2022, Sở sẽ tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư của 18 dự án, trong đó 10 dự án nhà ở xã hội và 2 nhà lưu trú công nhân.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu về nhà ở xã hội của công nhân viên chức, người lao động là rất lớn. Tuy nhiên, số lượng nhà còn rất ít, do đó ngay cả những người có nhu cầu và có khả năng mua cũng không thể đăng ký để mua. Qua khảo sát, nhiều người lao động không có đủ điều kiện mua nhà và một số lượng lớn công nhân chỉ có nhu cầu thuê nhà để có chỗ ở ổn định, sau này sẽ quay về quê.

Do đó, thành phố cần tính toán đến việc xây nhà cho công nhân thuê, đồng thời quy hoạch bố trí chợ, trường học, bệnh viện nhằm giảm tải áp lực đi lại, tránh gây ùn tắc giao thông. PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội cho biết, một nghiên cứu của Viện về hiện trạng đời sống của người lao động cho thấy hơn 60% người lao động hằng tháng không có tiền dư để dành dụm; trên 80% - 90% người lao đông di cư ở nhà thuê.

Theo đó, dịch vụ cho thuê phòng trọ trở thành một trong những giải pháp phát triển sinh kế cho cư dân địa phương song song với các dịch vụ thiết yếu dành cho người lao động có thu nhập thấp như nhà trẻ, trường mẫu giáo dân lập, chợ và các dịch vụ giải trí cho người lao động.

Các dự án chung cư nhà ở xã hội ra đời đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của một bộ phận người thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố.

Đây có thể xem là những cố gắng của TP Hồ Chí Minh mang đến những cơ hội cho những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa số căn hộ nhà ở xã hội với nhu cầu người dân lao động về việc sở hữu nhà ở hiện nay có một khoảng cách khá lớn.

Chính vì số lượng có hạn trước một nhu cầu lớn dẫn đến cơ hội tiếp cận của người lao động thấp cũng không đồng đều. Đó là chưa kể với mức thu nhập hiện tại của người lao động, rất khó có khả năng sở hữu nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp hiện nay đang tập trung vào nghĩa vụ theo quy định pháp luật hơn là xem trách nhiệm xã hội như là một giá trị bền vững cho doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

“Kết quả khảo sát nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, đối với các phúc lợi tăng thêm như hoạt động vui chơi, giải trí, lễ, tết, các doanh nghiệp bước đầu đã chú ý thực hiện cho người lao động. Tuy nhiên, đối với việc xây dựng nhà ở và nhà trẻ để hỗ trợ người lao động còn khá hạn chế”, ông Nguyễn Đức Lộc cho hay.

Chính vì vậy, đảm bảo nhà ở cho người lao động không chỉ là trách nhiệm của thành phố hay người lao động tự xoay xở mà cần có sự tham gia của doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động.

Nguyễn Cảnh
.
.
.