Các tỉnh ven biển miền Trung triển khai phương án phòng tránh áp thấp nhiệt đới

Thứ Năm, 23/09/2021, 13:27

Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, ngư dân địa bàn ven biển, các tỉnh miền Trung khẩn trương triển khai các biện pháp phòng tránh áp thấp nhiệt đới.

 

*Tại Đà Nẵng:

Trưa 23/9, Ban Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng cho biết, tính đến 10h cùng ngày, Đà Nẵng đã kêu gọi được 1.227 tàu thuyền về neo đậu trong bờ an toàn, trong số này có 203 tàu thuyền của các tỉnh bạn. Hiện Đà Nẵng vẫn còn 15 phương tiện với 112 lao động hoạt động trên biển. Trong đó có 6 phương tiện với 49 lao động nằm trong vùng nguy hiểm, đã yêu cầu di chuyển vào bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Áp thấp nhiệt đới khả năng thành bão, Đà Nẵng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi -0
Hiện Đà Nẵng đã kêu gọi được 1.227 tàu thuyền về neo đậu trong bờ an toàn.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, ngư dân địa bàn ven biển, thực hiện chỉ đạo của Ban Ban Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã có thông báo nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) từ 10h ngày 23/9 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường. Đồng thời yêu cầu tổ chức neo, đậu lồng bè, nuôi trồng thủy sản; nghiêm cấm không cho người ở lại trên các khu nuôi trồng thủy sản. Người dân và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão không được đi lại trong những vùng trũng thấp, các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết.

Áp thấp nhiệt đới khả năng thành bão, Đà Nẵng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi -0
Lực lượng Công an, Quân đội triển khai giúp dân các phường ven biển Đà Nẵng đưa thuyền thúng lên bờ. 

Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; tập trung hướng dẫn, đôn đốc tàu cá rời ngay khỏi khu vực nguy hiểm. Phối hợp CSGT  đường thủy, Sở NN&PTNT thành phố tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu trú tránh bão đã được quy hoạch, bảo đảm phòng, chống COVID-19.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Ban Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố, trong sáng cùng ngày, lực lượng Công an, Quân đội đã triển khai giúp dân các phường ven biển Đà Nẵng đưa thuyền thúng lên bờ, chèn chống nhà cửa; đưa 20 tàu chở dầu di dời ra khỏi âu thuyền Thọ Quang để chống va đập gây cháy nổ; thông báo các tàu cá và tàu du lịch trên sông Hàn di chuyển về phía thượng nguồn.  

Hướng dẫn, hỗ trợ người dân và các cơ quan đóng trên địa bàn chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc. Đối với các địa phương miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, trượt lở đất đá tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động quan sát khi thấy các dấu hiệu bất thường như: nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu. Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất… Qua đó, chủ động di dời, sơ tán người dân, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm…

Áp thấp nhiệt đới khả năng thành bão, Đà Nẵng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi -0
 Lực lượng CSGT Công an thành phố dầm mưa, bám các chốt cửa ô, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào.  

 Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, từ chiều nay 23/9, vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm các huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và Cù Lao Chàm) gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2-4m, biển động rất mạnh. Từ tối và đêm nay (23/9), trên đất liền từ Quảng Trị đến Bình Định có gió giật mạnh cấp 6/8.

Áp thấp nhiệt đới khả năng thành bão, Đà Nẵng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi -0
Từ sáng 23/9, Đà Nẵng đã có lượng mưa rất lớn. 

Từ hôm nay đến ngày 24/9, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa to đến rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi hơn 300mm; các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi hơn 250mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

* Tại Phú Yên:

Cùng với lực lượng Công an các tỉnh, thành trong khu vực, Công an các địa phương ven biển ở tỉnh Phú Yên khẩn trương triển khai các biện pháp phòng tránh áp thấp nhiệt đới.

Thông tin từ trực ban tác chiến Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên chiều nay 23/9 cho biết, đơn vị này đã liên lạc qua hệ thống vô tuyến để thông báo và kêu gọi 216 tàu cá gồm 1.778 ngư dân đang hành nghề trên biển khẩn trương rời khỏi tầm nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới. Trong số đó có 142 tàu cá gồm 873 ngư dân đang hành nghề ngoài khơi và vùng biển phía Đông Nam quần đảo Trường Sa và 74 tàu cá gồm 304 ngư dân hành nghề vùng biển ven bờ từ Bình Định đến Bình Thuận.

Các tỉnh ven biển miền Trung triển khai phương án phòng tránh áp thấp nhiệt đới -0
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Phú Yên diễn tập cứu nạn.

Ngoài việc chuẩn bị 5 ô tô, 2 tàu và 3 ca nô, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên huy động 140 cán bộ – chiến sĩ thường trực tại trụ sở Bộ Chỉ huy cùng Hải đội 2 và 6 Đồn biên phòng trên tuyến biển 189 km, sẵn sàng cơ động hỗ trợ người dân phòng, chống thiên tai

Trung tá Nguyễn Quang Luân – Phó trưởng Công an thị xã Sông Cầu cho biết, cơ quan này phối hợp 2 Đồn biên phòng Xuân Đài, Xuân Hòa cùng chính quyền các địa phương thông báo cho 12 tàu cá gồm 37 ngư dân đánh bắt tôm, cá ven bờ khẩn trương vào nơi trú tránh áp thấp nhiệt đới. Bên cạnh Đội thanh niên xung kích gồm 63 cán bộ, chiến sĩ Công an thường trực tại Công an thị xã Sông Cầu, đơn vị cũng đã chuẩn bị 3 ca nô, 12 xe ô tô sẵn sàng ứng cứu các tình huống thiên tai.

Các tỉnh ven biển miền Trung triển khai phương án phòng tránh áp thấp nhiệt đới -0
Tàu thuyền ngư dân thị xã Sông Cầu neo đậu bên sông Tàm Giang phòng tránh áp thấp nhiệt đới.

Trong chiều 23/9, Công an các phường Xuân Yên, Xuân Thành, Xuân Đài, xã Xuân Phương, Xuân Thịnh, Xuân Hải, Xuân Hòa… vận động người nuôi trồng thủy sản ở vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông giằng neo lồng, bè thả nuôi tôm cá phòng tránh gió giật.

Theo Thượng tá Trần Khắc Quang – Trưởng Công an thị xã Đông Hòa, cùng với việc phối hợp Đồn biên phòng cửa khẩu Vũng Rô và Đồn biên phòng Hòa Hiệp Nam thông báo, kêu gọi ngư dân đánh bắt hải sản ven biển khẩn trương vào bờ tránh áp thấp nhiệt đới, Công an thị xã Đông Hòa đã phân công 85 cán bộ, chiến sĩ thường trực cùng 2 ca nô, 6 ô tô để ứng cứu tình huống thiên tai.

Trong khi đó Thượng tá Cao Thanh Lâm – Phó trưởng Công an TP Tuy Hòa cho biết, 50 cán bộ, chiến sĩ là thanh niên xung kích đã được huy động thường trực tại đơn vị cùng 2 ca nộ và 5 xe ô tô.      

*Tại Huế: 

Chiều 23/9, ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã bắn pháo hiệu, phối hợp với các địa phương kêu gọi 2.052 phương tiện tàu, thuyền với hơn 11.100 lao động vào bờ tránh trú bão số 6 an toàn.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 6 gây mưa to cho khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định với lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 120mm.

Để chủ động ứng phó với bão số 6, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã và TP Huế, các địa phương tổ chức rà soát, sẵn sàng triển khai phương án tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven biển, cửa sông, ven sông ven suối, các công trình đang thi công, vùng thấp trũng, ngập úng để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Các tỉnh ven biển miền Trung triển khai phương án phòng tránh áp thấp nhiệt đới -0
Ngư dân tỉnh Thừa Thiên Huế neo đậu tàu thuyền để tránh bão.

Hướng dẫn người dân đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 và an toàn thiên tai cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn người đi vào rừng trong thời gian thiên tai, bão lũ; bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ở khu vực ngầm tràn.

Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi, thủy điện, công trình hạ tầng có phương án bảo vệ an toàn cho công nhân, người lao động; phương án đảm bảo an toàn cho phương tiện, thiết bị, vật tư thi công.

Các chủ công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban, theo dõi, thực hiện nghiêm quy trình vận hành đã được phê duyệt để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du. Tổ chức trực ban 24/24h, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

Các tỉnh ven biển miền Trung triển khai phương án phòng tránh áp thấp nhiệt đới -0
Hơn 2.000 phương tiện tàu, thuyền của ngư dân ThHơn 2.000 phương tiện tàu, thuyền của ngư dân Thừa Thiên Huế vào bờ tránh trú bão số 6 an toàn.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có thông báo gửi UBND tỉnh Sê Kông, Lào về việc vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện A Lưới và hồ chứa thuỷ điện A Lin B1.

Theo đó, đối với hồ thủy điện A Lưới dự kiến tăng lưu lượng vận hành điều tiết đến 500m3/s từ 16h ngày 22/9. Hồ chứa thuỷ điện A Lin B1 (Cụm hồ A Lin 3-A Lin B1) dự kiến tăng lưu lượng vận hành điều tiết đến 500m3/s từ 8h ngày 25/9.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Công ty CP Thuỷ điện Miền Trung và Công ty CP Thuỷ điện Trường Phú thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để có sự chỉ đạo.

Hoài Thu - Hữu Toàn- Anh Khoa
.
.
.