Bình Dương - một điểm sáng phòng, chống COVID-19 hiệu quả

Chủ Nhật, 31/10/2021, 17:13

Tính đến tháng 10/2021, Bình Dương có 211.056 ca mắc COVID-19, trở thành nơi có tỷ lệ ca mắc cao nhất nước so với số dân. Thế nhưng tỷ lệ tử vong lại khá thấp (2.001 ca) và việc kiểm soát dịch bệnh nhanh hơn so với nhiều địa phương khác. Bình Dương cũng là địa phương xây dựng nhiều mô hình, giải pháp hay để phục hồi kinh tế và sống chung an toàn với dịch bệnh.

Ngay từ khi đợt dịch thứ 4 mới bùng phát vào cuối tháng 5/2021 tại các địa bàn tập trung nhiều công nhân lao động gồm: TP Thuận An, TP Dĩ An, TP Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên, Bình Dương đã đưa ra quyết sách, đó là phải giữ cho bằng được “vùng xanh” ở phía Bắc (gồm 4 huyện: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên) bởi đây là vùng đệm vững chắc để vực dậy địa bàn “vùng đỏ” ở phía Nam. 

Sau khi khoanh vùng, tỉnh lập tức thần tốc xét nghiệm “bóc tách” F0 và “làm đến đâu giữ vững đến đó”. Khi phát hiện 15 phường thuộc TP Dĩ An, TP Thuận An và thị xã Tân Uyên “đậm đặc” F0, tỉnh quyết định “khóa chặt” dù toàn tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 16. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, chính cách làm quyết liệt này đã giúp Bình Dương kiểm soát tốt thế trận, từng bước mở rộng “vùng xanh” một cách an toàn, bền vững. Nên dù có lúc số ca F0 phát hiện trong ngày cao hơn cả TP Hồ Chí Minh nhưng chủ yếu tập trung ở vùng “đông cứng” và các khu cách ly nên không lây lan ra bên ngoài.

CAND số 75 năm_trang 40_Bình Dương-một điểm sáng phòng, chống COVID-19 hiệu quả -1
Công an Bình Dương trao quà cho người nghèo bị ảnh hưởng đợt dịch.

  PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Y khoa Bệnh viện Hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương cho biết, ngay từ tháng 7/2021, trong khi các tỉnh, thành chưa triển khai phác đồ điều trị, Bình Dương đã sớm đưa phác đồ điều trị riêng cho bệnh nhân COVID-19, góp phần kéo giảm đáng kể số ca nặng, ca tử vong. Đến hết tháng 9/2021, có hơn 3,2 triệu người được tiêm vaccine phòng COVID-19, giúp tỉnh tăng miễn dịch cộng đồng với tỷ lệ ca nhiễm ngày càng giảm so với số ca hồi phục, xuất viện; chưa xuất hiện các ca bệnh nặng sau thời gian tiêm mũi 1 đủ 14 ngày. Kết quả này sẽ tích cực hơn khi người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Mặc khác, nhờ xây dựng kịch bản ứng phó khi số ca mắc có thể lên đến 150.000 rất chi tiết, nên đến nay tỉnh vẫn chủ động thu dung điều trị các trường hợp F0 ban đầu với khả năng lên đến 70.000 bệnh nhân. Đến cuối tháng 9/2021, số giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 đã trống hơn 50% nên sẵn sàng thu dung điều trị cho tất cả các F0 được phát hiện mới.  

 Bình Dương cũng là nơi thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đã chi hỗ trợ trên 3 triệu lượt trường hợp với số tiền 1.664 tỷ đồng. Tại tất cả các phường bị “khóa chặt” đều được hỗ trợ 50.000 đồng/ người/ngày nên người dân rất an tâm “ngồi yên” thực nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Được xem là “thủ phủ” khu, cụm công nghiệp nên mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng Bình Dương đã duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Tỉnh chỉ cho phép hoạt động đối với các doanh nghiệp (DN) đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch theo quy định; đồng thời, đã nỗ lực tối đa để bảo vệ, tạo điều kiện cho các DN thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”. 

CAND số 75 năm_trang 40_Bình Dương-một điểm sáng phòng, chống COVID-19 hiệu quả -0
Tiêm vaccine cho công nhân trong khu công nghiệp ở Bình Dương.

 Nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cho các DN thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương, Ban quản lý các khu công nghiệp phối hợp với Sở Y tế tổ chức nhiều chiến dịch xét nghiệm, truy vết, rà soát, bóc tách F0, đảm bảo hoạt động sản xuất và triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 diện rộng cho tất cả người lao động của các DN trong khu, cụm công nghiệp.

Đồng thời, triển khai các mô hình mới như: “3 xanh” (nhà máy xanh, nhà trọ xanh, công nhân xanh), “3 tại chỗ linh hoạt” được kỳ vọng sẽ giúp DN giảm bớt gánh nặng chi phí duy trì chuỗi cung ứng sau thời gian dài giãn cách xã hội, góp phần giải quyết được việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động 

Tại thị xã Tân Uyên đã thí điểm và đưa vào hoạt động mô hình “nhà trọ xanh” và “trạm y tế lưu động trong DN”. Theo đó, mỗi khu nhà trọ phải thành lập 1 Tổ COVID-19 có ít nhất từ 3-5 thành viên, bố trí 1 - 2 phòng trống để cách ly, điều trị các trường hợp nhiễm bệnh; hợp đồng với Trạm y tế lưu động tư nhân để hỗ trợ, chăm sóc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Tổ COVID-19 này sẽ là nơi phát hiện sớm nhất các trường hợp nghi nhiễm và có biện pháp xử lý nhanh nhất có thể.

Các trạm y tế lưu động có nhiệm vụ quản lý, theo dõi người nghi nhiễm COVID-19 tại DN; triển khai phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19; xét nghiệm, tiêm ngừa vaccine; khám sức khỏe định kỳ; khám điều trị các bệnh thông thường, các bệnh mạn tính cho công nhân, người lao động… Ông Đặng Hồng Tươi, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên khẳng định, việc hình thành 2 mô hình này sẽ sàng lọc tối đa để bóc tách F0 một cách nhanh nhất để ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng. 

Thành quả đạt được trong cuộc chiến chống “giặc” COVID-19 ở Bình Dương còn có sự đóng góp đặc biệt của lực lượng vũ trang. Các cán bộ chiến sĩ Công an nơi tuyến đầu chống dịch đã không quản gian khổ, nắng mưa, đêm ngày, kiên trì bám chốt, giữ vững “vùng xanh”; khóa chặt “vùng đỏ” và giúp người dân cùng các lực lượng khác hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương cho biết, để thực hiện “mục tiêu kép”, lực lượng Công an tỉnh đã bám sát địa bàn, phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn bán ma túy, đòi nợ thuê, giết người, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng… Đồng thời, kịp thời phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng chống đối, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của những người thi hành công vụ. Từ đó tạo được “môi trường xanh” trên không gian mạng, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

 Trong lần kiểm tra công tác tại Bình Dương vào cuối tháng 9/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Có 3 lý do giúp Bình Dương sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đó là tỉnh đã nhanh chóng triển khai phác đồ điều trị ngay từ tháng 7-2021; thành lập nhanh các bệnh viện dã chiến, khu điều trị cách ly để thu dung bệnh nhân điều trị và huy động được hệ thống y tế tư nhân cùng tham gia”.

Năm giải pháp được tỉnh Bình Dương xây dựng và áp dụng để phục hồi kinh
tế sau đại dịch:

* Thực hiện các giải pháp mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh theo lộ trình; tổ chức lưu thông trên địa bàn trong trạng thái “bình thường mới”.

* Tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển. Sớm triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn để khởi công mới các công trình đủ điều kiện tại các “vùng xanh” trên địa bàn;

* Tạo đột phá trong cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch và hoạt động sản xuất kinh doanh;

* Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; kịp thời hỗ trợ tạo việc làm mới cho người lao động;

* Cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan để ổn định tâm lý, tạo đồng thuận xã hội.

Mã Hải
.
.
.