Hai mô hình phòng, chống COVID-19 khả quan ở Bình Dương

Thứ Tư, 29/09/2021, 06:17

Bình Dương có hơn 1 triệu người lao động là công nhân sống trong các phòng trọ có không gian chật chội. Đây cũng chính là nhóm đối tượng lây nhiễm COVID-19 nhiều nhất trong tổng số hơn 200.000 ca nhiễm ở Bình Dương.

Các địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp như TP Dĩ An, TP Thuận An, thị xã Tân Uyên là điểm nóng của đại dịch cũng xuất phát từ nguyên nhân này. Với đặc thù đó, Bình Dương đã thí điểm và áp dụng mô hình “nhà trọ xanh” và “trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp” bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, có thể xem là những giải pháp hay để sống chung với COVID-19 trong trạng thái “bình thường mới”…

mo hinh 2.jpg -0
Tập huấn cho tổ COVID-19 ở “nhà trọ xanh”.

Bình Dương luôn xem mỗi xã phường, khu phố, khu nhà trọ, doanh nghiệp phải là một pháo đài còn mỗi người dân phải là một chiến sĩ. Chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 được xác định phải thực hiện việc cách ly, giãn cách xã hội nhanh nhất, ở phạm vi nhỏ nhất có thể với các giải pháp linh hoạt, mềm dẻo chứ không còn kiểu một người bị dương tính là cách ly cả khu phố, vài nơi bị thì cách ly cả một phường như trước đây…

Đồng thời phải xét nghiệm thần tốc. Tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của virus ở các vùng có nguy cơ cao và rất cao. Bên cạnh đó là chủ động đáp ứng điều tra dịch tễ tại các vùng có nguy cơ (vùng vàng), vùng bình thường mới (vùng xanh) để phát hiện F0 nhanh nhất, kịp thời phân loại, cách ly, theo dõi, điều trị phù hợp, hiệu quả. Người bệnh cần được tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhấtmà hai mô hình “nhà trọ xanh” và “trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp” áp ứng được yêu cầu này.

Mỗi khu nhà trọ phải thành lập 1 Tổ COVID-19 có ít nhất từ 3-5 thành viên, bố trí 1 - 2 phòng trống để cách ly, điều trị các trường hợp nhiễm bệnh; phải hợp đồng với trạm y tế lưu động tư nhân để hỗ trợ, chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19. Tổ COVID-19 này sẽ là nơi phát hiện sớm nhất các trường hợp nghi nhiễm và có biện pháp xử lý nhanh nhất có thể.

Tại phường Phú Chánh (thị xã Tân Uyên), qua một tuần triển khai thực hiện, các khu phố đã vận động thành lập được hơn 200 tổ COVID-19 cộng đồng với hơn 650 thành viên. Cơ quan chức năng đã tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng nhận cho hơn 350 thành viên. Nội dung tập huấn bao gồm: kỹ năng mặc đồ bảo hộ, kỹ năng lấy mẫu xét nghiệm, tư vấn tâm lý các F0, việc sử dụng thuốc điều trị, các phương pháp vệ sinh mũi, họng...

Sau tập huấn, hầu hết thành viên các tổ COVID-19 tại các khu trọ đã tự tin thực hiện các nội dung trên. Với cách làm này, khi có “sự cố” xảy ra đã có nguồn nhân lực tại chỗ, đây cũng cách để giảm tải cho lực lượng ty tế tuyến trên.

Để thực hiện tốt mô hình này, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các địa phương phải chủ động phối hợp cùng doanh nghiệp vận động các chủ nhà trọ và người thuê trọ sắp xếp lại từng phòng trọ, khu nhà trọ theo hướng bố trí cho những công nhân làm chung một doanh nghiệp được ở chung một phòng hoặc một dãy trọ.

Nếu đảm bảo đủ điều kiện thì bố trí cho tất cả các công nhân làm cùng nhà máy, doanh nghiệp ở chung khu nhà trọ hoặc các khu nhà trọ liền kề. Khi “nhà trọ xanh” thì sẽ có “công nhân xanh”, mà “công nhân xanh” sẽ có “nhà máy xanh”, từ đó hình thành mô hình “3 xanh” để phát triển phục hồi kinh tế.

Ông Đặng Hồng Tươi, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên cho biết, bên cạnh mô hình “nhà trọ xanh”, Tân Uyên cũng là nơi đầu tiên đưa vào hoạt động mô hình “trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp”. Đến nay, thị xã đã thành lập 8 trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp.

Trạm Y tế lưu động có nhiệm vụ quản lý, theo dõi người nghi nhiễm COVID-19 tại doanh nghiệp; triển khai phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19; xét nghiệm, tiêm ngừa vaccine; khám sức khỏe định kỳ; khám điều trị các bệnh thông thường, các bệnh mạn tính cho công nhân, người lao động…

“Mục tiêu thành lập trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp nhằm đảm bảo người lao động được tiếp cận y tế mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh nhất. Quan trọng hơn là chủ động phát hiện sớm, kịp thời trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 để hạn chế thấp nhất tác động của dịch bệnh đến việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp” - ông Đặng Hồng Tươi cho biết thêm.

Với mục tiêu toàn tỉnh Bình Dương sẽ trở lại trạng thái “bình thường mới” từ đầu tháng 10/2021 thì việc hình thành 2 mô hình này sẽ sàng lọc tối đa để bóc tách F0 một cách nhanh nhất để ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng hiệu quả nhất.

Mã Hải
.
.
.