Bác sĩ cảnh báo "mùa" ngộ độc nấm

Thứ Tư, 22/02/2023, 16:38

Theo Bộ Y tế, hàng năm vào thời điểm xuân – hè, thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên.

Trong 2 ngày 18-19/2, Trung tâm Y tế huyện Mai Châu tiếp nhận 6 trường hợp trú tại xóm Hịch, xã Mai Hịch có biểu hiện ngộ độc, đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng sau khi ăn trưa tại nhà.

Trước đó, 2 người dân sau khi đi rừng có hái một túi nấm rừng (khoảng 200g) mang về nấu canh nấm với lá lốt cho bữa trưa ở gia đình và hàng xóm. Sau bữa ăn, nhiều người nhập viện do ngộ độc thực phẩm.

Bác sĩ cảnh báo
Nấm độc tán trắng thường mọc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. 

Cách đây ít ngày, một gia đình 5 người tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã cùng nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An vì ăn phải nấm độc. Theo chia sẻ của bệnh nhân, trên đường đi làm về, chị Hoàng Thị T. phát hiện một bụi nấm mọc ven đường, giống với nấm bán ngoài chợ nên đã hái về nhà nấu ăn.

Sau khi ăn, cả 5 người trong gia đình gồm vợ chồng chị T. đã xuất hiện triệu chứng ngộ độc như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn dữ dội, nên được hàng xóm đưa đi cấp cứu.

Thời gian qua, các bác sĩ đã cảnh báo rất nhiều về tình trạng ngộ độc các loại thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên như nấm độc, hoa quả rừng, hay cây rừng… nhưng năm nào cũng ghi nhận các ca nhập viện cấp cứu. "Mùa" ngộ độc nấm thường vào mùa xuân - hè.

Theo các chuyên gia chống độc, các loại nấm gây ngộ độc thường thuộc nhóm các loại nấm mọc hoang dại. Loại nấm độc nhất, hay gây chết người nhất, khi bị ngộ độc không biểu hiện ngay nên phát hiện thường muộn, bệnh nặng và nguy cơ cao tử vong.

Biện pháp quan trọng để phòng tránh ngộ độc nấm là “không hái các nấm mọc hoang dại để ăn". BS Phạm Thị Thanh Tâm, Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, người dân vẫn nghĩ nấm độc thường có màu sặc sỡ nhưng thực tế, có những loài nấm thường gây chết người ở các tỉnh phía Bắc nước ta là các loài nấm có màu trắng tinh khiết (nấm độc tán trắng và nấm độc trắng hình nón).

Bên cạnh đó, có người cho rằng, nấm có sâu bọ, côn trùng ăn là không độc. Tuy nhiên, thực tế độc tố nấm không tác dụng đối với côn trùng, sâu bọ, kiến, ốc sên.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, trường hợp không may ngộ độc nấm, nếu chưa nôn và vẫn còn tỉnh táo thì có thể uống nước và tự gây nôn, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có than hoạt tính thì nên uống ngay với liều 1 gam/kg cân nặng (người lớn khoảng 40-50 gam).

Cần lưu ý đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện đến cơ sở y tế; mang mẫu nấm còn lại hoặc đã chế biến đến cơ sở y tế để bác sĩ sơ bộ xác định loại nấm, điều trị kịp thời.

Tr.Hằng
.
.
.