Xây dựng nông thôn mới ở Nam Định: Chọn mô hình phù hợp, xây công trình hiệu quả

Chủ Nhật, 18/11/2018, 10:27
Đến nay, tỉnh Nam Định đã có 200 xã và 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới là: Hải Hậu, Trực Ninh, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Xuân Trường. Theo kế hoạch, năm 2019, tỉnh Nam Định tất cả các xã còn lại sẽ đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và Nam Định đang cố gắng phấn đấu trở thành tỉnh nông thôn mới đầu tiên trên cả nước.

Điều đáng nói là Nam Định đặc biệt quan tâm đến vấn đề làm thế nào để người dân sử dụng khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng phục vụ cho cuộc sống cũng như tìm hướng để nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự, tạo ra môi trường thực sự trong lành và đáng sống cho cư dân nông thôn.

Xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy là một trong số các xã đã có bước “nước rút” ngoạn mục để hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đến Hồng Thuận vào thời điểm này, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay vượt bậc ở vùng quê này. Nhờ phát huy tốt nội lực, sự đồng thuận trong nhân dân, Hồng Thuận đã tạo đột phá trong giai đoạn “nước rút”, trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chia sẻ về công cuộc xây dựng nông thôn mới, ông Phạm Xuân Phó, Chủ tịch UBND xã Hồng Thuận cho biết, đầu năm 2017, địa phương mới chỉ đạt 13/19 tiêu chí, tiêu chí đặc biệt khó khăn rất khó có thể thực hiện đó là cơ sở vật chất văn hóa. Qua rà soát, phân tích kỹ thực tế, xã đã tập trung chỉ đạo các xóm khẩn trương họp bàn, ra nghị quyết để triển khai thực hiện. Trong đó, cùng với sự đóng góp của cán bộ, nhân dân, vận động con em quê hương ở khắp nơi đã thành đạt có khả năng tài chính đóng góp để xây dựng công trình nhà văn hóa và các tuyến đường trong thôn xóm. Xã cũng trích ngân sách ủng hộ mỗi xóm xây dựng nhà văn hóa 100 triệu đồng.

Mô hình trồng cây đinh lăng đang mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân nông thôn huyện Nghĩa Hưng.

Nhờ sự hỗ trợ quyết liệt, kịp thời của xã các cơ sở xóm, đội cùng bắt tay vào thực hiện, vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ và đồng loạt khởi công xây dựng nhà văn hóa. Đã có 13 nhà văn hóa xóm được khởi công xây dựng và hoàn thành, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân. Bên cạnh đó, Hồng Thuận cũng đã quy hoạch khu trung tâm thể thao - văn hóa để xây dựng nhà văn hóa xã; hoàn thiện cơ sở vật chất trường học; kiên cố hóa các tuyến đường giao thông thôn, xóm; cứng hóa mặt đường trục chính nội đồng…

Thực tế ở Nam Định, không có công thức chung trong xây dựng nông thôn mới. Mỗi địa phương chủ động sáng tạo để khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù của mình để tiến về đích. Trong phát triển kinh tế nông thôn, đã có nhiều mô hình tạo điểm nhấn đáng chú ý. Ví như ở huyện Nghĩa Hưng, có mô hình nuôi cá bống bớp với diện tích 370ha; phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ cây dược liệu của Công ty Hoa Thiên Phú với diện tích 27,5ha...

Hay như huyện Trực Ninh, đã xây dựng 23 mô hình cánh đồng lớn, với quy mô mỗi cánh đồng từ 30-50ha sản xuất giống lúa, lúa chất lượng cao; hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản của Công ty TNHH Cường Tân, với quy mô 350ha; cá mú 480ha;  sản xuất rau, củ quả sạch của Công ty cổ phần rau quả sạch Ngọc Anh...

Còn tại huyện Giao Thủy có gần 200 trang trại nuôi trồng thủy sản với các con nuôi có giá trị kinh tế cao và 52 cơ sở sản xuất giống thủy sản cung cấp giống thủy sản cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Chia sẻ về cách làm nông thôn mới, ông Lưu Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh cho biết, sau khi phân tích kỹ các thuận lợi, cũng như khó khăn, huyện Trực Ninh đã chọn công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện thành công.

Sau dồn điền đổi thửa, số thửa bình quân từ 3,51 thửa/hộ xuống còn 1,82 thửa/hộ. Qua công tác dồn điền, đổi thửa đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với 23 cánh đồng lớn, với quy mô mỗi cánh đồng có diện tích từ 30-50ha đã mang lại hiệu quả kinh tế cao; người dân đã hiến, góp trên 320ha đất nông nghiệp (tương đương 640 tỷ đồng) để xây dựng các công trình phúc lợi...

Sau gần 8 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, diện mạo Nam Định đang đổi thay từng ngày. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được chú trọng đầu tư. Toàn tỉnh đã hoàn thành được gần 900km đường giao thông nông thôn. Cùng với đó là hàng trăm công trình trường học, trạm y tế xã, chợ, nước sinh hoạt nông thôn, trụ sở làm việc, nhà văn hóa, sân thể thao… được nâng cấp và xây mới. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch nhanh hơn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Hình thành và mở rộng thêm các khu, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn nông thôn. Nông nghiệp dần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến; ruộng đất được tích tụ.

 Phong trào bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp, trồng cây xanh, thu gom rác thải, làm vệ sinh môi trường nông thôn được nhân dân nhiều xã tổ chức tốt… Đến nay, toàn tỉnh đã có 200/209 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 18,8 tiêu chí, tăng 13 tiêu chí so với năm 2010. Vấn đề đáng nói nhất là nông thôn mới ở Nam Định đã dần đi vào chiều sâu và thực chất hơn. 

Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã có 5/10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là sản phẩm hội tụ tinh hoa của ý Đảng, lòng dân. Đòn bẩy của mọi phong trào chính là phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”; thực hiện và phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”.

Phan Hoạt
.
.
.