Xây dựng niềm tin trong chuỗi thực phẩm

Thứ Tư, 14/12/2016, 15:41
Làm thế nào để theo dõi và giám sát được nguồn gốc của thực phẩm? Kinh nghiệm chia sẻ từ Thụy Điển, Hà Lan và Đan Mạch được hy vọng sẽ giúp Việt Nam xây dựng một chuỗi giá trị đảm bảo thực phẩm hoàn toàn an toàn.


Thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống con người, nhất là trong thời đại hiện nay. Người tiêu dùng ngày càng có thu nhập cao, họ quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ, và tiêu chí không chỉ dừng lại ở việc ăn no hay ăn ngon, mà vấn đề đặt ra là phải ăn sạch.

Chính vì thế mà việc làm thế nào để xây dựng niềm tin trong chuỗi thực phẩm đã trở thành chủ đề được bàn thảo rất kỹ tại sự kiện Diplohack đầu tiên tại Việt Nam do các Đại sứ quán Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển đồng tổ chức sáng 14-12 tại Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Theo số liệu có được từ Sở Y tế Hà Nội, đáp ứng nhu cầu thực phẩm hàng ngày cho hàng triệu người dân, Hà Nội có hơn tới 60.000 doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực lương thực – thực phẩm; hơn 400 khu chợ và 90 siêu thị. Nhưng khi nói đến thực phẩm, tất cả mọi người đều quan tâm đến một điều "Ai là nhà cung cấp chúng ta có thể tin tưởng?”.

Tại sự kiện Diplohack này, các tổ chức phi chính phủ, các nhà ngọai giao, các chuyên gia công nghệ, các nhà sản xuất thực phẩm cùng với các nhóm quan tâm đến bảo vệ sức khoẻ, quyền lợi người tiêu dùng đã tham gia thảo luận và phát triển những ý tưởng sáng tạo, nhằm hướng tới tạo lập “Niềm tin chuỗi thực phẩm”.

Một trong những kinh nghiệm của Thụy Điển về việc đảm bảo an toàn nguồn thực phẩm, theo tiết lộ của bà Camilla Bjelkas, Cán bộ văn hóa Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam chính là sự đóng góp của giới truyền thông, báo chí.

Bà Camilla Bjelkas, Cán bộ văn hóa của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam

Bà Camilla Bjelkas cho biết, các cơ quan truyền thông, báo chí không chỉ tích cực trong việc tuyên truyền thông tin về chất lượng thực phẩm đến với người tiêu dùng, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề an ninh lương thực nói chung và an toàn vệ sinh thực phẩm nói riêng mà còn giúp các cơ quan quản lý và người tiêu dùng phát hiện những thực phẩm bẩn hoặc không rõ nguồn gốc.

Thực phẩm sạch là xu hướng tiêu dùng hiện đại và để đảm bảo quyền lợi và tiếng nói của mình, người tiêu dùng hoàn toàn có thể tìm đến và trao đổi với các cơ quan chuyên trách hoặc cơ quan truyền thông báo chí để phản ảnh. Những nghi ngại về thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn hoặc bị làm giả cần được tích cực làm rõ, tránh tâm lý chấp nhận một cách thụ động.

Chiến dịch “Từ nông trại đến bàn ăn”

Việt Nam là một trong những nước có số lượng người mắc bệnh ung thư nhiều nhất thế giới. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là thực phẩm hàng ngày không đảm bảo an toàn. Vì vậy, hiện nay rất nhiều các doanh nghiệp đang cố gắng hướng tới thử nghiệm và thành lập mô hình “Từ nông trại đến bàn ăn”. Đây là mô hình doanh nghiệp rất được người tiêu dùng ủng hộ và việc thiếu hụt ở bất kỳ mắt xích nào trong chuỗi giá trị đều dẫn đến sự sụt giảm sức cạnh tranh. Việt Nam cần phải kết nối, trao đổi kinh nghiệm hơn nữa với các nước phát triển và có những cơ quan chuyên trách đáng tin cậy, đặt ra cơ chế sát thực và thường xuyên kiểm định chất lượng. Cùng với đó, sự hỗ trợ thông tin từ truyền thông, báo chí và từ chính những người tiêu dùng thông thái sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ xuất xứ, vì sức khỏe và tương lai của giống nòi... Các chuyên gia, học giả đưa ra lời khuyên.


Huyền Chi - Linh Bùi
.
.
.