Túi bao trái xoài không có hóa chất độc hại

Thứ Năm, 12/05/2016, 08:29
Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp khẳng định với PV Báo CAND vào chiều 11-5: “Thông tin túi bao trái (TBT) nhiễm hóa chất độc hại là tin đồn thất thiệt, không có căn cứ và hoàn toàn sai sự thật."

Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp khẳng định với PV Báo CAND vào chiều 11-5: “Thông tin túi bao trái (TBT) nhiễm hóa chất độc hại là tin đồn thất thiệt, không có căn cứ và hoàn toàn sai sự thật. Xoài là cây ăn trái chủ lực của Đồng Tháp với 9.000ha sản xuất và có hơn 90% diện tích áp dụng kỹ thuật bao trái đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Với kỹ thuật này, xoài Đồng Tháp đã xuất khẩu được sang nhiều thị trường lớn, khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand...”.

Thông tin thất thiệt làm giá xoài ở Đồng Tháp giảm đáng kể khiến nhiều nhà vườn lo lắng.

Những ngày qua, tin đồn các nhà vườn ở Đồng Tháp và Tiền Giang sử dụng TBT xoài có in chữ “Taiwan” xuất xứ từ Đài Loan nhiễm chất độc hại khiến không ít nhà vườn hoang mang khi đang vào chính vụ khiến giá thành giảm đáng kể. 

Theo ông Tài, kỹ thuật TBT được đưa vào áp dụng tại Đồng Tháp từ năm 1995. Kỹ thuật này giúp cho sản phẩm xoài Đồng Tháp chinh phục được nhiều nhà nhập khẩu khó tính, đưa trái xoài trở thành ngành hàng chủ lực, thế mạnh riêng của ngành nông nghiệp Đồng Tháp. Đây cũng là kỹ thuật bắt buộc trong quy trình sản xuất VietGAP, đáp ứng những yêu cầu khắc khe từ các nhà nhập khẩu.

Hiện nay, TBT nhà vườn ở Đồng Tháp sử dụng được nhập khẩu từ Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc. Chất lượng các loại TBT này được kiểm tra, đảm bảo chất lượng và hoàn toàn không có hóa chất độc hại. Hiện nay, có 2 loại TBT được sử dụng phổ biến là túi màu trắng và túi màu vàng, đều có ưu điểm giúp nhà vườn hạn chế số lần phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), đảm bảo quy trình cách ly, đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. 

“Nhiều năm áp dụng kỹ thuật TBT trên xoài, các nhà vườn rất hài lòng với hiệu quả mang lại và giá bán cũng cao hơn từ 6.000 – 8.000 đồng/kg so với sản phẩm không được bao trái”, nhà vườn Trương Ngọc Bé (ngụ phường 6, TP Cao Lãnh) nói.

Túi bao trái xoài là kỹ thuật tiên tiến được Đồng Tháp áp dụng nhiều năm nay.

Ông Nguyễn Châu Tuấn, tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất xoài an toàn khóm 6 (phường 6, TP Cao Lãnh) cũng khẳng định: “Những năm qua, nhiều lô xoài của tổ hợp tác xuất khẩu sang Nhật Bản. Để vào được thị trường này, nhà vườn phải sản xuất theo quy trình an toàn, quan trọng nhất là phải áp dụng TBT và đảm bảo các tiêu chuẩn mà đối tác Nhật Bản quy định. Hàng tháng, sản phẩm xoài của tổ hợp tác đều được Trạm Bảo vệ thực vật lấy mẫu kiểm tra”. 

Theo Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè (Tiền Giang), Cái Bè hiện có khoảng 6.000 ha trồng xoài và đa số đều có sử dụng TBT. Thông tin TBT xoài chứa hóa chất độc hại là hoàn toàn vô căn cứ, sai sự thật ảnh hưởng đến nhà vườn cũng như thương lái, doanh nghiệp tiêu thụ xoài.

Theo tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, kỹ thuật bao trái là một tiến bộ giúp trái không bị tổn thương phần vỏ, giảm tỷ lệ bệnh, giảm sự tác động của côn trùng và chim, cải thiện màu sắc vỏ trái, hạn chế trái bị nám do nắng và hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây, làm cho trái an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Đây cũng là một quy trình bắt buộc khi muốn nhập khẩu trái cây vào các nước. 

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng khẳng định, kết quả kiểm định các mẫu TBT xoài có xuất xứ từ Đài Loan được nông dân Tiền Giang, Đồng Tháp sử dụng không phát hiện hóa chất độc hại. Hiệu quả từ việc bao trái đã được các nhà khoa học chứng minh, khuyến cáo sử dụng từ lâu, bởi vừa chống được các loại sâu bệnh tấn công, vừa hạn chế chi phí sản xuất, sản phẩm được an toàn và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Văn Vĩnh – Mỹ Lý
.
.
.