Triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu nước sạch

Thứ Sáu, 23/08/2019, 07:57
Tình trạng thiếu nước sạch để sản xuất, sinh hoạt ở Đà Nẵng đã lặp đi lặp lại thường xuyên, nhưng chưa bao giờ, việc thiếu nước lại xảy ra trên diện rộng như hiện nay.

Không chỉ ở các khu vực cuối đường ống cấp nước, nhiều khu dân cư gần nhà máy nước Cầu Đỏ, áp lực nước cũng giảm mạnh. Việc thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân TP Đà Nẵng; nhiều nơi, người dân không có nước để nấu ăn, vệ sinh, tắm giặt...

Ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Nhà máy Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết: Do nắng nóng kéo dài, lượng mưa thượng nguồn suy giảm nên nước các hồ chứa đầu nguồn các con sông Vu Gia và Thu Bồn đổ về hạ lưu rất ít, từ đó lượng nước sông Yên cũng bị giảm nhiều khiến mặn xâm nhập nguồn nước sông cung cấp cho Nhà máy nước Cầu Đỏ. 

Những ngày vừa qua, độ mặn sông Cầu Đỏ thường xuyên vượt ngưỡng 1.000mg/l. Tính đến ngày 21-8, nguồn nước tại cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn 166 ngày, cường độ mặn gia tăng và số ngày nhiễm mặn kéo dài hơn so với năm 2018. 

Nếu nắng nóng, hạn hán tiếp tục kéo dài, không có mưa trên lưu vực thì nguồn nước cũng cấp cho nhà máy nước Cầu Đỏ tiếp tục còn khó khăn. Dawaco đã vận hành hết công suất Trạm bơm phòng mặn An Trạch nhưng vẫn không đủ nguồn nước thô cho nhà máy nước Cầu Đỏ và nhà máy nước Sân Bay hoạt động dẫn đến nguồn nước sạch cấp nước cho TP Đà Nẵng bị thiếu hụt khoảng từ 40.000-50.000m³/ngày đêm. 

Để giải quyết tình huống cấp thiết, Dawaco đã tiến hành đặt bồn chứa nước và sử dụng xe bồn cấp nước bổ sung cho các khu vực dân cư ở cuối nguồn nước; đồng thời đề nghị các đơn vị chức năng hỗ trợ phương tiện vận chuyển nước đến một số địa điểm có đông người sử dụng. 

Theo đề nghị của Dawaco, những ngày qua, Công an TP Đà Nẵng cũng đã sử dụng xe chữa cháy vận chuyển nước đến cấp bổ sung cho Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Dawaco cũng đã đề nghị UBND TP Đà Nẵng xem xét xây dựng khẩn cấp đập tạm ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ nhằm tăng cường nguồn nước thô cho các nhà máy nước xử lý nước. 

Theo đó, cần xây dựng một đập tạm bằng cừ ván Lassen lưu động trên sông Cẩm Lệ, nằm giữa khu vực Cầu Đỏ và cầu Cẩm Lệ để giữ nước từ đầu nguồn đổ về, đồng thời ngăn nước mặn xâm nhập. Thời gian thi công con đập dự kiến 20 ngày; thời gian tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng 15 ngày; kinh phí thực hiện khoảng 7,5 tỉ đồng từ nguồn vốn của Dawaco. 

Phương án này đã được Dawaco đề xuất trước đây nhưng chưa được thực hiện. Hiện UBND TP Đà Nẵng đang xem xét ý kiến của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng về đề xuất nên xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ kết hợp mở rộng cầu Hòa Xuân.

Người dân quận Sơn Trà, Đà Nẵng chờ lấy nước tại các bồn cấp tạm của Dawaco.

Mới đây, Dawaco đã đầu tư nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ thêm 60.000m3/ngày đêm, lên mức 290.000m³/ngày đêm và tiển khai nhà máy nước Hòa Trung công suất 10.000m³/ngày đêm. Tuy nhiên, trước sự gia tăng nhanh chóng về dân số do biến động cơ học, sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng khách du lịch và các cơ sở lưu trú, hệ thống hạ tầng cấp thoát nước sinh hoạt tại Đà Nẵng đã quá tải nhiều năm qua. 

Từ năm 2012, TP Đà Nẵng đã có chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000m³/ngày đêm. Đến cuối năm 2018, UBND TP Đà Nẵng mới chính thức thông qua chủ trương dùng số tiền ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng để xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, hiện công trình này vẫn chưa được triển khai thực tế. 

Trong khi đó, nguồn nước thô dành cho nhà máy nước Cầu Đỏ hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước của các hồ chứa thủy điện. Khi thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng lên, trong khi nguồn nước đầu nguồn về hạn chế nên tình trạng thiếu nước cứ kéo dài và lặp đi, lặp lại. 

Theo báo cáo của Sở TN&MT TP Đà Nẵng, mực nước các hồ thủy điện trên đầu nguồn sông Vu Gia-Thu Bồn cũng đang ở mức rất thấp, khó có thể đáp ứng nhu cầu dùng nước của hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn. 

Nếu tăng lưu lượng xả để giảm mặn cho Cầu Đỏ theo đề nghị của Dawaco thì mực nước hồ chứa A Vương sẽ về mực nước chết chỉ trong khoảng 10 ngày, đối với hồ thủy điện Đắk Mi 4 chưa đến 8 ngày. Có thể nói, nguồn nước cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt tại vùng hạ du Quảng Nam và TP Đà Nẵng đang quý như vàng.

Trước tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đang diễn ra, Sở TN&MT TP Đà Nẵng vừa có công văn đề nghị Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương yêu cầu Trung tâm Điều độ điện quốc gia giảm huy động điện của các nhà máy thủy điện trên lưu vực hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn từ nay đến hết mùa cạn (ngày 31-8-2019) và kéo dài đến ngày 15-9-2019, ưu tiên dành nguồn nước từ các hồ thủy điện đầu nguồn Vu Gia-Thu Bồn để chống hạn, ngăn mặn và phục vụ nước sinh hoạt nếu tình trạng khô hạn kéo dài... 

Tại cuộc họp với các sở, ngành sáng 21-8, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Dawaco tăng cường xe bồn chở nước, lắp đặt bồn tạm cung cấp nước cho những khu vực thiếu nước sinh hoạt, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo các thủy điện đầu nguồn ở Quảng Nam tăng cường xả nước về hạ lưu... 

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Với tình hình nắng nóng như hiện nay, trong những ngày tới, nhiều khu vực ở Đà Nẵng sẽ tiếp tục quay cuồng trong cơn “khát nước”.

* Người dân đảo Lý Sơn thiếu nước sinh hoạt

Người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang rất lo lắng khi nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước ngầm tại chỗ sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Nước sử dụng trong ăn uống hầu như người dân trên đảo phải mua nước uống tinh khiết về dùng. 

Ông Nguyễn Lợi ở xã An Vĩnh, Lý Sơn cho biết, mấy tháng nay bồn nước của gia đình ông được bơm từ giếng lên nhưng không thể sử dụng trong ăn uống vì đã bị nhiễm mặn nặng. Gia đình ông chỉ có thể dùng nguồn nước ở bồn để giặt giũ. Để có nước sử dụng, gia đình ông Lợi phải mua nước đóng bình về dùng. 

“Năm nay do nắng hạn kéo dài nên nước giếng bị nhiễm mặn trầm trọng khiến máy bơm nước hư miết, không dùng được nữa. Giờ gia đình phải mua một bình nước 20 lít với giá 12 ngàn dùng trong ngày”, ông Lợi thở dài.

Nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn nghiêm trọng đang diễn ra tại 2 xã An Vĩnh và An Hải, huyện Lý Sơn. Không có nước sinh hoạt, hằng ngày, người dân trên đảo phải đến các cơ sở lọc nước để mua, chở từng can nước ngọt về sử dụng tắm rửa, nấu ăn. 

Nhiều người dân cho rằng, nguyên nhân dẫn đến nguồn nước ngọt ở đảo Lý Sơn bị xâm nhập mặn, ngoài những tác động của biến đổi khí hậu, nắng hạn kéo dài thì còn một phần do việc khai thác nguồn nước ngầm ở đảo ồ ạt. 

Năm 2014, Lý Sơn chỉ có 550 giếng nước thì đến nay đã có trên 1.300 giếng, trong đó có 913 giếng khoan, 414 giếng đào. Điều này góp phần làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn, cạn kiệt nguồn nước. UBND huyện Lý Sơn hiện đang kêu gọi doanh nghiệp khảo sát lập dự án lọc nước biển thành nước ngọt để cấp nước sinh hoạt cho người dân ở 2 xã An Hải và An Vĩnh. 

“Ở huyện đảo Lý Sơn có một túi nước ngọt chứ không phải mạch nước ngầm. Hạn hán khiến mưa ít vì vậy túi nước cạn kiệt dần. Do đó, việc lọc nước biển thành nước ngọt là một phương án rất bền vững. Huyện đã kêu gọi doanh nghiệp và tỉnh đã cho phép khảo sát lập dự án lọc nước biển thành nước ngọt, dự án đang được đơn vị đó khảo sát, khả năng là cung cấp 4.500m³/ngày đêm để phân phối nước trên địa bàn huyện đảo”, khi đề cập về trách nhiệm của chính quyền địa phương, ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết thêm như vậy.                        

Trung Thành

* Vét sông để gom nước chống hạn, cấp nước sinh hoạt

Ngày 21-8, ông Hồ Xuân Hòe, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho hay, hạn hán ở Quảng Trị đang trong tình trạng báo động đỏ. Hiện hầu hết các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đều đã cạn kiệt, chỉ còn từ 2-3% nước so với dung tích thiết kế. 

Nhiều con sông cạn trơ đáy hoặc bị xâm nhập mặn khiến cho việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và nước tưới phục vụ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. 

Công ty cung cấp nước sạch Quảng Trị đã phải huy động nhân lực nạo vét sông, gom nước từ các khúc sông còn sót lại, song chỉ đủ cung cấp luân phiên cho người dân TP Đông Hà và vùng lân cận, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dân. 

Về phát triển sản xuất nông nghiệp, hiện tỉnh Quảng Trị có trên 7.600ha lúa Hè Thu 2019 bị thiếu nước do hạn hán kéo dài. Trong đó có khoảng 1.300ha lúa chưa trổ bông, chậm hơn từ 10-15 ngày so với lịch gieo trồng dẫn đến nguy cơ mất trắng lớn khi tình trạng hạn hán này tiếp tục kéo dài do không có mưa.                     

Thanh Bình

Thân Lai
.
.
.