Trả lại vỉa hè cho người đi bộ: Phải thường xuyên, quyết liệt mới hiệu quả

Thứ Sáu, 03/03/2017, 09:38
Từ “phát súng” đầu tiên trong việc “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” của chính quyền quận 1, TP Hồ Chí Minh, đến nay hàng loạt các quận, huyện của địa phương này đã ra quân xử lý vi phạm vỉa hè. Tuy mỗi nơi có một cách xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè khác nhau nhưng đã tạo hiệu ứng tích cực…


Hiệu ứng tích cực từ TP Hồ Chí Minh

Trở lại những tuyến vỉa hè mà Phó Chủ tịch UBND quận 1 và đoàn liên ngành “vi hành” xử lý triệt để trong những ngày qua, chúng tôi thấy một hình ảnh khá phổ biến. Dọc các tuyến đường, xe gắn máy của khách hàng đến mua sắm tại các cửa hàng được xếp ngay ngắn trong vạch. Nhiều bậc tam cấp, pano quảng cáo nhô ra vỉa hè đã được người dân tự giác tháo dỡ.

Lực lượng liên ngành tại TP Hồ Chí Minh xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè.

Sáng 1-3, dọc tuyến đường Lê Thánh Tôn, chúng tôi ghi nhận nhiều cửa hàng đã thuê người tháo dỡ bậc tam cấp, bức tường lấn ra ngoài vỉa hè. Một cửa hàng thời trang chủ là người Hàn Quốc đã thuê công nhân đến tháo dỡ bậc tam cấp trước cửa hàng.

“Ông chủ cửa hàng sau khi thấy các cửa hàng dọc tuyến đường này tháo dỡ phần lấn chiếm vỉa hè đã kêu nhân viên của mình thuê người đến dỡ phần tam cấp lấn vỉa hè. Khách vào cửa hàng sẽ khó khăn nên phía cửa hàng sẽ làm bậc tam cấp bằng sắt di động và chỉ đặt ra khi có khách vào cửa hàng”- bảo vệ cửa hàng này cho hay.

Động thái mới nhất mà các phường tại quận 1 triển khai đang được người dân đồng tình đó là gửi thông báo đến từng nhà dân đề nghị người kinh doanh tự tháo dỡ sắp xếp lại xe cộ, không lấn chiếm vỉa hè. Từ thông báo của UBND phường, người dân cảm thấy “dễ thở” hơn và tự giác tháo dỡ phần lấn chiếm.

Hiệu ứng từ việc “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” của UBND quận 1 đã tác động mạnh đến các quận huyện khác nên trong các ngày gần đây. Các đoàn liên ngành của quận 3, Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức… đã đồng loạt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tại tuyến đường Phạm Văn Đồng (Bình Thạnh) hàng chục quán nhậu lấn chiếm hết vỉa hè có chiều rộng hơn 6m để đặt bàn ghế, giữ xe đã bị đoàn liên ngành lập biên bản.

Nhiều quán ăn thấy đoàn liên ngành đến đã huy động nhân viên dọn dẹp bàn của khách đang ngồi “lai rai” đưa vào bên trong. Tại quận Thủ Đức, các hàng quán gắn pano, bảng hiệu chiếm diện tích của vỉa hè trên đường Kha Vạn Cân, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Ngân… đã bị tịch thu, lập biên bản; riêng các phương tiện là xe ôtô của khách đậu trên vỉa hè bị niêm phong đưa về trụ sở. 

Hơn 10 ngày trước buổi ra quân sáng 1-3, UBND quận 3 đã chỉ đạo các phường gửi thông báo đến các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè yêu cầu tự tháo dỡ các phần lấn chiếm, cho nên, trong buổi sáng đoàn đi kiểm tra, nhiều bậc tam cấp, công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè trên đường Pasteur, Võ Thị Sáu, Lý Chính Thắng… đã được các hộ kinh doanh chủ động tháo dỡ.

Ông Trần Việt Lâm - Đội trưởng Đội Quản lý Trật tự đô thị quận 3 cho hay: “Hơn 100 trường hợp các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè đã bị lập biên bản xử phạt, trong sáng 1-3 đã có hơn 20 trường hợp bị lập biên bản và bị cưỡng chế tháo dỡ những phần lấn chiếm. Khi thực hiện công tác xử lý, nhiều người dân rất đồng tình. Tại quận Tân Phú, Phú Nhuận, đoàn liên ngành cũng tiến hành ra quân nhưng chủ yếu phát phiếu vận động người dân tháo dỡ phần bậc tam cấp, các công trình xây dựng lấn chiếm. 

Ông Nguyễn Quốc Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú cho biết: “Đa phần người kinh doanh lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn quận là người có điều kiện kinh tế thấp, mưu sinh nuôi sống cả gia đình bằng cách bám vỉa hè. Vì vậy, trước khi thực hiện hành vi cưỡng chế, quận đã chỉ đạo các phường tuyên truyền, bắt ký cam kết tháo dỡ phần lấn chiếm. Khi nào người dân không thực hiện đúng cam kết sẽ cưỡng chế. Ngoài việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, hàng rong, phía quận đang tìm giải pháp hỗ trợ họ”.

Lập lại trật tự vỉa hè tại Hà Nội, có như “bắt cóc bỏ đĩa”?

Ngày 28-2, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải thông tin, UBND quận Hoàn Kiếm ra quân lập lại trật tự vỉa hè, “học tập” theo cách làm của UBND quận 1, TP Hồ Chí Minh. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đây là công việc làm thường xuyên của quận, và nằm trong Kế hoạch đã triển khai từ trước, từ ngay sau Tết Nguyên đán (ngày 9-2, tức ngày mùng 5 Tết). 

Tuy nhiên, dù thường xuyên kiểm tra nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở quận trung tâm có nhiều phố cổ này vẫn xảy ra thường xuyên, và tái diễn liên tục.

Phố Gia Ngư (Hà Nội) không còn vỉa hè cho người đi bộ.

Bên cạnh một số tuyến phố vừa được đoàn kiểm tra lập biên bản, xử lý các trường hợp vi phạm như khu vực Bệnh viện Phụ sản Trung ương trên phố Triệu Quốc Đạt, các tuyến phố Hàng Ngang – Hàng Đào, Chả Cá, Lương Văn Can, Hàng Cân… đều đã cải thiện, vỉa hè thoáng đãng…

Tuy nhiên, thực trạng ngày 1-3 khi chúng tôi đi khảo sát nhiều tuyến phố cho thấy, vẫn phổ biến hiện tượng nhiều hộ kinh doanh coi vỉa hè là “lãnh địa” riêng của mình, vẫn bày bán hàng, cho khách để xe máy tràn lan. Và khách du lịch, dân muốn đi bộ chỉ còn nước đi xuống lòng đường.

Trên các tuyến phố Cầu Gỗ, Gia Ngư, Đinh Liệt... hầu như cả dãy phố đều bị lấn chiếm để bán hàng, để xe máy, bán trà đá... Phố Đinh Liệt, khách du lịch và người đi bộ chỉ có thể đi dưới lòng đường bởi toàn bộ vỉa hè vốn đã nhỏ phải nhường chỗ cho áo len, mũ, khăn treo lủng lẳng trên đầu và xe máy của khách để kín vỉa hè.

Phố Hàng Bè tương tự, vỉa hè được tận dụng làm nơi bán hàng thực phẩm. Cửa hàng nào cũng kê thêm bàn, giá, kệ… ra vỉa hè để bày bán thịt chưng mắm tép, xôi… Phố Gia Ngư cũng chung cảnh vỉa hè dành cho hàng quán và xe máy, còn lòng đường mới là nơi đi lại của người đi bộ. Phố Hàng Vải cũng vẫn ngồn ngộn tre, nứa, thang… bày bán trên vỉa hè. Phố Hàng Thiếc cũng vẫn tràn ngập lò hoá vàng bằng tôn, thùng tưới… bày tràn ra kín vỉa hè.

Hà Nội đã tiếp tục chọn năm 2017 là “Năm trật tự và văn minh đô thị” (năm thứ 3 liên tiếp). Điều này thể hiện quyết tâm của chính quyền mong muốn lập lại trật tự, văn minh trên từng tuyến phố. Tuy nhiên, có một thực tế từ nhiều năm nay là khi có đoàn kiểm tra, vỉa hè được trả lại thông thoáng, nhưng chỉ sau vài ngày, tất cả lại “đâu vào đấy”. Thậm chí, rất nhiều đơn vị kinh doanh trông giữ xe đạp, xe máy vi phạm nhiều lần, lặp đi lặp lại. Nhưng họ vẫn chấp nhận nộp phạt để rồi lại tiếp tục vi phạm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Long cho rằng: “Tôi vẫn xác định là cần thay đổi nhận thức của mọi người mới là mấu chốt. Chứ có bao nhiêu cảnh sát, bao nhiêu người ra xử phạt cũng không xuể nếu người dân không đồng tình, không đồng lòng. Chúng tôi mong muốn người dân hiểu được trách nhiệm của mỗi công dân trong việc xây dựng đô thị”.

Cũng theo Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm, địa bàn quận có khu phố cổ rất phức tạp. Đường phố và vỉa hè chật hẹp, lượng người lớn. Rất nhiều người coi vỉa hè là nơi mưu sinh, do vậy trong công tác tiến hành xử lý vi phạm quận cũng giao cho các phường nắm rõ tình hình để có những giải pháp phù hợp, song quan điểm của quận vẫn là xử lý sai phạm, trả lại vỉa hè cho người đi bộ và mang tới hình ảnh đô thị văn minh.

Ông Long cũng khẳng định, để giải quyết các tụ điểm lấn chiếm vỉa hè, trật tự an toàn giao thông thì quan trọng nhất là sự vào cuộc của chính quyền cơ sở.

Trước câu hỏi lực lượng chức năng liên tục kiểm tra nhưng vi phạm vẫn tồn tại, theo ông Long, việc để xe đúng quy định, dành vỉa hè cho người đi bộ không chỉ đòi hỏi ý thức của các hộ kinh doanh mà ngay khách mua hàng cũng cần chấp hành quy định không để xe ở các tuyến phố cấm, gửi xe đúng bãi quy định. Ông Long khẳng định, tại các tuyến phố chính xác định là tuyến phố văn minh đô thị, các phường bố trí tổ liên ngành thường xuyên nhắc nhở, xử lý vi phạm.

Theo thống kê của UBND quận Hoàn Kiếm, năm 2016, lực lượng chức năng thống kê có 226 điểm phức tạp về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Đến cuối năm 2016, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã xóa bỏ 131 điểm và hiện còn 95 điểm đang tập trung giải quyết.

Ngọc Yến - Anh Thư - A.Huy
.
.
.