Tin thầy lang chữa được bỏng khiến trẻ suýt mất mạng
- Thầy lang phá thai bằng nước rau ngót, thai phụ tử vong
- Thầy lang chữa bệnh khiến bé trai 9 tuổi suýt mất chân
- Hiểm họa từ những "thầy lang vườn"
Tôi gặp anh Hà Văn Cương (Thường Tín, Hà Nội) tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng quốc gia khi anh đang chăm sóc con trai 2,5 tuổi Hà Gia Bảo bị biến chứng do điều trị bỏng ở thầy lang gần nhà. Đau xót và ân hận là những gì mà gia đình anh phải chịu đựng trong suốt những ngày qua.
Theo chia sẻ của TS.BS Nguyễn Hải An, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức cấp cứu, cháu Hà Gia Bảo là trường hợp điển hình về việc bỏng không đi viện mà đến thầy lang chữa. Cháu bị bỏng nước sôi với diện tích 30% cơ thể, nhưng do điều trị thầy lang khiến cháu bị nhiễm trùng máu, sốc, co giật, tiên lượng bệnh rất nặng.
Kể lại với tôi, anh Cương cho biết, cháu Bảo bị ngã ngồi vào nồi canh to (nấu cho thợ) vừa bắc từ bếp xuống. Cháu bị bỏng nặng từ phần lưng, tay xuống tới chân. Trong lúc hoảng hốt, gia đình đưa cháu tới thầy lang gần nhà, thầy nói chữa được nên đã không đưa cháu tới viện. Sau 3 ngày đắp lá, cháu Bảo bị co giật, sốc, gia đình đưa tới bệnh viện gần nhà cấp cứu. Bác sĩ nói cháu bị nhiễm trùng máu, phải thở ô-xy. Ngay sau đó, cháu được chuyển tới Bệnh viện (BV) Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch, huyết áp tụt sâu, co giật.
Trẻ bị bỏng điều trị ở Viện Bỏng quốc gia. |
6 ngày sau, cháu Bảo được chuyển đến Viện Bỏng quốc gia, điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu. Tình hình của cháu không mấy khả quan khi biến chứng vào phổi, ngừng tim 2 lần, một số bộ phận bị hoại tử, tiếp tục được lọc máu và thở máy. Hơn 1 tháng điều trị hồi sức tích cực, trải qua 3 lần phẫu thuật cấy ghép da, cháu mới thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Trao đổi với tôi chiều 31-3, anh Cương cho biết, sau 3 tháng điều trị, bác sĩ nhận định sức khỏe cháu đã tiến triển tốt, tay chân còn yếu nhưng cháu đã tỉnh táo, tiếp thu được. Bỏng trẻ em thường rất dễ gặp, đáng lẽ ra các cháu được chữa khỏi, ít để lại tổn thương, nhưng do một số bậc phụ huynh đưa con đi đắp lá nên đã mất đi cơ hội điều trị tốt nhất cho các cháu.
Từ đầu năm đến nay, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang điều trị cho 8 trường hợp bị bỏng do nước sôi, chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Ths.BS Quàng Văn Hải, Phó trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang cho biết: “Các ca bỏng nặng thường phải điều trị lâu dài, rất tốn kém.
Theo BS Hải, nhiều người không biết đã sơ cứu cho trẻ sai cách trước khi đưa đi viện như dùng nước đá lạnh chườm vào vết bỏng. Đây là hiểu lầm tai hại vì có thể gây tổn thương da. Không áp dụng biện pháp truyền miệng như phun rượu, bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương. Với vết bỏng lớn không được cởi quần áo cho trẻ, mà phải dùng kéo cắt để tránh gây tổn thương nặng…
BS Quàng Văn Hải khuyến cáo, khi trẻ bị bỏng nước sôi, việc đầu tiên các gia đình cần làm là đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc chậu nước mát và sạch để giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương… Nếu có thuốc xịt bỏng thì nhanh chóng xịt cho trẻ. Dùng băng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ che phủ vết bỏng.
Bỏng nước sôi cần được sơ cứu đúng ngay từ những giây phút đầu tiên, nếu xử trí sai có thể khiến vết bỏng sâu hơn, gây nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng sẹo xấu, co rút cơ…, thậm chí để lại thương tật vĩnh viễn cho người bệnh.
Sau khi sơ cứu ban đầu, trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thảo dược (không rõ nguồn gốc) để cấp cứu và tự chữa bỏng cho trẻ.
Đặc biệt, không đưa trẻ chữa bỏng ở thầy lang, đắp các loại thuốc không rõ nguồn gốc, gây nhiễm trùng và biến chứng nặng nề như nhiều trường hợp đã xảy ra.