Tích cực vận động lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc về nước
- Cơ hội việc làm cho lao động Hàn Quốc về nước
- Giả Phó Giám đốc ngân hàng lừa tiền chạy lao động Hàn Quốc
- Nguy cơ “đóng cửa” thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc
Tỷ lệ này cũng cao gấp 2,5 lần so với các quốc gia có lao động phái cử sang Hàn Quốc làm việc. Mục tiêu giảm 30% tỷ lệ lao động Việt Nam hết hợp đồng bỏ trốn đang đứng trước áp lực rất lớn. Thị trường Hàn Quốc có tiếp tục mở rộng với lao động Việt Nam hay không đang phụ thuộc vào việc giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn này.
Tỷ lệ bỏ trốn vẫn cao
Là địa phương có 3 huyện là: Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang bị xếp vào danh sách các địa phương không được tham dự chương trình EPS (chương trình dành riêng cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc) do tỷ lệ lao động bỏ trốn lớn, tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực để giảm tỷ lệ lao động lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang, mỗi năm tỉnh Bắc Giang đưa được 4.000 - 4.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài và hiện khoảng 25.000 lao động tạo địa phương này đang làm việc ở nước ngoài.
Nhiều địa phương đang tích cực đến từng nhà để vận động lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc về nước. |
Theo đại diện Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang, lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS cũng chiếm phần không nhỏ do chi phí xuất cảnh thấp nhưng có thu nhập cao, quy trình tuyển chọn lại đơn giản nên tại các kỳ kiểm tra tiếng Hàn đều có từ 1.000-2.500 lao động tham gia.
Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 2.100 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này, trong đó 7 tháng đầu năm nay có hơn 300 lao động xuất cảnh, với mức lương cơ bản từ 20 đến 30 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên thời gian qua, dù bằng mọi cách tuyên truyền vận động, tỷ lệ lao động bỏ trốn của địa phương này ở Hàn Quốc vẫn ở mức cao. “Dù đã có nhiều nỗ lực để vận động lao động về nước nhưng tới nay, tỷ lệ lao động của tỉnh cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài vẫn còn rất cao.
Tính đến hết tháng 7-2018, tỉnh Bắc Giang vẫn còn 528 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Cũng chính vì tỷ lệ lao động bỏ trốn còn lớn nên ngày 7-9, Bộ LĐ-TB&XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước đã tổ chức hội nghị tuyên truyền vận động lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước tại tỉnh Bắc Giang”, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang thừa nhận.
Ráo riết vận động là một trong những động thái mới nhất để vận động lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước đang được Cục Quản lý lao động ngoài nước đang phối hợp cùng Trung tâm lao động ngoài nước, các Sở LĐ- TB&XH các địa phương triển khai.
Bên cạnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền, các địa phương còn phải đến tận nhà vận động người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước đúng quy định.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã giao Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức các hội nghị tuyên truyền vận động người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc về nước đúng hạn. Trước mắt sẽ tổ chức tại 5 tỉnh có số lượng lao động bỏ trốn lớn là Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Bắc Ninh và Bắc Giang.
“Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang triển khai khá nhiều giải pháp nhưng Bộ luôn xác định coi công tác tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng hạn là nhiệm vụ trọng tâm. Đây được xem là vấn đề cốt lõi và là cái gốc để giải quyết vấn đề này, làm sao không chỉ là lợi ích của cá nhân, mà là lợi ích của cộng đồng, của cả quốc gia”, ông Liêm nói.
Dù thế nào cũng phải thực hiện đúng quy định
Đề cập đến tình trạng lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc, bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, con số hiện nay đã giảm, đây là tín hiệu đáng mừng, dù chưa được như kỳ vọng. Theo bà Lan, hiện nay số lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc khoảng hơn 15 nghìn người, đã giảm nhiều so với giai đoạn trước.
“Chúng tôi đã từng tiếp xúc với nhiều lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, tất cả cũng là vì nguyện vọng muốn kiếm tiền về để xây dựng cuộc sống gia đình. Họ cũng vì hoàn cảnh mới phải cố gắng tần tảo. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là dù thế nào thì chúng ta cũng phải thực hiện đúng các quy định. Hãy về nước đúng thời hạn hợp đồng, nếu có nguyện vọng thì người lao động vẫn tiếp tục có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc. Tất cả phải hiểu là nếu tỷ lệ bỏ trốn cao, phía Hàn Quốc thắt chặt thì họ đang tự tay đóng cánh cửa của hàng nghìn lao động đang có nguyện vọng chính đáng khác, bên cạnh đó họ cũng khép lại cơ hội trở lại Hàn Quốc làm việc của chính mình”, bà Lan chia sẻ.
Đề cập đến giải pháp để hạn chế lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc, bà Lan cho biết, các cơ quan chức năng Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp, tuy nhiên ưu tiên vẫn là tuyên truyền vận động. Không chỉ đến từng nhà vận động ở trong nước mà còn gặp gỡ vận động từng người tại Hàn Quốc để giảm tỷ lệ cư trú bất hợp pháp xuống mức thấp nhất.
Đối với lao động về nước, bà Lan cho biết, phía Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ lao động sau khi về nước như: Làm thủ tục, tạo điều kiện cho lao động có cơ hội quay trở lại Hàn Quốc làm việc lần thứ 2. Đối với những người không có nguyện vọng, không có cơ hội quay trở lại Hàn Quốc thì Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm tạo cơ hội cho người lao động có thể tìm được việc làm với mức thu nhập cao, với các điều kiện kỹ năng đã có sau thời gian làm việc ở Hàn Quốc.
Ưu tiên tuyên truyền vận động, tuy nhiên ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, phía Việt Nam cũng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cứng rắn nhằm hạn chế tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc bỏ trốn. Trong đó, lao động đi làm việc tại Hàn Quốc sẽ phải thực hiện ký quỹ 100 triệu đồng trước khi xuất cảnh. Những lao động bỏ trốn, vi phạm hợp đồng sẽ bị xử phạt.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng sẽ phối hợp với phía Hàn Quốc thực hiện truy quét, xử phạt lao động, xử phạt với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động bất hợp pháp là người Việt Nam. Ông Liêm cho biết thêm, gần đây nhất hai bên đã bàn giải pháp thứ 6 là thực hiện ân hạn, đặc cách cho lao động hết hạn hợp đồng về nước được phép quay lại Hàn Quốc làm việc.