Thủy điện không ngừng xả lũ, hạ du vẫn còn ngập sâu
- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tình hình mưa lũ tại Quảng Nam
- Quảng Nam đang đối mặt với trận lũ lịch sử
- Nhiều địa phương tại Quảng Nam bị nước lũ cô lập hoàn toàn
- Xúc động hình ảnh lực lượng CAND dầm trong mưa lũ giúp đỡ nhân dân
Theo dự báo của cơ quan chức năng, trong chiều và tối nay 6-11, mực nước trên các sông ở Quảng Nam tiếp tục xuống chậm.
Trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa xuống 9m - mức báo động 3; trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy xuống mức 8,6m - mức báo động 3, tại Câu Lâu xuống mức 4,5m - trên báo động 3 0,5m, tại Hội An xuống mức 2,6m - trên báo động 3 0,6m; trên sông Tam Kỳ tại Tam Kỳ xuống mức 1,7m - mức báo động 1.
![]() |
Việc các thủy điện lớn nơi đầu nguồn không ngừng xả lũ khiến nước lũ ở hạ du rút rất chậm. |
Một trong những lý do dẫn đến mực nước lũ trên các sông tại Quảng Nam xuống rất chậm là do các thủy điện lớn ở thượng nguồn vẫn không ngừng xả lũ về hạ du.
Tính đến 15h chiều nay, hồ thủy điện Sông Bung 4 tiến hành xả lũ với lưu lượng 485,6m3/s; hồ thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ với lưu lượng 4.926m3/s; hồ thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ với lưu lượng hơn 1.946m3/s.
Đợt mưa lũ lần này đã gây ra tình hình ngập lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trong đó tập trung tại các địa phương Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An...
Mưa lũ đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề khi thống kê sơ bộ đến ngày 6-11 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận có 7 người chết, 9 người mất tích, 15 người bị thương; hơn 200 ngôi nhà bị hư hỏng, hàng vạn nhà dân bị ngập sâu trong lũ; hàng trăm héc-ta hoa màu bị đổ ngã; nhiều tuyến đường, kè bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng… Ước tính tổng thiệt hại ban đầu lên đến 250 tỷ đồng.