Thời tiết nắng nóng, những món giải nhiệt hút khách trong dịp Tết

Thứ Sáu, 08/02/2019, 16:44
Tết năm nay oi nóng, cộng thêm sức mua còn yếu vì người dân vẫn còn thực phẩm tích trữ từ trước Tết nên giá cả các mặt hàng vì thế cũng không tăng giá nhiều, thậm chí, nhiều hàng rau xanh đến cuối ngày còn bán giá rất rẻ vì sợ rau hỏng.

  

 

Rau xanh phong phú, giá tăng không đáng kể

Mùng 2 Tết, tuy còn ít, chỉ lác đác các hàng rau, cá và thịt lợn thịt bò mở hàng bán lấy may đầu năm. Nhưng  đến ngày mùng 4 Tết, các chợ đã khá nhộn nhịp người mua kẻ bán. Mức giá cũng theo ngày biến động giảm dần. Nếu như mùng 2 Tết nguyên đán, vì còn ít hàng bán nên giá thực phẩm, đặc biệt là rau xanh đắt gấp đôi thời điểm trước Tết. Người bán với tâm lý một mình một chợ nên cũng tự động “đẩy” giá lên cao. 

Tại chợ Ngọc Lâm, giá một mớ rau muống là 40.000 đồng, rau cần được bán 20.000 đồng/mớ. Cà chua cũng có giá cao ngất ngưởng 40.000-50.000 đồng/kg. Các chợ truyền thống khác hầu như chưa mở cửa, thay vào đó là các chợ cóc mọc tạm trên vỉa hè, lòng đường… 

Trên phố Nguyễn Khắc Cần, cũng vào mùng 2 Tết, một vài hàng hoa, hàng cá và duy nhất một hàng bán rau tươi cũng đã mở hàng. Tuy nhiên, do sức mua còn yếu nên đa số người bán chỉ bán hàng vào buổi sáng, mở hàng lấy may và đến đầu giờ chiều đã thu dọn. Người mua cũng rất ít, dù hệ thống các siêu thị cũng chưa mở cửa. Đa số tập trung vào các loại rau ăn lẩu. Hàng thịt cũng chỉ bán được chủ yếu là sườn non phục vụ món lẩu riêu cua sườn sụn. 

Chị Hoàng Thị Ngân, bán thịt tại chợ Ngọc Lâm cho biết: “Tôi cũng lường trước được sức mua nên hạn chế, không dám lấy cả con con mà mấy chị em bạn hàng chung nhau một con thôi, chia ra bán tại các chợ”.

Rau xanh khá phong phú, giá cả tăng nhưng không quá đắt so với trước Tết.

Tuy nhiên, sang đến ngày mùng 4 Tết, không khí mua bán tại các chợ đã khá tấp nập. Đặc biệt, do hai năm trở lại đây, mùa đông không có nhiều đợt rét đậm, rét hại, thậm chí năm nay còn nắng nóng như giữa mùa hè nên các loại rau phát triển rất mạnh, không có sự khan hiếm rau xanh, giá cả cũng vì thế giảm nhiệt, không còn cảnh “hét” giá như mọi năm… Một mớ cải xanh tại chợ Hàng Bè cũng chỉ có giá 7.000 đồng, đắt hơn thời điểm trước Tết 2.000 đồng; su hào: 5.000 đồng/củ; bắp cải: 15.000 đồng/kg… 

Đặc biệt, ở nhiều chợ ngoại thành như chợ Mai Lâm (huyện Đông Anh), giá rau xanh rất rẻ do đa số là rau của người dân trong xã trồng và thu hoạch bán tại chợ. Giá rau xà lách chỉ 10.000 đồng/kg; rau cải xanh 3.000 đồng/mớ; rau cần: 8.000 đồng/mớ… Các loại nấm cũng không tăng đột biến. Nấm hải sản có giá 150 nghìn đồng/kg; nấm kim châm có giá 20 nghìn đồng/túi. 

Các quầy bán cá khá đông khách do nhu cầu ăn lẩu và các món ít đạm của người tiêu dùng.

Tại các hàng bán cá, giá cá trắm nguyên con: 100.000đ/kg, cá trắm cắt khúc: 150.000đ/kg; cá chép: 95.000 đồng/kg. Mức giá này cũng chỉ đắt hơn trước Tết 15.000 – 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cá lại là lựa chọn nhiều nhất của các gia đình vì đã quá ngán các loại thịt nên các hàng bán rất đông khách. 

Các quầy bán hải sản cũng chỉ bán mạnh các loại ngao để người dân nấu canh chua. Giá ngao trắng được bán dao động từ 40.000 – 45.000 đồng/kg; tôm càng xanh: 400.000 đồng/kg. Thịt bò cũng đã được bán nhưng giá khá cao: 600.000 đồng/kg bắp lõi (trước Tết là 350.000 đồng/kg); gàu hoa: 350.000 đồng/kg (trước Tết chỉ 250.000 đồng/kg).

Bún riêu, trà sữa, cà phê… hút khách

Khác với mọi năm, do thời tiết nắng nóng nên các quán bún riêu, bún ốc, bún cá… vốn đã đông khách dịp Tết Nguyên đán, năm nay càng tấp nập. Và giá cả cũng vì thế được tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Nhiều quán bán với giá 50.000 – 60.000 đồng/bát (trước Tết chỉ có giá 30.000 đồng). Tuy nhiên, đa số thực khách đều chấp nhận mức giá này. Thậm chí, nếu ăn muộn sau 7h tối, còn có nguy cơ hết hàng. Quán bún riêu nào cũng đông khách, trong khi các quán phở, bánh cuốn… lại khá vắng vẻ.

Không còn chỗ, khách mua kem Tràng Tiền phải đứng ăn ngay cả trên lòng đường.

Trong những ngày Tết Nguyên đán, một trong những địa điểm được giới trẻ tìm đến là trà sữa. Và ngay từ ngày mùng 4 Tết, hầu như các quán trà sữa đều đã mở cửa phục vụ nhu cầu giải khát của khách hàng. Tuy nhiên, giá cả không tăng so với thời điểm trước Tết. Các quán cà phê cũng nườm nượp khách. Thậm chí, ở những quán có view đẹp, và là các thương hiệu nổi tiếng như Aha cafe mở cửa xuyên Tết. Hệ thống Cộng café thì tuỳ từng điểm mở xuyên Tết hoặc mùng 2, mùng 3 mới mở. Một số quán cafe cũng treo bảng xin phép thu thêm phụ phí phục vụ Tết. Đặc biệt, kem Tràng Tiền, một địa chỉ quen thuộc của người dân Hà Nội luôn trong cảnh xếp hàng dài dằng dặc mới đến lượt mua. 

Ngay cả các điểm bán KFC và Mcdonald's trên phố Hàng Bài cũng rơi vào tình trạng quá tải. Khách xếp hàng chờ gần tiếng đồng hồ mới mua được đồ ăn. Chị Hoàng Thiên Hương (phố Ngọc Lâm – Long Biên) cho biết: "Chiều các con, tôi đưa đi ăn gà rán tại KFC, nhưng đứng chờ đến lượt gần 30p không đến lượt mua nên đành bỏ cuộc, đưa các con đi ăn món khác”. Còn chị Mai Loan (phố Khương Thượng- Đống Đa) chia sẻ: “Nhìn cảnh đứng xếp hàng ra tận cửa chúng tôi cũng ngán ngẩm lắm. Chiều các con nên đành cố chờ. May mà Mcdonald's phục vụ nhanh nên cũng không quá ngột ngạt”.

Cửa hàng Mcdonald's trên phố Hàng Bài quá tải vì đông khách.

Kỳ nghỉ Tết còn kéo dài đến hết ngày 10-2 (mùng 6 Tết), và theo cơ quan Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, thời tiết tiếp tục còn nắng nóng nên dự kiến, thị trường thực phẩm sẽ vẫn hút khách với những món ăn giải nhiệt.


Ngọc Yến
.
.
.