Thị trường sau Tết ổn định, nguồn cung dồi dào

Thứ Ba, 24/02/2015, 08:58
Ngày 23/2, tức mùng 5 Tết, ngày nghỉ cuối cùng của kỳ nghỉ Tết, Bộ Công Thương đã có báo cáo nhanh về thị trường Tết năm nay. Theo đó, thị trường tương đối ổn định, giá cả các loại hàng hóa không tăng nhiều, nguồn cung dồi dào.

Hiện giá thực phẩm vẫn giữ ở mức cao nhưng nhu cầu không lớn nên không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường. Dự kiến giá cả sẽ sớm ổn định trở lại.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, việc chuẩn bị cho thị trường Tết năm nay đã được thực hiện khá chu đáo. Đặc biệt, năm nay, Bộ Công Thương có chương trình làm việc với một số huyện đảo, bởi thực tế cho thấy nhu cầu bình ổn thị trường tại khu vực này rất cần thiết do dịp cuối năm cũng là mùa gió chướng, mưa bão, biển động, việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Chưa kể đến dân số cơ học tăng đột biến do tàu bè đánh bắt vào tránh bão, gây ảnh hưởng tới nhu cầu, giá cả hàng hóa ngoài đảo.

Vì vậy, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh có đảo quan tâm hỗ trợ vận chuyển, cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường, hàng hóa thiết yếu (như xăng dầu, nhu yếu phẩm) cho người dân huyện đảo.

Theo báo cáo đánh giá sơ bộ, lượng hàng hóa được các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh tại các địa phương chủ động chuẩn bị cho dịp Tết ước đạt hơn 200 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với Tết năm trước. Hàng hóa phục vụ Tết được lưu thông qua gần 8.568 chợ, 752 siêu thị và 150 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi trên khắp cả nước... Một số địa phương hỗ trợ kinh phí vận chuyển để đưa hàng Tết, hàng Việt ra các huyện đảo, miền núi, vùng nông thôn...

Theo số liệu thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 1 tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2014. Sức mua trong dịp Tết chủ yếu tập trung vào nhóm ngành hàng phục vụ nhu cầu ăn uống, may mặc và trang trí như thực phẩm tươi sống, hoa cây cảnh, trái cây, quần áo giầy dép. Năm nay với kỳ nghỉ Tết dài và khá sớm (từ 27 đến 5/1 âm lịch), sức mua những ngày trước Tết không bị dồn vào 2 ngày cận Tết. Cùng với các chi phí khác như vận tải, nguyên vật liệu đầu vào tương đối ổn định, nên giá cả hàng hóa cận Tết không có biến động lớn.

Từ ngày 27-30 Tết, sức mua các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng mạnh hơn nhưng giá không tăng đột biến (giá thịt lợn, gà, thủy sản tăng 10-15%). Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết, sau thời gian nghỉ, nhiều siêu thị và các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ đã bắt đầu bán hàng trở lại. Nhu cầu trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng. Một số mặt hàng như cá, rau xanh tăng nhẹ so với trước Tết.

Thời tiết nắng ấm nên tại các khu du lịch, đền chùa du khách đến đông, nhu cầu đối với các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình cao, giá cũng tăng khoảng 30-40% so với ngày thường.

Thời tiết năm nay thuận lợi cho sự phát triển của hoa, cây cảnh nên nguồn cung dồi dào và đa dạng về chủng loại. Giá bán hoa đào tại miền Bắc những ngày từ 20-26 Tết tăng hơn so với năm trước từ 3-5% do thời tiết ấm, đợt nắng nồm tháng trước đã kích thích hoa nở nhiều, các vườn đào đã phải bán sớm; giá quất cũng tăng khoảng 10-15% do ảnh hưởng của bệnh thối gốc và diện tích trồng không nhiều, đến những ngày từ 26-29 Tết, giá đào, quất được chào bán với giá khá cao (cao hơn cùng kỳ năm trước 20-30%) nhưng sức mua thấp. Đến ngày 30 nhiều điểm bán đã hạ giá bán để thu vốn nên sức mua tăng hơn; hoa hồng giá tăng khoảng 30-50% trong ngày 25-26 Tết (dịp Valentine 13 – 14/2), sau đó giảm nhẹ; đối với hoa ly, do nguồn cung năm nay nhiều hơn nên giá ly thấp hơn cùng kỳ năm trước từ 20-30%.

Sau khi tăng liên tiếp từ đầu năm 2014, đến cuối năm giá thịt lợn các loại đã giảm và nhích chậm vào những ngày giáp Tết, tuy nhiên mức tăng không nhiều, phổ biến quanh mức 90.000 – 110.000 đồng/kg tùy loại. Thịt bò, gia cầm, thủy hải sản... là các mặt hàng có sức tiêu thụ tăng trong những ngày cận Tết nên giá tăng so với ngày thường. Đến ngày mùng 5 Tết,  giá phổ biến ở mức: Thịt bò thăn: 280.000 - 300.000 đồng/kg; gà ta làm sẵn: 150.000 - 160.000 đồng/kg; tôm sú (26-30 con/kg):  450.000 - 500.000 đồng/kg. Rau củ, trái cây nguồn cung dồi dào, giá giảm nhẹ dịp trước Tết và chỉ tăng nhẹ vào những ngày cận Tết.

Đến ngày mùng 5 Tết, thời tiết nắng ấm, nhu cầu rau củ tăng, giá các loại rau, củ trái cây tăng nhẹ (5 – 10%) so với ngày trước Tết. Bộ Công Thương ghi nhận không có tình trạng sốt giá ở mặt hàng nào. Về gạo, giá tăng so với các tháng thường khoảng 2.000-3.000đ/kg, tùy loại, gạo tẻ thường phổ biến ở 13.000 – 13.500 đồng/kg, gạo chất lượng cao ở mức 16.000 – 21.500 đồng/kg. Dự báo những ngày sau Tết, do nguồn cung tiếp tục được bổ sung cùng với tiêu thụ chậm nên giá lúa gạo có thể ổn định hoặc giảm nhẹ. 

V.Hân
.
.
.