Theo dõi cồn cát nổi ở biển Cửa Đại để có giải pháp phù hợp
- Các chuyên gia vào cuộc làm rõ cồn cát nổi “kỳ lạ” ở biển Cửa Đại
- Đảo cát dài 3km xuất hiện giữa biển Cửa Đại
Theo đó, năm 1988, biển Cửa Đại cũng từng xuất hiện một cồn cát nổi gần bờ, với kích thước lớn gấp 4 lần cồn cát nổi hiện tại và lệch về hướng Bắc. Sau đó, cồn cát này dịch chuyển dần và nhập dính vào bờ vào năm 1991. Cùng lúc, một cửa sông mới hình thành sau một trận lũ tại vị trí khu du lịch Victoria bây giờ…
Về cơ chế hình thành, cồn cát nổi năm 1988 và cồn cát nổi hiện tại cơ bản giống nhau và cũng là hiện tượng tự nhiên bình thường tại các cửa sông mà bên trong có phù sa nhiều.
Cồn cát nổi giữa biển Cửa Đại nhìn từ trên cao (ảnh tư liệu). |
Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự tương tác của dòng chảy mang phù sa từ sông đổ ra biển, sự dịch chuyển của dòng chảy mang trầm tích ven bờ và chế độ sóng, thủy triều theo mùa từ bên ngoài vào đã tạo thành một “điểm dừng”, bồi tụ dần qua năm tháng hình thành bãi ngầm ngay trước cửa sông.
Đối với cồn cát nổi hiện nay, tháng 11-2017, xuất hiện một trận lũ mạnh, cùng lúc với việc phá dỡ bãi đúc dầm cầu Cửa Đại ở phía Bắc đã làm dòng chảy dịch chuyển mạnh về phía Bắc. Lượng bùn cát đổ ra trong 4 ngày của trận lũ này bị ảnh hưởng của sóng nên không đi xa được mà “dừng lại” tại bãi cát ngầm ngoài Cửa Đại đã được hình thành trước đó.
Ngoài ra lượng cát xói lở từ bãi biển Cửa Đại theo dòng chảy ra đọng lại bãi ngầm này. Do không có gió bão, áp thấp nhiệt đới lớn ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực biển Cửa Đại nên từ năm 2018 đến nay bãi ngầm ổn định với diện tích cả trăm héc-ta và một phần nhỏ nổi lên trên, ước khoảng 12ha.
Khác với cồn cát năm 1988, việc cồn cát này dịch chuyển dính vào bờ là khó hơn và chắc chắn sẽ gây bồi lấp luồng tàu phía Bắc. Hiện các nhà nghiên cứu, nhà khoa học vẫn đang tiếp tục theo dõi sự biến động của cồn cát nổi ở biển Cửa Đại để có những giải pháp phù hợp.