Thành phố đầu tàu kinh tế cả nước và giấc mơ xóa... nhà "ổ chuột"(!)

Thứ Bảy, 21/04/2018, 09:27
Nhìn sự sạch đẹp và sung túc bên bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Bến Nghé – Tàu Hủ, không phải chỉ người dân đang sống bên những dòng kênh đen của thành phố mà chính quyền, ngành chức năng đều khao khát đến ngày nhiều con kênh đen khác với hàng ngàn căn nhà “ổ chuột” hiện hữu trên địa bàn sẽ được cải tạo, chỉnh trang như thế. 


Kỳ cuối: Quyết tâm, quyết liệt và thận trọng “chọn mặt gửi vàng”

Tại một hội nghị chuyên đề vào đầu tháng 2-2018, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ, nhiều nhiệm kỳ qua, thực trạng nhà “ổ chuột” là vấn đề khiến nhiều lãnh đạo thành phố day dứt. 

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu di dời, tổ chức lại cuộc sống cho khoảng 20.000 nhà “ổ chuột”, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với việc chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh rạch…

Khẳng định thực trạng nhà “ổ chuột” là vấn đề day dứt với thành phố nhiều năm qua, lãnh đạo thành phố cho biết trong điều kiện ngân sách thành phố chỉ có thể chi được khoảng 2.500 tỷ đồng - con số khá khiêm tốn so với số tiền cần đầu tư thực tế (trên 23.000 tỷ đồng), thành phố quyết định huy động nguồn lực từ dòng vốn xã hội hóa. 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, chủ trương của thành phố đối với công tác di dời, giải tỏa nhà ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị là người dân được tái định cư tại chỗ; ngược lại nhà đầu tư được phép kinh doanh khai thác quỹ đất trống dôi dư dọc bờ kênh rạch sau giải tỏa, bố trí tái định cư. 

Các hộ dân sống trên và ven bờ Nam kênh Đôi (quận 8, TP Hồ Chí Minh) sẽ được di dời và tái định cư. Ảnh N.D.

“Hiện thành phố đã chọn ra 6 dự án. Các dự án này đã thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm nên sau khi thống nhất phương án triển khai, ngay trong quý 3 năm nay, thành phố sẽ tổ chức đấu thầu để triển khai trước từ 1 đến 2 dự án, sau đó rút kinh nghiệm để triển khai đại trà”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thông tin.

Theo UBND thành phố, đến nay đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện chương trình đột phá thứ 7. Công ty Hà Nội Ngàn Năm đề xuất dự án chỉnh trang rạch Trung Tâm (quận Bình Thạnh); Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Đầu tư hạ tầng và Nhà ở Sài Gòn đang tập trung nghiên cứu dự án chỉnh trang bờ Nam kênh Đôi - kênh Tẻ (quận 8)…

Nhìn từ góc độ nhà đầu tư, một chủ doanh nghiệp đang tham gia một dự án chỉnh trang đô thị tại quận 8 cho biết, quyết tâm đột phá vào dự án khá đặc thù như vậy, doanh nghiệp cũng đã lường trước những khó khăn. 

“Bố trí tái định cư không chỉ là giải quyết chỗ ở mà còn phải lo nhiều vấn đề liên quan khác như công ăn việc làm, học hành, dịch vụ xã hội và văn hóa tinh thần của người dân. Khó khăn nữa là nhiều hộ dân sử dụng phần đất lấn chiếm, xây dựng không phép nên không đủ điều kiện để bồi thường, hỗ trợ theo quy định, từ đó dẫn tới giá trị bồi thường thấp, không đảm bảo điều kiện ổn định cuộc sống sau đó khiến người dân không chấp thuận di dời. Do vậy, nhà đầu tư rất cần thành phố vận dụng linh hoạt cơ chế đặc thù nhằm tạo đột phá trong bồi thường nhằm hài hòa lợi ích người dân, tạo sự đồng thuận để việc giải tỏa tiến hành nhanh”, chủ doanh nghiệp này nói.

Trở lại với kinh nghiệm thành công từ việc thực hiện 2 dự án chỉnh trang kênh rạch “đình đám” trước đây là Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm, gắn với các dự án chỉnh trang đô thị mà thành phố đang tập trung thực hiện, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng bộ môn Đô thị học, Trường Đại học KHXH và NV thành phố đồng tình việc bố trí tái định cư tại chỗ. 

“Người dân tái định cư tại chỗ sẽ cảm thấy an tâm hơn việc bứt họ ra khỏi địa bàn quen thuộc bởi ngoài gây khó khăn trong sinh kế, còn làm cho người dân thấy bất an về tâm lý. Do đó trường hợp không thể tái định cư tại chỗ thì nên tìm địa điểm không xa nơi ở cũ trong phạm vi địa bàn phường là tốt nhất”, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa nói.

Thực tế sau khi dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè di dời, giải tỏa hơn 7.000 hộ dân với 50 ngàn nhân khẩu, những cư dân này được đưa vào các chung cư như Rạch Miễu, Hiệp Bình Phước, Trần Quốc Thảo… 

Nhưng sau 10 năm, khảo sát của các chuyên gia cho thấy, có đến 72% người dân tái định cư ở đây vẫn không hài lòng với cuộc sống ở chung cư tái định cư. Hơn thế, sau 10 năm, số hộ dân tái định cư còn trụ lại ở chung cư tái định cư ngay trung tâm thành phố là Trần Quốc Thảo chỉ còn khoảng 60%; chung cư Hiệp Bình Phước còn 50%. 

Tại dự án chỉnh trang kênh Tân Hóa - Lò Gốm, trong số 72 hộ dân được tái định cư tại chỗ, sau 10 năm số hộ còn trụ lại là 90%, những hộ phải bán nhà chuyển đi chủ yếu vì lý do riêng. Nhưng trong số 94 hộ dân di dời của dự án này được tái định cư ở Bình Hưng Hòa A, sau đó chỉ còn 40% số hộ trụ lại được.        

Để quá trình triển khai các dự án xóa nhà “ổ chuột” diễn ra thuận lợi, Hiệp hội Bất động sản thành phố lưu ý với thành phố khi lựa chọn nhà đầu tư rằng Luật Kinh doanh bất động sản quy định chủ đầu tư dự án chỉ cần có 15- 20% vốn chủ sở hữu; 80 - 85% vốn đầu tư dự án còn lại của doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc chủ yếu vào 2 nguồn là vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng, mà trước hết là nguồn vốn tín dụng ngân hàng để thực hiện dự án. 

“Do đó, ngoài việc lựa chọn những DN có phương án tốt, thành phố cần chọn mặt gửi vàng, thẩm tra kỹ năng lực của nhà đầu tư trước khi quyết định giao dự án”, đại diện Hiệp hội Bất động sản thành phố nói.

Thực tế mà Hiệp hội Bất động sản thành phố cảnh báo chính là câu chuyện từng xảy ra tại quận 8. Đó là khi tiến hành dự án giải tỏa 953 căn nhà lụp xụp với gần 14 ngàn nhân khẩu sống trên rạch Ụ Cây cho thấy, sau thời gian dài đàm phán, lập thủ tục đầu tư dự án, một nhà đầu tư đã không đáp ứng các yêu cầu về vốn để bồi thường, hỗ trợ các hộ dân di dời mà yêu cầu địa phương bố trí nguồn vốn ngân sách để chi trả trước cho người dân; nhà đầu tư này chỉ cam kết sẽ hoàn trả khi được cấp phép đầu tư. 

Tình trạng này khiến tiến độ dự án kéo dài và rồi phải giao lại cho Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư sau đó. Mặt khác, quy định về bảo vệ hành lang bảo vệ sông rạch của thành phố những năm qua đã tỏ ra không còn phù hợp với tình hình thực tế nhất là trong điều kiện ngân sách không có để triển khai hạ tầng công cộng ven kênh rạch khiến đất kênh rạch bị lấn chiếm tràn lan, nhà “ổ chuột” tiếp tục mọc lên. 

“Khi các dự án nhà ở đã đua nhau bám mặt sông rạch như hiện nay, thành phố cần cho phép chủ đầu tư dự án tạm đầu tư hạ tầng để khai thác phần đất này vào phục vụ lợi ích công cộng, góp phần đẩy nhanh công tác chỉnh trang đô thị của thành phố”, một nhà đầu tư đề xuất.  

Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh – ông Trần Trọng Tuấn, ngay từ năm 2006, thành phố đã có kế hoạch giải tỏa, di dời 15.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, mục tiêu đặt ra là sẽ hoàn tất vào năm 2010. Nhưng do nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn và cơ chế ưu đãi để thu hút nhà đầu tư, mục tiêu trên phải lùi lại đến năm 2015 vẫn chưa xong.

Từ năm 2008, thành phố cũng đã có chủ trương xã hội hóa với các dự án di dời, giải tỏa nhà lụp xụp ven kênh rạch, song các chính sách thu hút, khuyến khích chủ đầu tư tham gia thực hiện dự án đã không đủ mạnh; đầu tư vào các dự án này lợi nhuận thấp, lại chậm thu hồi vốn nên các chủ đầu tư càng không muốn tham gia.

Nay khi thành phố đã có chế đặc thù, được tự quyết một số cơ chế ưu đãi để hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người dân, nhiều DN đã sẵn sàng tham gia triển khai dự án cải tạo nhà ở ven kênh rạch. Điều này hứa hẹn sẽ tạo lực thúc đẩy chủ trương xóa nhà tạm ven kênh rạch của thành phố đạt hiệu quả như kỳ vọng.

NHÓM PV
.
.
.